Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Những bất cập khi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội

Ngô Thị Ngọc - Hoàng Minh Khánh(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế đang là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ và doanh nghiệp. Một trong các chính sách hỗ trợ đang được doanh nghiệp quan tâm là chính sách vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cho hai mục đích: (i) trả lương ngừng việc cho người lao động (NLĐ) đang tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); và (ii) phục hồi sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội điểm giam dịch Tân Bình. Nguồn: tanbinh.hochiminhcity.gov.vn

Nhiều ưu đãi, nhưng…

Ngoài việc đáp ứng các điều kiện để doanh nghiệp được cho vay theo luật định(1), điểm chung của cả hai chính sách là các ưu đãi thể hiện qua: (i) lãi suất cho vay là 0% mà không cần biện pháp bảo đảm; (ii) thời hạn vay dưới 12 tháng; (iii) mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số NLĐ theo thời gian trả lương ngừng việc hay số NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động và đang tham gia BHXH bắt buộc.

Khi đến kỳ hạn trả nợ, nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì NHCSXH sẽ chuyển toàn bộ dư nợ còn lại của khoản vay sang nợ quá hạn và áp dụng lãi suất nợ quá hạn chỉ là 12%/năm (trong khi lãi suất vay tối đa đối với hợp đồng vay theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 là không quá 20%/năm(2)). Mặt khác, điều kiện doanh nghiệp đảm bảo không có nợ xấu khi vay vốn cũng đã được Chính phủ lược bỏ tại Nghị quyết 126/NQ-CP.

Rõ ràng, với chính sách vay vốn như trên, doanh nghiệp có thể tận dụng nguồn hỗ trợ tài chính trong lúc tài chính và dòng tiền đang là nhu cầu cấp bách, và có thể yên tâm hơn trong việc cân đối tài chính để dành một khoản tiền trả nợ vay. Tuy vậy, vẫn có một khoảng cách khá lớn từ chính sách đến thực thi chính sách, khi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa thể tiếp cận gói hỗ trợ, hoặc rất khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Rối việc lập hồ sơ

Về mặt hồ sơ, ngoài danh sách các hồ sơ và biểu mẫu đã được quy định(3), hiện chưa có văn bản nào hướng dẫn đầy đủ, cụ thể các hồ sơ này cần được thực hiện thế nào. Vậy nên, xuyên suốt quá trình hoàn thiện hồ sơ, doanh nghiệp vẫn cần sự hướng dẫn từ cơ quan chuyên trách. Và thực tế, khó khăn bắt đầu từ đây.

Đầu tiên là sự không thống nhất quan điểm thực hiện thủ tục giữa các địa phương và giữa các bộ phận chuyên trách tại các cơ quan khi tư vấn thủ tục cho doanh nghiệp. Điển hình ở khâu xác nhận “doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19…”, NHCSXH tại các địa phương có các yêu cầu khác nhau. Có nơi chỉ cần doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh, thành áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng; có nơi yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp các văn bản từ cơ quan địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở về việc địa phương đó bị phong tỏa; có nơi lại yêu cầu doanh nghiệp phải xin giấy xác nhận đích danh doanh nghiệp bị tạm dừng hoạt động vì lý do giãn cách xã hội từ cơ quan địa phương. Hệ quả là các cơ quan này từ chối xác nhận vì cho rằng họ không có thẩm quyền để thực hiện việc này.

Cũng có trường hợp phát sinh mâu thuẫn về cách hiểu và phương án thực hiện thủ tục trong cùng một cơ quan tiếp nhận hồ sơ, khi chuyên viên tiếp nhận thì yêu cầu doanh nghiệp chuẩn bị theo một kiểu khác, còn trưởng phòng phụ trách xét duyệt lại yêu cầu theo một kiểu khác, khiến doanh nghiệp hoang mang, phải kiểm tra từ nhiều nguồn khác nhau, hoặc đi lại nhiều nơi để xin xác nhận một cách không cần thiết.

Sự chồng chéo, không thống nhất trong giải quyết thủ tục này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi chuẩn bị hồ sơ, dù đã có các văn bản hướng dẫn khác quy định phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, đôn đốc quy trình thực hiện, cụ thể “tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg; không để hồ sơ quá hạn, trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần”(4).

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp hiểu sai về hồ sơ vay hoặc hoang mang không biết thực hiện thế nào cho đúng. Ví dụ như giấy ủy quyền đã không được hiểu là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền cho nhân viên đi làm thủ tục vay, mà được hiểu theo các nghĩa: (i) giấy ủy quyền của giám đốc trụ sở chính ủy quyền cho giám đốc chi nhánh; hoặc (ii) nghị quyết của hội đồng thành viên đối với công ty TNHH hai thành viên; hoặc (iii) nghị quyết của hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần về việc thống nhất phương án vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh và người thực hiện thủ tục vay vốn cho doanh nghiệp.

Ngay với phương án phục hồi sản xuất kinh doanh cũng không có hướng dẫn cụ thể là doanh nghiệp phải lên phương án thực hiện theo từng tháng với mục đích thuyết phục NHCSXH về khả năng thanh toán, hay đó là phương án cho kế hoạch phục hồi lâu dài của doanh nghiệp. Rõ ràng, thủ tục này có phần máy móc, chưa linh hoạt vì vấn đề phục hồi sản xuất kinh doanh không thể thực hiện một cách chụp giật trong ngắn hạn được.

Về lãi suất cho vay, dù các văn bản hướng dẫn đã nêu rõ thời hạn cho vay là “dưới 12 tháng, kể từ ngày giải ngân món vay đầu tiên” (5), nhưng thực tế NHCSXH khi xét duyệt lại yêu cầu doanh nghiệp ghi vào hồ sơ thời hạn vay “là 11 tháng, trả nợ vào kỳ cuối cùng kể từ ngày ký hợp đồng vay vốn”.

Nhiều rào cản khác trong quá trình thực hiện

Bên cạnh các khó khăn về hồ sơ vay, quá trình thực hiện thủ tục của doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản khác, như việc xác nhận danh sách NLĐ đang tham gia BHXH từ cơ quan BHXH địa phương. Hiện nay, song song với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách dành cho NLĐ cũng đang là vấn đề nóng nên các cơ quan quản lý lao động địa phương luôn bị quá tải hồ sơ.

Điển hình là cơ quan BHXH. Xuất phát từ chức năng - nhiệm vụ chính là giải quyết chế độ, quyền lợi của NLĐ nên họ thường ưu tiên giải quyết các hồ sơ liên quan đến NLĐ trước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể bị từ chối hoặc phải chờ đợi mới có thể nhận được xác nhận từ họ.

Ngoài lý do quá tải, nguồn nhân lực tại các cơ quan hành chính Nhà nước hiện cũng là vấn đề nan giải, đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Dù rằng các thủ tục hành chính cũng đang dần chuyển đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, đơn cử như thủ tục vay vốn đang đề cập ở đây đã có thể nộp trực tuyến tại trang web Cổng dịch vụ công quốc gia(6) bên cạnh việc nộp trực tiếp tại cơ quan BHXH và NHCSXH nơi donh nghiệp có trụ sở, nhưng ở nhiều nơi, các tiện ích số vẫn mới dừng ở thủ tục nộp hồ sơ, còn quá trình hoàn thiện hồ sơ trước đó để bảo đảm được xét duyệt vẫn còn nhiều bất cập, và việc thực hiện quá trình này khiến doanh nghiệp mất dần lòng tin vào tính hiệu quả của chính sách hỗ trợ.

Cuối cùng, toàn bộ hồ sơ vay ở các lần tiếp theo(7) không có nhiều thay đổi. Nghĩa là quy trình này sẽ lặp lại và không có sự giản lược ở khâu xét duyệt cho từng tháng sau. Với các thủ tục cồng kềnh và khó khăn như vậy mà doanh nghiệp buộc phải hoàn thiện hồ sơ trước ngày 25-3-2022 và chỉ được vay tối đa ba tháng, dường như chính sách hỗ trợ đã đặt thêm thử thách cho doanh nghiệp khi phải trầy trật xoay xở nguồn tài chính phục hồi sản xuất kinh doanh.

Muốn cứu thì phải cứu kịp thời!

Sau thời gian giãn cách xã hội kéo dài, khi doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại thì cũng chưa thể ổn định ngay mà cần một khoảng thời gian hợp lý để phục hồi và thích nghi với “bình thường mới”. Thực tế, nhiều mặt khó khăn vẫn tiếp tục thách thức doanh nghiệp, như phải giải quyết sự gián đoạn chuỗi cung ứng, các chi phí đầu vào tăng, tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu khiến giá thành sản phẩm, dịch vụ tăng, trong khi sức cầu trên thị trường giảm và giao thông tại nhiều địa phương chưa thực sự thông thoáng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải gánh thêm các khoản chi phí mới về phòng, chống dịch, về hàng hóa lưu kho… Ngoài ra, quí 4-2021 cũng là thời điểm đặt ra cho doanh nghiệp bài toán nan giải về lương, thưởng để giữ chân NLĐ. Có thể thấy có rất nhiều bài toán về tài chính và dòng tiền đang bủa vây, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang phải gồng gánh gần như kiệt sức sau những tháng giãn cách với quá nhiều chi phí cố định nhưng nguồn thu gần như bằng không.

Có thể nói các chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ ban hành kịp thời, nhưng thực tế triển khai gặp nhiều rào cản dẫn đến việc thực hiện chậm trễ. Theo thời gian, sức chịu đựng của doanh nghiệp ngày càng suy yếu thêm, vì như đã nêu, doanh nghiệp vẫn phải bơm tiền kịp thời để tiếp tục vận hành dù ở năng lực tối thiểu.

Nếu thời điểm doanh nghiệp “cần được cứu” trôi qua mà không được cứu kịp thời thì việc phải rời khỏi thị trường chỉ là điều sớm hay muộn. Nếu mục tiêu tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp không đạt được, tất yếu gánh nặng sẽ quay trở lại đặt lên vai Chính phủ.

Do vậy, để doanh nghiệp củng cố niềm tin và tiếp cận được chính sách hỗ trợ, tiếp tục sát cánh cùng Chính phủ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 chưa có hồi kết, các cơ quan chức năng cần rà soát tính hiệu quả của quy trình thủ tục, sao cho các chính sách đã ban hành nhanh chóng đi vào thực tiễn một cách kịp thời.

---------

(*)Công ty Luật Phước & Partners
(1)Điều 38 Quyết định 23/2021/QĐ-TTg hướng dẫn Nghị định 68/NQ-CP
(2)Điều 468.1 BLDS 2015
(3)Điều 40 Quyêt định 23/2021/QĐ-TTg và Hướng dẫn 6199/HD-NHCS
(4)Công văn 2157/BHXH-TST
(5)Khoản 7 Hướng dẫn 6199/HD-NHCS
(6)https://ncovi.dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-ncovid-chi-tiet-ho-tro-nguoi-su-dung-lao-dong-vay-von-de-tra-luong.html
(7)Điểm 10.3.2 khoản 1 Hướng dẫn 6199/HD-NHCS

3 BÌNH LUẬN

  1. Phương pháp giải quyết vấn đề sao cho hiệu quả quan trọng hơn. Nếu doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động thì nên giao trách nhiệm này cho BHXH vì BHXH đang nắm giữ toàn bộ quỹ lương hưu trí của doanh nghiệp và người lao động, như vậy người vay sẽ có trách nhiệm cao hơn với khoản vay, và người cho vay cũng yên tâm xử lý vì đã có “khoản thế chấp” rõ ràng. Ngân hàng chính sách sử dụng nguồn tái cấp vốn của NHNN cho nên họ phải giữ “tay thước” là không có gì khó hiểu.

    • Đúng rồi. Các công ty bảo hiểm nhân thọ cũng chơi chiêu “tái cấp vốn” từ kết dư khoản thu bảo hiểm hàng năm của khách hàng trong trường hợp khách hàng không có khả năng đóng phí đúng hạn. Lợi cả đôi đường. Bảo hiểm lúc nào cũng cầm cán, có gì mà lo ?

  2. Đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm linh hoạt để người dân lựa chọn tùy theo nhu cầu và khả năng của mình. Đừng để độc quyền, bóp chết cạnh tranh, thao túng, dẫn đến bất bình đẳng kéo dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới