Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nhu cầu nhân lực công nghệ tại Việt Nam vẫn tiếp tục cao

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hàng trăm ngàn nhân lực công nghệ tại nhiều nước đã bị các tập đoàn lớn sa thải trong năm 2023. Thực trạng này chưa dừng lại trong tháng đầu tiên của năm 2024. Song, theo một số chuyên gia trong ngành, “cơn lốc” sa thải nhân lực công nghệ của thế giới này không lan tới Việt Nam. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vẫn đang tăng trưởng và rất thiếu nhân lực.

Nhân viên đang làm việc cho một công ty công nghệ tại Việt Nam. Ảnh minh họa: DNCC

Các công ty công nghệ Việt Nam vẫn thiếu người

Ghi nhận tình hình thực tế tại các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cho thấy các doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực và đang tăng cường tuyển dụng.

Thông tin từ tập đoàn công nghệ CMC cho biết, tính đến giữa năm 2023 tập đoàn này có 5.500 nhân viên và định hướng tới năm 2025 sẽ tăng lên 10.000.

Còn cung cấp thông tin cho báo chí, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch tập đoàn TMA, cho biết công ty này khai trương cơ sở tại Bình Định vào năm 2020 chỉ có 80 người và hiện tăng lên con số 550. Trong 5-10 năm tới, nhu cầu tuyển dụng của TMA Bình Định là từ 2.000-3.000 người. Sau 26 năm phát triển, hiện tập đoàn này có hơn 4.000 nhân sự, có 7 chi nhánh tại Việt Nam (6 tại TPHCM và 1 ở TP Quy Nhơn).

Ông Lệ cho hay việc thiếu hụt nhân lực cho phát triển là trăn trở lớn của TMA và doanh nghiệp đang từng bước giải quyết “bài toán” này. Để có nhân viên làm việc, TMA hợp tác với 65 trường đại học trên cả nước từ chương trình đào tạo của các khoa, các trường cho đến các hội thảo chuyên ngành, tiếp nhận sinh viên thực tập để tìm hiểu về nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch TMA, năm nào TMA cũng phải tuyển dụng vượt kế hoạch để phòng nhân sự chuyển việc. Ví dụ như năm 2023, TMA dự kiến sẽ tuyển thêm 600 kỹ sư công nghệ cho nhu cầu phát triển. Tuy nhiên, công ty phải tuyển dụng đến 800 kỹ sư, trong đó có 200 kỹ sư để bổ sung cho số nhân sự chuyển việc.

Việc tăng trưởng và thiếu hụt nhân sự cũng đang diễn ra tại tập đoàn công nghệ FPT. Năm 2016, số kỹ sư công nghệ cung cấp dịch vụ cho thị trường nước ngoài của FPT là 10.000 người, đến cuối năm 2021 con số này đạt mốc 20.000, và đến tháng 1-2024 tăng lên 30.000 nhân sự làm việc tại 30 quốc gia trên toàn cầu.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, cho biết trước đây tập đoàn này không tuyển người bằng cạnh tranh lương (mà thu hút bằng thương hiệu, uy tín, công việc), song, hiện tập đoàn buộc phải đưa ra mức lương cạnh tranh mới giữ được nhân sự.

Vì sao Việt Nam nằm ngoài ‘cơn lốc’ sa thải nhân lực công nghệ?

Theo các chuyên gia, sở dĩ các công ty công nghệ lớn trên thế giới sa thải nhân lực công nghệ hàng loạt trong một năm qua vì thời điểm đại dịch Covid-19, họ đã thuê hàng chục nghìn nhân sự mới trong thời gian đó để theo kịp nhu cầu kỹ thuật số gia tăng. Nhiều công ty thừa nhận đã tuyển dụng quá mức. Song, hậu Covid-19, khi quay lại nhịp sống cũ, việc sử dụng các sản phẩm công nghệ cũng giảm. Họ thực hiện cắt giảm chiến lược đối với các lĩnh vực mà họ có kế hoạch đầu tư ít hơn và một số loại công việc không còn cần thiết nữa. Các công ty trước đây có thể dễ dàng huy động vốn cũng phải sa thải để duy trì hoạt động.

Còn tại các công ty công nghệ Việt Nam lại đang có nhu cầu cao về nhân sự, mà một phần của nhu cầu này là để thực hiện chiến lược tập trung khai thác thị trường nước ngoài.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, cho biết: “Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Việt Nam đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, cung cấp dịch vụ chuyển đổi số - chỉ sau Ấn Độ”.

Nếu lúc đầu khi ra nước ngoài, FPT chỉ tham gia ở một công đoạn rất thấp trong mảng phần mềm là gia công phần mềm (làm thuê một công đoạn nào đó trong chuỗi phát triển phần mềm) thì sau này đã tập trung nghiên cứu những công nghệ mới nhất và dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ - cung cấp dịch vụ chuyển đổi số. Hện doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số chiếm gần 50% tổng doanh thu từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT. Trong đó, tập trung vào các công nghệ mới như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu...

Trong năm 2023, doanh thu đến từ các hợp đồng lớn trên 5 triệu đô la Mỹ của FPT tăng mạnh cho thấy xu hướng chuyển dịch trên chuỗi giá trị của FPT hướng tới các hợp đồng lớn... FPT đã cán mốc 1 tỉ đô la Mỹ doanh thu dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài trong năm này.

Lãnh đạo FPT nhận định tập đoàn này đang đứng trước cơ hội lớn từ thị trường nước ngoài là việc làm nhiều, nhưng rủi ro có thể đối mặt là vấn đề nhân lực. Liệu FPT có đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng không.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ khác cũng đẩy mạnh kinh doanh tại nước ngoài. Như công ty Rikkei Soft đã tăng cường khai thác thị trường Nhật. Từ chỗ chỉ có vài chục nhân viên vào năm 2015, đến nay doanh nghiệp này đã có hơn 1.500 người và có doanh thu lớn tại thị trường Nhật, đồng thời có kế hoạch tăng trưởng nhân sự để đẩy mạnh khai thác thị trường nước ngoài.

Với Công ty NTQ Solution, nếu năm 2015 chỉ có 6 khách hàng Nhật và vài chục nhân sự thì đến nay công ty đã có hơn 1.000 nhân viên; ngoài Nhật Bản, công ty còn có văn phòng tại Hong Kong, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…; với doanh thu khoảng 20 triệu đô la.

Bình luận về thực trạng các tập đoàn công nghệ thế giới đang phải sa thải nhiều nhân sự, ông Nguyễn Hữu Lệ, Chủ tịch tập đoàn TMA, cho rằng điều này không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, thậm chí còn có lợi. Bởi, trong lúc kinh tế khó khăn, các tập đoàn công nghệ sẽ tìm nguồn nhân sự có chi phí thấp hơn. Nếu tuyển nhân sự công nghệ ở Việt Nam làm việc từ xa, các tập đoàn công nghệ trên thế giới sẽ có thể tiết kiệm chi phí đáng kể vì mức trả tiền thuê chỉ bằng 1/6-1/8 nhân sự làm việc tại Mỹ.

“Việt Nam cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định trong các lĩnh vực công nghệ mới như blockchain, AI… Vì vậy, càng nhiều tập đoàn lớn tìm đến Việt Nam để săn đón những nhân sự công nghệ chất lượng. Điều này càng làm thị trường tuyển dụng thêm cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp nhỏ sẽ khó tìm được nhân sự phù hợp hơn”, ông Lệ nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới