(KTSG Online) - Tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên trong 2 năm, nền kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu sụt giảm. Nguyên nhân cho sự sụt giảm nhu cầu mua hàng được lý giải là do rủi ro suy thoái toàn cầu tăng lên, trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng vọt.
- Trung Quốc dập tắt hy vọng nới lỏng chính sách zero Covid
- Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc nhấn mạnh an ninh, phát triển và zero Covid
Hôm 7-11, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc(GAC) cho biết kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tính theo đồng đô la Mỹ giảm 0,3% trong tháng 10 so với một năm trước đó, xuống còn 298,37 tỉ đô la Mỹ. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu của Trung Quốc suy giảm kể từ 5-2020.
Dữ liệu này đã gây bất ngờ vì trước đó các nhà kinh tế dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tăng 4,5% trong tháng 10. Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng trước cũng giảm 0,7%, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 8-2020. Với nhập khẩu suy giảm mạnh hơn, thặng dư thương mại của Trung Quốc đã nhích lên 85,15 tỉ đô la Mỹ trong tháng 10 so với 84,74 tỉ đô la Mỹ trong tháng 9 nhưng vẫn thấp hơn hơn mức dự báo là 95,95 tỉ đô la Mỹ.
Sự chùng xuống của hoạt động xuất khẩu làm tăng thêm áp lực lên nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn do thị trường bất động sản lao dốc, tình trạng gián đoạn liên tục trong sản xuất và kinh doanh do các biện pháp kiểm soát Covid-19 và tiêu dùng nội địa yếu. Tăng trưởng xuất khẩu là yếu tố chính hỗ trợ đà phục hồi của Trung Quốc trong 2 năm qua. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này dường như đã đảo ngược khi nhu cầu bùng nổ trong thời kỳ dịch bệnh biến mất ngay đúng lúc chiến sự ở Ukraine đẩy tăng lạm phát và bất ổn trên toàn cầu.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc thậm chí không thể tận dụng được sự suy yếu của đồng nhân dân tệ và mùa mua sắm quan trọng vào cuối năm.
Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management, nói: “Tăng trưởng xuất khẩu yếu của Trung Quốc có thể phản ánh nhu cầu bên ngoài kém cũng như sự gián đoạn nguồn cung do các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở trong nước. Tôi cho rằng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ tiếp tục yếu trong vài tháng tới khi nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại”.
Hôm 6-11, Apple cho biết lệnh phong tỏa tại nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu sẽ ảnh hưởng đến sản lượng và xuất khẩu dòng iPhone 14 Pro và Pro Max trong mùa mua sắm Giáng sinh sắp tới.
Đồng tình với nhận định trên, nhà kinh tế Zichun Huang của Capital Economics nói: “Nhìn về phía trước, chúng tôi cho rằng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm hơn nữa trong những quí tới”.
Theo Zichun Huang, động thái thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của các nền kinh tế phát triển ở phương Tây và thu nhập thực tế của người dân suy giảm do lạm phát cao sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cơn suy thoái trong năm tới.
Trước đó, giới chức trách Trung Quốc cũng đã cảnh báo động lực tăng trưởng xuất khẩu sẽ yếu hơn nữa.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shu Jueting nói tại cuộc họp báo vào cuối tháng trước: “Rủi ro về tăng trưởng nhu cầu bên ngoài chậm lại đang tăng lên trong quí 4”. Bà nhận định môi trường thương mại ngày càng trở nên phức tạp đối với Trung Quốc và những bất ổn vẫn đang gia tăng do tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới đang chậm lại.
Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các nước phát triển lớn đang làm dấy lên lo ngại về một cơn suy thoái toàn cầu có thể gây tổn thương hơn nữa đối với nhu cầu về các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất. Tuần trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lần thứ sáu trong năm nay và các nước châu Âu dự kiến sẽ tăng lãi suất để bắt kịp Fed.
Các đợt bùng phát dịch bệnh và các biện pháp kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt là một mối lo ngại lớn khác đối với triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc. Cuối tuần qua, các quan chức y tế Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh vẫn kiên trì với “chính sách zero Covid”. Thông điệp này đã dập tắt hy vọng về bất kỳ sự cải thiện nhanh chóng nào trong các hoạt động kinh tế và có thể thúc đẩy các hộ gia đình Trung Quốc tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu.
Các nhà chức trách Trung Quốc đã hé lộ sơ bộ về kế hoạch giải cứu nền kinh tế tại Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng trước. Tuy nhiên, giới đầu tư cần nắm bắt rõ ràng hơn về việc liệu Trung Quốc có nới lỏng cách tiếp cận không khoan nhượng để chống đại dịch Covid-19 hay không và liệu Trung Quốc có tăng cường hỗ trợ thị trường bất động sản trong những tuần tới hay không.
Zhang Zhiwei cho biết có những dấu hiệu ban đầu cho thấy chính sách “zero-Covid” có thể được nới lỏng trong thời gian tới, nhưng việc tái mở cửa hoàn toàn sẽ là một quá trình lâu dài và dần dần.
Ông nói: “Sự thay đổi đáng kể đối với chính sách này có thể sẽ xảy ra vào năm sau hơn là năm nay ”.
Theo Bloomberg, Reuters