(KTSG Online) - Tại đồng bằng sông Cửu Long, một số nơi nguồn lúa khan hiếm trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh gần đây đã đẩy giá lúa lên cao.
- Giá lúa trong nước ổn định, gạo xuất khẩu gặp khó
- Giá lúa gạo đông xuân sụt giảm, nông dân gặp bất lợi
Giá lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long tuần qua đã tăng ở một vài loại. Nhiều nơi, nguồn lúa không còn nhiều, nhu cầu lúa thơm tốt khiến giá lúa tăng cao, TTXVN đưa tin.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như lúa IR 50404 từ 7.800-7.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; lúa OM 5451 từ 7.800-8.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Giá của lúa Đài thơm 8 là từ 8.800-9.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg và lúa OM 18 cũng từ 8.800-9.000 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 16.000-17.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000-18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg…
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.800-9.400 đồng/kg. Hiện giá tấm thơm ở mức 9.200-9.400 đồng/kg; giá cám khô ở mức 5.800-6.000 đồng/kg.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lúa thu đông năm 2024 ở Nam Bộ gieo trồng được gần 938.900 hécta, tăng trên 20% so với kế hoạch. Đến cuối tháng 11, các địa phương đã thu hoạch được trên 530.000 hécta, chiếm 56% diện tích gieo trồng.
Cùng với đó, lúa đông xuân năm 2024-2025 cũng đã xuống giống được trên 690.000 hécta, tập trung tại các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Vĩnh Long…