(KTSG) - Sau quãng thời gian bùng nổ mạnh mẽ, nhu cầu xe điện trên toàn cầu đã có dấu hiệu tăng chậm lại, ngay cả tại những thị trường hàng đầu như Trung Quốc. Điều này đang buộc ngành công nghiệp ô tô phải có những bước đi thích ứng.
- Buông dự án xe điện, Apple dồn lực cho AI tạo sinh
- Các hãng xe Nhật kiên trì với chiến lược đầu tư xe điện thận trọng
Tăng trưởng nhu cầu xe điện toàn cầu dần chậm lại
Theo BloombergNEF, doanh số bán các loại xe thuần điện cộng với xe plug-in hybrid (vừa có thể chạy điện, vừa có thể chạy bằng xăng hoặc dầu diesel) đã tăng hơn gấp đôi vào năm 2021 và tăng 62% vào năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng này chỉ còn là 31% trong năm ngoái và được dự báo sẽ tiếp tục chậm lại ở mức 21% trong năm nay.
Trên thực tế, các số liệu trong tháng 1 cho thấy, doanh số bán xe điện tại các thị trường toàn cầu dù vẫn tăng mạnh 69% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã chậm lại đáng kể so với tháng 12-2023 khi giảm tới 26%. Trong đó, doanh số bán xe điện tại châu Âu ghi nhận mức giảm theo tháng là 32%, còn ở Mỹ và Canada giảm 14%.
Theo Bloomberg, trong làn sóng xe điện đầu tiên, các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu và Bắc Mỹ có thể dựa vào động lực từ nhu cầu mua xe của những người đam mê công nghệ và trợ cấp của các chính phủ để thúc đẩy doanh số bán hàng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn tiếp theo, các hãng xe phải đối mặt với nhiều tài xế quan tâm đến chi phí hơn. Tính trung bình, xe thuần điện có chi phí vận hành đắt hơn những chiếc ô tô chạy bằng nhiên liệu truyền thống lần lượt 30% và 27% ở châu Âu và Mỹ.
Trong khi đó, các khoản trợ cấp và giảm thuế từng giúp thúc đẩy doanh số bán xe điện đang dần suy giảm ở châu Âu.
Ngoài ra, người tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu còn phải đối mặt với thách thức từ việc chi phí đi vay tăng cao. Một số người tiêu dùng khác vẫn lo lắng về cơ sở hạ tầng sạc và phạm vi di chuyển của xe điện.
Doanh số xe điện Trung Quốc sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp
Ngay cả tại Trung Quốc - thị trường xe điện lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% tổng doanh số toàn cầu, cũng không còn là động lực tăng trưởng đáng tin cậy. Các nhà sản xuất xe điện tại đây cũng đang phải vật lộn với sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong năm nay trong bối cảnh có những lo ngại về tình trạng dư thừa nguồn cung nghiêm trọng trên thị trường.
Theo SCMP, số lượng xe được giao tới tay khách hàng trong tháng 2 của các nhà sản xuất xe điện (EV) lớn tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ hai liên tiếp. Mặc dù một phần sự sụt giảm này là do tác động từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra lo ngại về việc một cuộc chiến khốc liệt về giá có thể sắp xảy ra.
Li Auto có trụ sở tại Bắc Kinh, đối thủ hàng đầu của Tesla tại Trung Quốc đại lục, đã giao 20.251 xe trong tháng 2, tương đương với mức giảm theo tháng là 35%. Trước đó, hãng cũng đã ghi nhận mức giảm doanh số 38,1% trong tháng 1.
Ngay cả BYD - hãng xe điện lớn nhất thế giới cũng gặp nhiều khó khăn, với doanh số bán hàng trong tháng 2 giảm gần 40% xuống 122.311 chiếc - mức thấp nhất kể từ tháng 5-2022. Trước đó, trong tháng 1, doanh số bán hàng của hãng cũng giảm tới gần 45%.
Tesla, công ty đang bán các mẫu xe Model 3 và Model Y tại thị trường Trung Quốc đại lục, chưa công bố báo cáo doanh số hàng tháng tại Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc (CPCA), nhà sản xuất ô tô Mỹ đã giao 39.881 chiếc cho khách hàng Trung Quốc trong tháng 1, giảm 47,4% so với một tháng trước đó.
Các số liệu thống kê cho thấy, doanh số bán xe điện ở Trung Quốc đại lục trong năm 2023 đã đạt 8,9 triệu chiếc, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia của Fitch Ratings dự báo doanh số bán hàng sẽ chỉ tăng 20% trong năm nay.
SCMP lý giải, nhu cầu về xe điện năm nay đã chững lại ở Trung Quốc do người tiêu dùng thiếu niềm tin vào triển vọng kinh tế và những khó khăn tiếp diễn trong lĩnh vực bất động sản. Việc chính phủ nước này chấm dứt khoản trợ cấp trị giá khoảng 12.000 nhân dân tệ khi mua xe điện cũng ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.
Các hãng xe nỗ lực thích ứng với thay đổi của thị trường
Để ứng phó với nhu cầu đang tăng chậm lại, một số nhà sản xuất ô tô, dẫn đầu là Tesla, đã liên tục giảm giá trong suốt năm qua để tăng sức hấp dẫn với các khách hàng. Các nhà sản xuất đang chạy đua để giới thiệu một số mẫu rẻ hơn, ví dụ như các mẫu xe Stellantis ‘e-C3, Renault 5 và Volvo EX30 tại châu Âu. Còn tại Mỹ, nơi mới chỉ có một mẫu xe điện được bán với giá dưới 40.000 đô la, GM General Motors Co đang bắt đầu sản xuất một chiếc Chevrolet Equinox chạy điện với giá khởi điểm 35.000 đô la.
Cuộc chạy đua sôi nổi hơn cả diễn ra tại Trung Quốc. Ông Cui Dongshu, Tổng thư ký CPCA, dự đoán hồi tháng 2 rằng hầu hết các nhà sản xuất ô tô tại đây sẽ giảm giá và tham gia vào cuộc chiến giá cả để giữ thị phần của họ trên thị trường trong năm 2024.
Hôm 18-2, BYD đã ra mắt phiên bản xe plug-in hybrid mới, Qin Plus DM-i, với giá khởi điểm là 79.800 nhân dân tệ (11.085 đô la) - rẻ hơn 20% so với phiên bản trước đó.
Đến hôm Chủ nhật (3-3), hãng Xpeng cũng cho biết sẽ gia hạn việc giảm giá 20.000 nhân dân tệ cho chiếc SUV G6 bán chạy nhất của mình cho đến cuối tháng 3. Như vậy, chiếc G6 phiên bản phổ thông sẽ có mức giá 189.900 nhân dân tệ, thay vì 209.900 nhân dân tệ như ban đầu. Trước đó, chương trình giảm giá của Xpeng dự kiến kết thúc hôm 29-2.
Ba nhà sản xuất ô tô khác, trong đó có liên doanh với General Motors, cũng làm điều tương tự khi định giá những chiếc ô tô chạy điện bán chạy nhất của họ dưới ngưỡng 100.000 nhân dân tệ. Xu hướng này được dự báo có thể leo thang thành cuộc chiến giá cả, từ đó đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện ở Trung Quốc.
Eric Han, giám đốc cấp cao của Suolei, một công ty tư vấn tại Thượng Hải, cho biết: “Một cuộc chiến khốc liệt về giá đã leo thang kể từ khi BYD và Xpeng, hai ông lớn trên thị trường Trung Quốc, kiên quyết thực hiện chiến lược giảm giá để tăng sự hấp dẫn cho những chiếc xe của họ. Các đối thủ cạnh tranh của họ sẽ mất thị phần nếu không chấp nhận giảm giá sản phẩm”.
Bên cạnh việc giảm giá bán, các công ty cũng thực hiện nhiều bước đi khác như cắt giảm sản lượng và nhân sự trong mảng xe điện để duy trì lợi nhuận. Mercedes Benz mới đây đã điều chỉnh chiến lược của mình, từ bỏ mục tiêu sản xuất 100% xe thuần điện vào năm 2030. Hãng cho biết, sẽ chỉ sản xuất 50% xe điện, và phần còn lại vẫn là xe sử dụng động cơ đốt trong và xe plug-in hybrid. Trước đó, hồi cuối năm ngoái, hai nhà sản xuất lớn của Mỹ là GM và Ford cũng đã phải giảm mục tiêu sản lượng xe thuần điện trong năm 2024, do dự báo nhu cầu chững lại.
Các nhà sản xuất ô tô cũng đang đầu tư mạnh vào công nghệ pin để thu hút những người mua tiềm năng đang có quan điểm thận trọng. BYD và Tesla đang dẫn đầu trong việc sử dụng pin lithium-iron-phosphate (LFP), loại pin có mật độ năng lượng thấp hơn nhưng chi phí thấp hơn, có tuổi thọ cao hơn và được coi là an toàn hơn, phù hợp để thay thế cho loại pin niken - coban - mangan.
Toyota, BYD và Công ty pin Trung Quốc Contemporary Amperex Technology đều đang nỗ lực phát triển pin thể rắn, sử dụng vật liệu điện cực có điện áp cao, công suất cao giúp tăng hiệu suất và dung lượng pin so với công nghệ lithium-ion. Bloomberg kỳ vọng, pin thể rắn có thể sẽ được sử dụng nhiều hơn trên các mẫu xe cao cấp trong thời gian tới do chi phí sản xuất và nguyên liệu thô cao hơn.
Nguồn: SCMP, Bloomberg, Reuters, The Verge