Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nhựa ít hại môi trường hơn nguyên liệu sinh học!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhựa ít hại môi trường hơn nguyên liệu sinh học!

Cần thay đổi thói quen tiêu dùng của xã hội, để mỗi người tự hạn chế thải rác ra môi trường.

LTS: Việc sử dụng các loại bao bì nhựa được xem là gây tác hại về lâu dài đối với môi trường; nhiều nước hiện khuyến khích sử dụng bao bì làm từ nguyên liệu dễ phân hủy để thay thế bao bì nhựa. Tuy nhiên bài viết dưới đây của tác giả Trường Sơn với những so sánh, phân tích, đã cho rằng nếu xét cả vòng đời của sản phẩm từ trước lúc chế tạo cho đến khi nó được thải ra thì nhựa ít hại môi trường hơn nguyên liệu sinh học.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin giới thiệu bài viết này và mong nhận được những phản hồi, ý kiến phản biện từ các bạn đọc quan tâm.

Dưới đây là nội dung bài viết đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 11-2009, ra ngày 5-3-2009:

 

Nhựa ít hại môi trường hơn nguyên liệu sinh học!     

Để đánh giá một sản phẩm gây tác hại nhiều hay ít cho môi trường, không thể chỉ căn cứ vào những hậu quả mà nó để lại sau quá trình sử dụng, mà phải phân tích tác động của cả vòng đời của một sản phẩm.

Tình trạng nhiều quốc gia bị tràn ngập bởi túi nhựa sau khi sử dụng đã làm nảy sinh quan điểm cần hạn chế loại sản phẩm này để quay về với túi làm từ giấy, loại nguyên liệu được cho là thân thiện với môi trường hơn.

Không ai phủ nhận giấy dễ phân hủy hơn nhựa. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào đó để kết luận phát triển sản phẩm làm từ giấy, gỗ sẽ giúp môi trường được bảo vệ thì thật sai lầm. Sẽ thật là phiến diện nếu chỉ nhìn vấn đề môi trường ở giai đoạn sau khi sử dụng của sản phẩm. Bởi thế khi nói về môi trường một cách nghiêm chỉnh, các nhà khoa học thường phải xem xét tác động tổng thể của nó từ trước lúc chế tạo cho đến khi nó được thải ra.  

Với quan điểm tiếp cận đó, Tập đoàn BASF của Đức đã tiến hành phân tích mức độ tổn hại đến môi trường của ba loại bao bì làm từ nhựa, giấy và nguyên liệu sinh học, dựa trên các tiêu chí năng lượng sử dụng, mức độ gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, và cho kết quả hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ thông thường.

Theo đó, bao bì nhựa thân thiện với môi trường nhất. Ngược lại, bao bì làm từ nhựa sinh học, vốn lâu nay nhiều người vẫn cho là thân thiện với môi trường, thì lại gây nhiều tác hại hơn cả.

Về mức độ tiêu hao năng lượng, quá trình sản xuất nhựa sử dụng nhiều hơn giấy trong quá trình sản xuất, nhưng lại tiết kiệm hơn đáng kể trong khâu vận chuyển (do túi nhựa mỏng và nhẹ hơn).

Trong khi đó, năng lượng cần thiết cho quá trình sản xuất bao bì sinh học lại rất lớn, khâu vận tải cũng tốn kém nhiều hơn. Nếu tính gộp mọi yếu tố, mức tiêu hao năng lượng của bao bì nhựa ít hơn giấy 5% và bao bì nhựa sinh học khoảng 40%.

Quy trình sản xuất giấy cần nhiều nước, nên mức độ gây ô nhiễm nguồn nước gần gấp đôi so với bao bì nhựa sinh học và gấp sáu lần so với nhựa. Riêng các chỉ tiêu ô nhiễm không khí, túi nhựa sinh học gây tác hại nhiều hơn hẳn sản phẩm làm từ nhựa và giấy, trong đó phần lớn là khí thải ra trong quá trình sản xuất và phần còn lại phát sinh khi sản phẩm bị phân hủy trong môi trường tự nhiên.

Nhìn bề ngoài, sản phẩm làm từ nguyên liệu sinh học dễ phân hủy và biến mất khỏi tầm mắt, khiến cho mọi người cảm thấy nó tốt cho môi trường. Trong thực tế, đây là loại nguyên liệu có gốc sinh học, khi thải ra môi trường nó sẽ trở thành thực phẩm cho vi khuẩn và trong quá trình bị phân hủy bởi vi khuẩn sẽ sinh ra mê tan và CO2, là những loại khí gây ra hiệu ứng nhà kính.

Tuy nhiên, không phải nhựa có gốc sinh học nào cũng có thể tự hủy. Có loại khác được sản xuất bằng cách pha trộn thêm phụ gia gồm cả bột đá. Loại này không thể tự hủy sinh học, mà chỉ có thể tan rã (disintegration) dưới ánh nắng (tia UV) hoặc tan rã dưới tác dụng của nhiệt, có nghĩa là năng lượng mặt trời sẽ làm đứt dần các chuỗi phân tử và làm rác “biến mất” khỏi mắt ta, nhưng thực chất vẫn còn nguyên trong môi trường tự nhiên.

Tóm lại, rác là một vấn đề của sự phát triển. Giải quyết vấn đề bằng cách sử dụng nguyên liệu dễ phân hủy chưa chắc là giải pháp khôn ngoan. Thay vào đó, Nhà nước nên ban hành chính sách nhằm tổ chức thu gom, phân loại và xử lý rác một cách hiệu quả. Quan trọng hơn là biện pháp khuyến khích thay đổi thói quen tiêu dùng của xã hội, để mỗi người tự hạn chế thải rác ra môi trường.

TRƯỜNG SƠN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới