Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhu cầu dầu của Trung Quốc suy yếu vì đà phục hồi kinh tế mờ nhạt

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trung Quốc sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu chậm lại trong năm tới khi tác động của nhu cầu du lịch và tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 bắt đầu giảm dần, và doanh số xe điện liên tục tăng.

Các bồn dầu của Tập đoàn dầu khí và hóa chất Trung Quốc (Sinopec) tại một cảng container tại Hồng Kông. Ảnh: Bloomberg

Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, dự kiến tiêu thụ thêm 500.000 thùng mỗi ngày vào năm tới, theo ước tính trung bình từ 12 nhà tư vấn và phân tích được Bloomberg khảo sát. Con số này chưa bằng 1/3 mức tăng vào năm 2023. Cùng với nhiên liệu máy bay, các nguyên liệu hóa dầu như naphtha và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) sẽ chiếm phần lớn mức tăng trưởng tiêu thụ dầu ở Trung Quốc trong năm tới. Trái lại, các nhiên liệu vận tải như xăng dự kiến tăng trưởng nhu cầu chậm hơn khi số lượng xe điện tăng nhanh.

“Năm tới, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ dầu của Trung Quốc sẽ trở lại quỹ đạo bình thường khi các yếu tố thúc đẩy nhu cầu sau đại dịch giảm dần”, Ke Xiaoming, chuyên gia cấp cao của Sinopec, nhà lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, nói và cho biết thêm, triển vọng kinh doanh của các sản phẩm dầu mỏ cũng gắn chặt với nền kinh tế nói chung. Ông cho rằng, ngành hóa dầu của Trung Quốc sẽ được hỗ trợ nhờ công suất tăng thêm, nhưng phải đối mặt với tỷ suất lợi nhuận thấp.

Trong báo cáo hàng tháng hồi tháng 11, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cho biết, trong năm 2023, một nhóm nhỏ các nước không thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), dẫn đầu là Trung Quốc, hỗ trợ tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu.

Tuy nhiên, cơ quan này dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu của thế giới sẽ chậm lại rõ rệt trong năm 2024 do tình trạng dư thừa nguồn cung trong thời gian tới ngay cả khi liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cắt giảm nguồn cung sâu hơn.

Theo IEA, Trung Quốc chiếm 75% mức tăng nhu cầu toàn cầu trong năm nay. Giờ đây, tiêu thụ dầu của nền kinh tế lớn thứ hai ở thời kỳ hậu Covid đang hạ nhiệt vào thời điểm triển vọng tăng trưởng thế giới có vẻ ảm đạm và dầu dư thừa, đặc biệt là từ các nhà sản xuất ngoài OPEC, đang tràn vào thị trường, khiến giá dầu giảm liên tục. Xuất khẩu dầu của Mỹ đang đạt gần mức kỷ lục 6 triệu thùng/ngày. Trên thị trường quốc tế, giá dầu tương lai đang hướng tới tuần giảm thứ bảy liên tiếp, chuỗi giảm giá dài nhất kể từ năm 2018. Trong phiên giao dịch chiều 8-12, theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent ở London tăng 2,3%, ở mức 75,75 đô la/thùng, nhưng đây mức giá thấp nhất trong 6 tháng qua.

“Tăng trưởng nhu cầu dầu ở mức hơn 10% trong năm nay sẽ không bao giờ lặp lại”, Li Ran, nhà phân tích thị trường dầu mỏ của Viện Nghiên cứu Kinh tế và công nghệ thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc  gia Trung Quốc (CNPC), nhận định. CNPC dự đoán nhu cầu của Trung Quốc sẽ trở lại mức của năm 2019. Li cho biết, nhiên liệu máy bay có thể chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất trong số các sản phẩm dầu, nhưng nền kinh tế trì trệ sẽ gây áp lực lên nhu cầu xăng và dầu diesel.

Ngày càng có nhiều người Trung Quốc chuyển sang sử dụng xe điện. Xe chạy bằng pin chiếm 25% tổng doanh số bán xe mới ở Trung Quốc trong vào năm 2022, và tỷ lệ này tăng lên gần 38% trong tháng 10-2023. Nhà phân tích Lin Ye của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy, dự báo tiêu thụ xăng ở Trung Quốc trong năm tới chỉ tăng dưới 4%, và thụ dầu diesel tăng 5%, một phần nhờ hoạt động xây dựng phục hồi. Trong khi đó, tiêu thụ nhiên liệu máy bay sẽ tăng 33% khi du khách quốc tế quay trở lại Trung Quốc.

“Năm 2024 có thể được coi là điểm khởi đầu cho sự suy giảm có hệ thống về nhu cầu dầu của Trung Quốc, với các sản phẩm lớn nhất của dầu mỏ như xăng và dầu diesel sẽ mất động lực tăng trưởng”, Mia Geng, nhà phân tích của hãng tư vấn dầu khí FGE, bình luận.

Ravindra Rao, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Kotak Securities, cho biết triển vọng nhu cầu toàn cầu vẫn ảm đảm do đà phục hồi kinh tế yếu ớt của Trung Quốc, trong khi hoạt động của các nhà máy ở phương Tây tiếp tục suy giảm.

Đà giảm giá kéo dài của dầu và các sản phẩm liên quan như xăng – là tin tốt cho cho các ngân hàng trung ương trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ô tô Mỹ, giá xăng bán lẻ trung bình trên toàn quốc ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong một năm qua.

 Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới