Chủ Nhật, 23/06/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nhu cầu vàng ở châu Á tăng vọt trong mùa cưới và mùa lễ hội

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhu cầu vàng tăng vọt ở nhiều nơi ở châu Á, từ Ấn Độ cho đến Hồng Kông, bất cấp giá kim loại quí này đang ở mức cao do tác động của cuộc xung đột Israel-Hamas. Động lực chính cho nhu cầu này là mùa cưới và mùa lễ hội ở khu vực đang chuẩn bị bước vào giai đoạn cao điểm.

Nhu cầu vàng ở Ấn Độ đang tăng mạnh khi nhiều người dân mua vàng để chuẩn bị cho đám cưới cũng như lễ hội Ánh sáng (Diwali). Ảnh: Daily Pioneer

Vào ngày 27-10, vàng đã tăng giá vượt mức 2.000 đô la Mỹ/ounce, đánh dấu mức cao nhất trong 5 tháng và gần với mức cao nhất mọi thời đại do bất ổn chính trị và kinh tế sau khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra hồi đầu tháng 10. Kể từ đó, giá vàng đã giảm xuống còn 1.950 đô la /ounce khi thị trường nhận thấy rủi ro xung đột lan rộng ở Trung Đông giảm bớt.

“Nhu cầu mua vàng của người dân Ấn Độ đang tăng cao hơn nhờ giá đã giảm một chút. Mọi người không chắc khi nào giá có thể tăng trở lại vì chiến tranh”, Bachhraj Bamalwa, chủ sở hữu của Nemiahand Bamalwa & Sons, một nhà bán lẻ vàng và kim cương lớn, có trụ sở tại Kolkata (Ấn Độ) nói.

Ông cho biết thêm, nhiều đôi uyên ương ở Ấn Độ tổ chức đám cưới từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024. “Với những cặp đôi này, việc mua vàng là bắt buộc”, ông nói và giải thích trong các đám cưới của người Hindu ở Ấn Độ, vàng được trao tặng cho cô dâu như một hình thức tiết kiệm trọn đời và là biểu tượng của sự may mắn.

Cũng theo đó, Lễ hội Ánh sáng (Diwali) của người Hindu, diễn ra từ ngày 10 đến 14-11 cũng đang thúc đẩy nhu cầu mua sắm vàng vì kim loại quí này được coi là điềm lành. Tuy nhiên, giá vẫn còn cao khiến nhiều người tiêu dùng chọn mua vàng với số lượng nhỏ hơn.

Các nhà kinh doanh đồ trang sức lớn đã tích trữ vàng trước mùa lễ hội và đang chờ xem liệu xung đột Israel-Hamas có leo thang hay không.

“Nếu tình hình Trung Đông ổn định, giá vàng có thể giảm khoảng 100 đô la mỗi ounce trong vài tuần tới. Tuy nhiên, từ tháng 1 đến tháng 2 trong năm sau, giá vàng có thể tăng lên tới 2.200 đô la/ounce”, Ganesh Agarwal, giám đốc cao cấp của Shiv Sahai & Sons, một trong nhà kinh doanh vàng miếng lớn nhất Ấn Độ nói.

Ông cho rằng, vàng vẫn còn dư địa tăng giá nếu các nước phương Tây bơm thêm tiền mặt và giảm lãi suất vào năm tới nhằm ngăn chặn kinh tế trở nên tồi tệ hơn sau một chu kỳ thắt chắt tiền tệ mạnh mẽ.

Ấn Độ và Trung Quốc là những nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Hai nước này chiếm hơn một nửa tổng thị phần tiêu thụ vàng toàn cầu.

“Nếu giá vàng giảm thêm, nhu cầu mua vàng của người dân Ấn Độ trong mùa cưới sẽ tăng rất mạnh”, P.R. Somasundaram, Giám đốc điều hành phụ trách khu vực Ấn Độ của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) nói.

Hầu hết nhu cầu vàng của Ấn Độ là dành cho đồ trang sức, không phải nhằm mục đích đầu tư. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều nhà đầu tư ở Ấn Độ phân bổ một phần vốn của vào vàng.

Lực mua vàng ở các trung tâm tiêu thụ vàng khác ở châu Á khác cũng rất mạnh mẽ. Chẳng hạn, ở Hồng Kông, Công ty kinh doanh vàng trang sức Chow Tai Fook Jewellery Group cho biết sức mua tăng. Điều này có thể là do cao điểm để mua trang sức vàng ở lễ hội mùa xuân sắp tới

Người phát ngôn của công ty trên cho biết, Tết Nguyên đán ở Trung Quốc nhằm ngày 10-2-2024, đánh dấu sự khởi đầu của kỳ nghỉ lễ hội mùa xuân, lễ hội lớn nhất ở nước này. Việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 và số lượng đám cưới tăng lên đã giải phóng nhu cầu về vàng trang sức cho cô dâu.

Một nhà kinh doanh vàng khác ở Hồng Kông cũng ghi nhận doanh số bán vàng cho khách Trung Quốc đại lục và Đài Loan cũng đang tăng mạnh.

“Doanh số bán vàng của chúng tôi trong tháng 10 cao hơn gấp đôi tháng 9 và gần gấp đôi tháng 8”,  Padraig Seif, đối tác sáng lập của Precious Metals Asia, nhà kinh doanh vàng, có trụ sở tại Hồng Kông nói:

Nhiều giao dịch mua là của các thương nhân muốn tận dụng mức giá thấp hơn ở Hồng Kông so với Trung Quốc đại lục, nơi nguồn cung vàng đang thiếu hụt. Seif nói, khách từ Đài Loan cũng đổ xô đến Hồng Kông để mua vàng. Điều này có thể liên quan đến căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan.

“Những khách hàng lâu năm của chúng tôi đã mua trở lại từ đầu năm nay, giúp thúc đẩy doanh số bán hàng của chúng tôi lên mức trước đại dịch”, Seif nói thêm.

Trong khi đó, nhu cầu vàng ở các khu vực khác không đồng đều. Theo Ross Norman, CEO Metals Daily, sau 4 năm tăng trưởng mạnh, nhu cầu vật chất ở châu Âu đang sụt giảm mạnh trong bối cảnh lãi suất cao hơn, lạm phát chậm lại.

“Cuộc chiến Israel-Hamas đã thúc đẩy nhu cầu vàng tăng cao ở Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ khi các nhà đầu tư lo ngại xung đột có thể lan rộng ra khu vực”, ông nói.

Norman hoài nghi về tính bền vững của các đợt tăng giá vàng do các sự kiện như cuộc chiến Israel-Hams và dự báo, nếu cuộc chiến này không leo thang, dù vẫn gay gắt, thị trường vàng sẽ chứng kiến một số hoạt động chốt lời. Trong vài tháng tới, xu hướng giá vàng có thể bắt nguồn từ những biến động của đồng đô la Mỹ và dòng vốn đầu tư.

Theo SCMP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới