(KTSG) - 1. Trên báo chí tràn ngập tin tức về nhóm nhạc nữ Blackpink (Hàn Quốc) đến Việt Nam. Từ không khí chào đón thần tượng của người hâm mộ (fan) ở sân bay đến những câu chuyện họ đi chuyên cơ sang trọng, họ sẽ trình diễn những ca khúc hit, doanh thu thu được…
Thật ra, sự thăng hoa cảm xúc, đặc biệt nơi giới trẻ, tô thêm chất liệu cho cuộc sống này. Cũng có khi, nó gieo mầm những ước mơ, tạo năng lượng cho một số người trẻ học tập, làm việc, phấn đấu. Nhìn từ góc độ của người hâm mộ, khác biệt văn hóa, ngôn ngữ không tạo khoảng cách vốn có giữa người với người, ngược lại, làm tăng sự kết nối. Thiết nghĩ, đây cũng là chuyện xưa nay có, chỉ là bây giờ hiệu ứng 4.0 khiến thông tin lan truyền nhanh, phủ sóng đến hàng triệu chiếc điện thoại thông minh khiến trái tim của các chủ nhân phải thổn thức theo… giai điệu số! Hiểu được điều này, việc sáng tạo nội dung và làm chủ công nghệ phải chăng là “thuật quản trị” thời nay?
2. Lê Thị Thắm 25 tuổi, quê Thanh Hóa, cô không có hai tay từ khi chào đời. Vượt lên nghịch cảnh, cô miệt mài học hành, viết bằng chân và đi qua bậc tiểu học, rồi trung học cơ sở, trung học phổ thông, đến tốt nghiệp đại học. Nghị lực phi thường của cô gái ấy làm ta mến mộ, thán phục! Để “không bị bỏ lại phía sau”, ngoài sự tác động từ các yếu tố khách quan, thì còn bằng chính nỗ lực của người trong cuộc. Ý chí và hành động của Lê Thị Thắm - nguồn phát sóng cảm hứng và lan tỏa với biên độ lớn - không chỉ tới với những hoàn cảnh thiếu may mắn như cô mà còn cho tất cả chúng ta. Rằng tạo hóa chia đều khát vọng sống, học tập, làm việc và cơ hội phụng sự cho mỗi người.
Tô thêm nét lung linh cho câu chuyện này là đề xuất của đương kim bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa: đặc cách tuyển dụng Lê Thị Thắm làm giáo viên. Tin Lê Thị Thắm được làm giáo viên dạy tiếng Anh tại quê nhà khiến nhiều người xúc động. “Mưa” lời khen cho việc làm quá đỗi nghĩa tình này. Cuộc đời vẫn đẹp sao!
3. Chiều 27-7, tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, câu chuyện biên soạn sách giáo khoa đã “nóng” lên, rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa?
Ai đã từng đi học những năm 1960-1980 của thế kỷ trước đều thấy được vai trò của sách giáo khoa đối với người học lẫn người dạy. Nhưng có vẻ như chưa bao giờ câu chuyện sách giáo khoa lại “khó” như thời này. “Khó” từ chuyện sách phải in khổ to, giấy đẹp, mà giáo viên kháo nhau chẳng qua là… tiếp thị! “Khó” đến những rối rắm chọn sách giáo khoa ở các địa phương, lẫn công tác tập huấn có tốc độ… “cưỡi ngựa xem hoa”. Nhà xuất bản Giáo dục thu khoản lãi hàng trăm tỉ đồng từ hơn 206 triệu bản sách giáo khoa (VnExpress, 10-7). Bộ Giáo dục và Đào tạo giải trình “có lúng túng trong quản lý”, nhưng liệu có chăng những sự nhập nhằng, chằng chịt?
Đã có đại biểu Quốc hội lên tiếng về việc cần kiên quyết xử lý những hiện tượng chạy chọt, “đi đêm” chọn sách giáo khoa. Nếu trong quản lý ngành, đâu đó một vài bộ phận vẫn xem sách giáo khoa là “con gà đẻ trứng vàng”, và khi sự gian dối, trục lợi vẫn len lỏi vào giáo dục, thì đó cũng chính là “miền đất hứa” cho cỏ dại: những cơ chế xin - cho, “văn hóa phong bì”, sự vô cảm trước nỗi đau của đồng bào.
4. Cảm xúc tích cực hay tiêu cực của chủ thể xã hội là “hệ quy chiếu” cho giới quản trị, là sự thẩm định đối với đội ngũ công bộc của dân, là chỉ số đo hạnh phúc của đất nước.
Báo chí mấy ngày qua lại viết về sự long đong của phận người bán vé số dạo. Họ nhiều khi bất chấp mưa lớn, bất chấp nguy hiểm tràn ra đường phố lúc đông đúc người và phương tiện giao thông để dúi vào tay người mua mấy tấm vé số. Họ sợ phải “ôm” vé số thừa do quy định nghiệt ngã của các đại lý - không cho họ trả lại vé số nếu không bán hết. Những giọt nước mắt hòa trong nước mưa của nhóm người yếu thế đã góp nên khoản tiền lãi ngàn tỉ của các công ty xổ số. Cũng từ đây, sự thấu hiểu đi đâu? Ngành chức năng đã vào cuộc chấn chỉnh, song câu chuyện thay đổi thế nào thì còn phải đợi…