(KTSG Online) - Bản quy hoạch của TPHCM tuy chỉ mới được thiết lập cách đây hơn 10 năm nhưng đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, lạc hậu so với những yêu cầu từ thực tế hiện nay. Và điểm hạn chế này đang cản trở sự phát triển của trung tâm kinh tế lớn nhất nước.
Thông tin này được lãnh đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM nêu tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, xã hội TPHCM 7 tháng năm 2022 và đưa ra giải pháp phát triển trong những tháng cuối năm vào ngày 4-8.
Những bất cập trong công tác phát triển hạ tầng và quy hoạch của địa phương là một phần đáng chú ý đã được đưa ra thảo luận và tìm kiếm giải pháp trong thời gian tới.
- Điều chỉnh quy hoạch TPHCM và kỳ vọng trở thành đại đô thị của Đông Nam Á
- Vì sao trung tâm triển lãm quy hoạch TPHCM xây dựng 9 năm vẫn chưa xong?
Liên quan về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến Ttúc TPHCM, ông Nguyễn Thanh Nhã, cho rằng quy hoạch của thành phố đã được phủ kín từ những năm 2012-2013, dựa trên quy hoạch chung được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2010.
Người đứng đầu về ngành quy hoạch kiến trúc thành phố cho rằng, quy hoạch 1/2.000 được phủ kín được xem là cơ sở pháp lý để TPHCM thực hiện công tác đầu tư, kêu gọi đầu tư, thu hồi đất...
"Tuy nhiên, quy hoạch này được xây dựng cách đây hơn 10 năm, có sự khác biệt về hoàn cảnh, nhận thức, trình độ phát triển so với thời điểm hiện tại", người đứng đầu lĩnh vực quy hoạch của TPHCM nói, và cho rằng: "Những khác biệt này đã thể hiện rõ nhiều bất cập, lạc hậu với thời điểm hiện tại".
Trên cơ sở quy hoạch này, thành phố vẫn vận hành, quản lý và triển khai các hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, thế nhưng những bất cập của nó đã bộc lộ và được phản ánh bởi người dân, doanh nghiệp... trong thời gian qua.
Đơn cử, những bất cập về chức năng sử dụng đất được phản ánh khá nhiều, bao gồm cả các vấn đề về diện tích quy hoạch công đối với các khu vực trường học, bệnh viện, công viên…
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng hiện nay do diện tích đất công không đủ để đáp ứng các chức năng đô thị như công viên, trường học, không gian công cộng,... cho nên tại một số công trình đôi khi phải quy hoạch các khu vực này nằm trên phần đất của người dân.
Chưa kể, liên quan đến phát triển đô thị, thời điểm hình thành bản quy hoạch chung so với hiện nay đã khác biệt. Tại thời điểm bấy giờ, TPHCM phát triển đô thị theo hướng thận trọng, chưa dám đầu tư mạnh hay có các dự án đột phá ra khu vực ven thành phố. Việc lập quy hoạch vẫn dựa vào ranh giới từng quận, huyện, mang tính co cụm từng địa phương, cục bộ, phân bố hạ tầng kỹ thuật theo chỉ tiêu.
Do đó, các quận nội thành tập trung phát triển đô thị, trong khi các huyện ngoại thành như Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ vẫn là mảng xanh, và chưa có sự đầu tư phát triển dựa vào thế mạnh của địa phương.
"Nhiều người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã yêu cầu xem xét lại chức năng các khu đất, mong muốn nâng chỉ tiêu quy hoạch cao hơn quy định. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật, đường xá giao thông, hệ thống cống thoát nước, trường học... chưa được đầu tư tương xứng", ông Nhã nói thêm.
Cụ thể, khi nhà đầu tư muốn đầu tư vào vị trí nào đó nhưng thực tế đường giao thông nơi đó không có thì không thể nâng chỉ tiêu quy hoạch. "Chúng ta không thể xây nhà cao tầng trên một tuyến đường nhỏ", ông dẫn chứng, và đề nghị các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, để tăng thêm không gian cho đường xá, công viên, công trình công cộng...
"Chỉ khi được đầu tư đồng bộ về công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan, thành phố mới có thể nâng chỉ tiêu quy hoạch và tăng tỷ lệ phát triển đô thị", ông Nhã lưu ý.
Sở Quy hoạch Kiến trúc cũng nhận thức đây là việc cần làm và phải có tầm nhìn cho các quy hoạch tiếp theo nhưng hiện tại, để có thể xử lý được các phản ánh khiếu nại của người dân về các điều chỉnh quy hoạch thời gian 10 năm vừa qua cũng không hề dễ dàng.
UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 16-6-2022 về phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và đôn đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương thực hiện công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu tư vấn lập quy hoạch đồng thời chuẩn bị các bước tổ chức các hội thảo chuyên sâu, lựa chọn đơn vị góp ý, phản biện. UBND TPHCM cũng đã ban hành Quyết định số 2182/QĐ-UBND ngày 29-6-2022 về duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM đến năm 2040...Dự kiến vào tháng 10-2023, Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ trình UBND thành phố phương án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM. Sau đó, phương án này sẽ gửi tới Bộ Xây dựng để xin ý kiến.
Cái này phụ thuộc vào tầm nhìn của những người lãnh đạo ngành quy hoạch kiến trúc của địa phương. Ông hiện tại nói nghe hay đó, vậy làm sao 10 năm nữa ông mới lên không chửi giống vậy nha.