Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhựa Duy Tân: 33 năm ‘chuyển sinh’ hạt nhựa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhựa Duy Tân: 33 năm ‘chuyển sinh’ hạt nhựa

Dũng Nguyễn

(TBKTSG) – LTS: Đầu năm 2021 tới đây, TBKTSG tròn 30 năm kể từ khi thành lập (4-1-1991 – 4-1-2021). Suốt gần 30 năm qua nhóm TBKTSG luôn kiên trì với tôn chỉ mục đích được xác lập từ ngày đầu thành lập, đó là Ủng hộ và đóng góp vào tiến trình đổi mới của đất nước; Ủng hộ vô điều kiện các doanh nghiệp làm ăn chân chính và góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân của thời kỳ đổi mới. Nhân dịp 30 năm nhìn lại, TBKTSG thực hiện loạt bài viết về một số trong những doanh nghiệp/doanh nhân đã đồng hành và là độc giả của TBKTSG từ những ngày đầu. (Xin mời độc giả xem từ số 43-2020, ngày 22-10-2020)

Nhựa Duy Tân: 33 năm 'chuyển sinh' hạt nhựa
Nhựa Duy Tân có được vị thế thương hiệu như ngày hôm nay, ngoài sự tự tin và cam kết đầu tư sản xuất, còn là tầm nhìn về đội ngũ bán hàng.

Đối với Nhựa Duy Tân, 33 năm qua là một hành trình nỗ lực không ngừng để có thể tạo lập được vị thế khá vững vàng như hiện nay.

Đa dạng sản phẩm, mở rộng điểm bán

Nhựa Duy Tân bước vào ngành hàng nhựa gia dụng trong những năm 1990, bắt đầu từ mặt hàng ghế nhựa và rổ nhựa. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất, đa dạng chủng loại mặt hàng nhằm khai phá tiềm năng thị trường nhựa gia dụng thời đó đòi hỏi nhiều ở khả năng tăng hiệu suất máy móc.

Cơ duyên lớn đến với công ty khi nền kinh tế bắt đầu cởi mở hơn sau năm 1994. Trong xu hướng đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, Nhựa Duy Tân đã chinh phục được sự hợp tác của Unilever, thương hiệu có những yêu cầu khắt khe, và sau đó trở thành nhà cung cấp bao bì, chai nhựa, nắp chai… cho các nhãn hàng lớn khác trong ngành hàng tiêu dùng như Nestle, Comfort, Romano, Lix, Lifebuoy hay Meiji.

Những đơn hàng của các công ty đa quốc gia đã đặt nền móng vững chắc cho việc thiết lập tiêu chuẩn sản xuất cao cho Nhựa Duy Tân. “Các tập đoàn này xuống tận nhà máy để xem xét, đánh giá. Chúng tôi không chỉ cải thiện nhiều khâu, nhiều lần mà còn phải cải thiện liên tục để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất toàn cầu”, ông Lê Anh, Phó tổng giám đốc Nhựa Duy Tân, kể lại.

“Trong quá trình hoạt động và phát triển suốt 33 năm qua, với đặc thù của ngành nghề kinh doanh sản xuất các sản phẩm nhựa, chúng tôi đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của thị trường. Để có được kết quả nhất định như hôm nay, cũng như ngày càng phát triển hơn nữa, bên cạnh sự tự nỗ lực của Nhựa Duy Tân còn có sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan thông tấn. Báo chí không chỉ đơn thuần là một cơ quan cung cấp thông tin, mà còn là một kênh giúp Nhựa Duy Tân phản ánh được nội tại đến với cộng đồng trong từng thời điểm. Quan trọng hơn, báo chí góp phần không nhỏ vào việc giúp Nhựa Duy Tân có thể phát triển một cách bền vững”.

Ông Lê Anh, Phó tổng giám đốc Nhựa Duy Tân

Việc sở hữu các chứng nhận như Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn 24 năm liền, ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, ISO 15378:2017 cho bao bì đóng gói dược phẩm (dựa theo tiêu chuẩn GMP) và chứng nhận tiêu chuẩn toàn cầu bao bì BRC Global Standard, là bảo chứng cho chất lượng sản phẩm của Nhựa Duy Tân, giúp tỷ trọng giá trị xuất khẩu đạt tới 18% quy mô doanh thu hiện nay của công ty. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thùng và bình giữ nhiệt, bao bì mỹ phẩm, hóa phẩm… đi các thị trường chủ lực là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và một số nước khu vực Đông Nam Á.

Nhưng câu chuyện khó nhất của ngành nhựa có lẽ nằm ở tư duy sản xuất sản phẩm sao cho không có “chi tiết thừa”. Để được như vậy, khuôn nhựa phải là hàng “thượng phẩm”, khuôn “hot runner” càng tốt thì “ba-via” (lượng nhựa thừa ở sản phẩm) càng thấp, và giá mỗi khuôn đúc không hề rẻ nếu muốn độ chính xác gần như tuyệt đối. Nhựa Duy Tân đã giải bài toán này bằng đầu tư các nhà máy sản xuất gồm nhà máy khuôn chính xác Mida ở Long An và nhà máy khuôn chính xác Duy Tân ở TPHCM, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình sản xuất nhựa.

Ông Trần Duy Hy, Nhà sáng lập và cũng là Tổng giám đốc Nhựa Duy Tân, với tâm thế luôn tìm tòi học hỏi, đã đưa công ty đi theo lộ trình mà trọng tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất. Đến nay, bên cạnh hai nhà máy khuôn độc lập, Nhựa Duy Tân có ba nhà máy ở Bình Dương, TPHCM và ở Long An. Tỷ lệ tự động hóa tại các nhà máy này hiện khoảng 38%, không chỉ giúp tăng năng suất mà còn đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm thiểu sự tiếp xúc vi sinh cho người lao động. Số chủng loại sản phẩm ngày nay đã tăng lên đáng kể. Người tiêu dùng rất dễ bắt gặp một sản phẩm nào đó của Nhựa Duy Tân, từ những vỏ chai, nắp chai cho đến những mặt hàng như bàn ghế, tủ kệ nội thất, và công ty vẫn không ngừng cải tiến để cho ra những sản phẩm mới trong tương lai.

Nhựa Duy Tân có được vị thế thương hiệu như ngày hôm nay, ngoài sự tự tin và cam kết đầu tư sản xuất, còn là tầm nhìn về đội ngũ bán hàng. Với chủ trương phát triển kênh bán lẻ từ năm 2003, đến nay, công ty có khoảng 14.000 điểm bán lẻ, đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng trong nhiều năm qua.

Cuộc phiêu lưu mới

Theo báo cáo của FPTS, quy mô ngành nhựa ước khoảng 15 tỉ đô la Mỹ vào năm 2017, tương đương khoảng 6,7% GDP của Việt Nam. Sản phẩm đầu ra của ngành nhựa rất đa dạng và được chia thành các ngành hàng khác nhau: bao bì nhựa, nhựa dân dụng, nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật (linh kiện có độ chính xác cao). Trừ mảng nhựa xây dựng, Nhựa Duy Tân tham gia mạnh ở nhóm nhựa gia dụng chiếm 50% doanh thu của công ty và nhựa bao bì chiếm 30%.

Ông Lê Anh cho biết chiến lược của Nhựa Duy Tân trong thời gian tới vẫn tập trung cung cấp sản phẩm cho không gian nội thất của các gia đình như các sản phẩm bàn ghế, tủ đựng và những sản phẩm nội thất cao cấp khác. Công ty không chỉ nhắm tới bán cho người dùng trực tiếp (B2C) mà còn đẩy mạnh nhánh kinh doanh nhắm tới khách hàng là doanh nghiệp (B2B). Chiến lược chung tuy không mới nhưng “sản phẩm thì sẽ khác”, ông Lê Anh cho biết. “Chúng tôi sẽ tập trung phát triển những thiết kế phù hợp với giới trẻ, với các gia đình thành thị, đặc biệt là nhắm tới các phân khúc trung và cao cấp, là những phân khúc khách hàng trước nay họ ít nghĩ đến sản phẩm của Nhựa Duy Tân”, ông nói.

Trước mắt, hai sản phẩm cụ thể thuộc dòng cao cấp là bàn ghế nội thất Plaxury và dòng tủ Omni. Dòng tủ nhựa chiếm tỷ trọng cao nhất trong phân khúc nhựa gia dụng của công ty, vào khoảng 20%. “Nhựa Duy Tân luôn mong muốn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong mọi không gian sống hiện đại thông qua những sản phẩm tiện ích, tính năng vượt trội và thân thiện với môi trường”, theo ông Lê Anh.

Mới đây, công ty cũng đã đầu tư thêm nhà máy nhựa tái chế với tổng vốn đầu tư công bố là 60 triệu đô la Mỹ, công suất dự kiến 100.000 tấn/năm và áp dụng công nghệ tái chế chai ra chai (bottles to bottles). Ông Lê Anh cho biết: “Đây là cam kết trách nhiệm của chúng tôi, đồng thời là cơ sở để Nhựa Duy Tân đạt chứng nhận tái chế toàn cầu”.

Ngoài ra, “nếu sự lan tỏa thương hiệu Nhựa Duy Tân trong thời gian qua chủ yếu dựa vào quan điểm “hữu xạ tự nhiên hương” thì trong chuyến phiêu lưu tới đây, chúng tôi sẽ chủ động đổi mới”, ông Lê Anh nói. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới