Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Những biến số tác động tới tăng trưởng tín dụng năm 2024

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Rủi ro Mỹ và một số nền kinh tế lớn xảy ra suy thoái nhẹ, dẫn tới tổng cầu suy giảm và áp lực nợ xấu với hệ thống ngân hàng gia tăng, sẽ là những yếu tố tác động tới tăng trưởng tín dụng năm 2024.

Tín dụng dự kiến khó tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024 trước rủi ro gia tăng nợ xấu tại nhiều ngân hàng trong nước và suy thoái nhẹ ở một số nền kinh tế lớn. Ảnh: Lê Vũ

Rủi ro tiềm ẩn phía sau sự tăng tốc tín dụng tháng cuối năm 2023

Kết quả kinh doanh quí 4-2023 của các ngân hàng đã công bố cho thấy đang có sự phân hóa khá rõ nét giữa các nhóm ngân hàng. Saigonbank là ngân hàng có tăng trưởng mạnh nhất khi lợi nhuận trước thuế trong quí 4-2023 với mức tăng 9.146% so với cùng kỳ năm 2022. LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quí 4-2023 ở mức 3.353 tỉ đồng, tăng 287% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế bốn quí của năm 2023, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận ở mức 7.039 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng giai đoạn năm trước.

MB cũng báo lợi nhuận trước thuế đạt 6.287 tỉ đồng trong quí 4-2023, tăng 38,6%. Luỹ kế bốn quí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng ở mức 26.306 tỉ đồng, tăng 15,7%. Thậm chí, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của ngân hàng này đạt mức 24.688 tỉ đồng - tăng 22% so với năm 2022 và cao hơn mức lợi nhuận sau thuế năm 2023 của VietinBank là hơn 24.000 tỉ đồng, nhưng thấp hơn Agribank, BIDV và Vietcombank.

Ngược lại, VIB báo lợi nhuận lợi nhuận quí 4-2023 ở mức 2.378 tỉ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận luỹ kế bốn quí vẫn tăng 1%. TPBank báo lợi nhuận quí 4-2023 ở mức 630 tỉ đồng, giảm 67%. Luỹ kế bốn quí, lợi nhuận của ngân hàng này đạt 5.589 tỉ đồng, giảm 29%.

Thậm chí, PGBank báo lợi nhuận âm 5 tỉ đồng trong quí 4-2023, qua đó khiến lợi nhuận luỹ kế bốn quí chỉ đạt 356 tỉ đồng, giảm 30%.

Lợi nhuận lớn tại một số ngân hàng có được một phần do sự tăng tốc mạnh về tín dụng từ cuối năm 2023. Điều này góp phần đưa tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 13,71%, cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP 5,05% của năm 2023. Theo quy luật chung, các ngân hàng có tăng trưởng dư nợ tín dụng cao có nhiều cơ hội đạt được lợi nhuận khả quan.

Chẳng hạn, MB ghi nhận dư nợ tín dụng ở mức 615.400 tỉ đồng tính tới 31-12-2023, tăng 28,8% so với đầu năm và cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế là 13,71%, cũng như các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

LPBank ghi nhận dư nợ tín dụng ở mức 275.431 tỉ đồng tính tới 31-12-2023, tăng 16,83% so với đầu năm và phù hợp với hạn mức được NHNN giao.

Tuy nhiên, cũng có những ngân hàng báo lợi nhuận âm, dù ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cả năm khá cao, như PGBank. Ngân hàng này ghi nhận dư nợ tín dụng ở mức 35.335 tỉ đồng tính tới 31-12-2023 - tăng 22% so với đầu năm, nhưng vẫn báo lợi nhuận cả năm giảm do giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ, trong khi chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng tập trung vào tháng cuối năm 2023. Ngoài ra, PGBank đã chi trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, khiến chi phí hoạt động dịch vụ tăng.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi đạt được tăng trưởng tín dụng thì các ngân hàng vẫn phải chịu khá nhiều áp lực nợ xấu trong tương lai, từ những khoản vay mới, nếu không được kiểm soát tốt.

Các chuyên gia thuộc Trung tâm phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết trong giai đoạn từ cuối năm 2022 đến nay, các quy định được ban hành chủ yếu theo hướng cho ngân hàng cơ chế trì hoãn trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng, cũng như tạo điều kiện gia hạn thêm thời gian cho các chủ đầu tư bất động sản giải quyết các nghĩa vụ nợ sắp đến hạn.

Đặc biệt, tính chất tăng trưởng trong năm 2023 có tính đặc thù, với bối cảnh tăng trưởng diễn ra khá chậm trong gần 11 tháng đầu năm và chỉ bứt tốc trong vòng hơn 1 tháng cuối năm. Đây cũng là yếu tố được các chuyên gia chú ý khi nhìn sâu vào bản chất nợ xấu của các ngân hàng.

Theo đó, việc tín dụng tăng tốc nhanh trong một giai đoạn ngắn có thể sẽ làm cho tỷ lệ nợ xấu tính trên tổng dư nợ giảm xuống, nhưng tỷ lệ giảm này chủ yếu là do mẫu số tăng nhanh.

Các chuyên gia của SSI Research cũng dự báo tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024, khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Ngoài ra, kết quả điều tra xu hướng tín dụng năm 2024 do NHNN công bố cũng đưa ra thông tin về việc các tổ chức tín dụng (TCTD) lo ngại những diễn biến bất lợi trên thị trường bất động sản, chứng khoán, tăng trưởng kinh tế và sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tín dụng năm 2024.

Trong đó, hai lĩnh vực được dự báo tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất tiếp tục là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán. Ngược lại, rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực như cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản, cho vay đầu tư ngành dịch vụ logistics được dự báo giảm.

Với bối cảnh trên, có 70,3-73,3% tổ chức tín dụng dự kiến tiếp tục giữ nguyên không đổi hoặc nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình trong 6 tháng đầu năm và cả năm 2024. Còn 13,9-16,8% tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng và 12,9% tổ chức tín dụng dự kiến thắt chặt nhẹ tiêu chuẩn tín dụng.

Các tổ chức tín dụng cũng dự kiến giữ ổn định các điều kiện và điều khoản cho vay tổng thể với khách hàng doanh nghiệp và nới lỏng hơn đối với khách hàng cá nhân, dự kiến áp dụng đối với lĩnh vực vay phục vụ đời sống, vay mua bất động sản để ở.

Thực tế, chất lượng tín dụng nhiều ngân hàng có xu hướng đi xuống thời gian qua, ngay cả với một số ngân hàng có khẩu vị rủi ro thấp cũng ghi nhận nợ xấu tăng đều cả ba nhóm là 3, 4, 5.

Nợ xấu tại BaoVietBank là 1.654 tỉ đồng tính tới 31-12-2023, tăng 49% so với đầu năm. Trong đó, nhóm có khả năng mất vốn (nhóm 5) vượt mức 1.000 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 3,34% ở thời điểm đầu năm lên mức 4% tại thời điểm cuối năm.

Tại MSB, tổng nợ xấu ở mức 4.280 tỉ đồng tính đến 31-12-2023, cao hơn hai lần so với đầu năm qua. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 1,71% tại thời điểm đầu năm lên 2,87% tại thời điểm cuối năm.

Tại BacABank, tổng nợ xấu là gần 916 tỉ đồng tại thời điểm 31-12-2023, tăng đến 78% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4) đều cao hơn bốn lần so với đầu năm. Còn tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tăng từ mức 0,55% đầu năm lên mức 0,92% tại thời điểm cuối năm.

Tại PGBank, tổng nợ xấu là 906 tỉ đồng tính tới 31-12-2023, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 cao hơn ba lần, nợ nhóm 4 cao hơn hai lần so với đầu năm, còn nợ nhóm 5 có xu hướng sụt giảm. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 2,56%.

Tại TPBank, tổng nợ xấu là hơn 4.200 tỉ đồng tính tới 31-12-2023, cao hơn ba lần so với đầu năm với giá trị nợ nhóm 3, 4, 5 đều gia tăng. Còn tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng từ mức 0,84% tại thời điểm đầu năm lên mức 2,05% tại thời điểm cuối năm.

Tại Techcombank, tổng nợ xấu là 5.999 tỉ đồng tính tới 31-12-2023. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 105,8%, lên 1.857 tỉ đồng; nợ nhóm 4 tăng 144%, lên 2.762 tỉ đồng; nợ nhóm 5 tăng 38%, lên 1.380 tỉ đồng.

TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính thuộc trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng xu hướng nợ xấu sẽ còn gia tăng và dự báo đạt đỉnh trong năm nay, nếu Thông tư 02/2023 của NHNN chính thức hết hiệu lực từ 30-6-2024. Đó là lý do ngành ngân hàng đặt trọng tâm kiểm soát nợ xấu lên hàng đầu trong năm nay.

Với bối cảnh trên, chuyên gia này cho rằng nếu nền kinh tế năm 2024 xuất hiện những diễn biến tương tự năm 2023 và không có bất ngờ nào xảy ra, thì hoạt động ngân hàng sẽ khó khăn hơn chứ không hẳn tốt hơn, nhất là vấn đề nợ xấu. Ngược lại, nếu kinh tế hồi phục nhanh, ngành ngân hàng sẽ có nhiều thuận lợi, vì tỷ lệ nợ xấu sẽ giảm và lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trở lại.

Thông tin về công tác điều hành tín dụng tại buổi họp báo đầu năm 2024, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN, cho biết nhà điều hành luôn phải “liệu cơm gắp mắm”, vì các tổ chức quốc tế luôn cảnh báo về hệ số đòn bẩy tài chính của quốc gia, đi cùng với đó là rủi ro an toàn hệ thống, rủi ro an ninh tài chính của Việt Nam.

Theo ông Quang, NHNN đã có nhiều giải pháp đồng bộ, chấn chỉnh, nhưng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đến nay đã gần 5% tính trên tổng dư nợ. Do đó, áp lực nợ xấu với hệ thống ngân hàng chưa vơi vì rủi ro suy thoái của nền kinh tế còn lớn, dẫn đến khả năng trả nợ của người dân, doanh nghiệp suy giảm mạnh. Điều này ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.

Những khó khăn từ bên ngoài

Bên cạnh yếu tố nợ xấu, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết năm 2024 được dự báo tiếp tục là một năm khó khăn với kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 là 2,9% vào tháng 10-2023, thấp hơn mức tăng trưởng 3% năm 2023 và 3,8% bình quân giai đoạn 2000–2019. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo phục hồi nhẹ lên mức 3,2% vào năm 2025.

Điều này sẽ tác động đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam. Theo đó, tổng cầu thế giới có nguy cơ suy giảm khi nền kinh tế Mỹ và một số nền kinh tế lớn của châu Âu, vốn là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, dự báo suy thoái nhẹ, qua đó tác động tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp từ Việt Nam.

Trước đó, trong năm 2023, ngành ngân hàng phải đối mặt với tình trạng cầu tín dụng suy giảm mạnh do một số nguyên nhân, gồm các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh đơn hàng bị cắt giảm, tồn kho lớn do cầu trong nước và quốc tế suy giảm khiến nhu cầu vay vốn ngân hàng giảm; kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn khiến nhà đầu tư có tâm lý phòng thủ, chờ đợi thời điểm thích hợp hơn để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh cũng khiến nhu cầu vay vốn giảm; tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình sẽ làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và làm giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu.

Tương tự nhận định của ông Quang, các chuyên gia của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đánh giá ngành ngân hàng trải qua một năm với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế kém khả quan.

Về động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng năm 2024, KBSV dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2024 xoay quanh mức 12-13% trong bối cảnh triển vọng kinh tế chung chưa hồi phục quá mạnh.

"Động lực tăng trưởng chủ yếu sẽ đến từ mặt bằng lãi suất thấp thúc đẩy nhu cầu tín dụng để phục vụ cho hoạt động sản xuất cùng với kỳ vọng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ phát huy tác dụng, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước”, chuyên gia của KBSV cho biết.

Bên cạnh những yếu tố trên, đơn vị này cũng cho rằng những vướng mắc về pháp lý trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục được tháo gỡ, giúp thị trường sớm đi qua giai đoạn suy thoái. Còn thị trường trái phiếu cần thời gian khoảng 2-3 năm để trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh như trước đây. Do đó, kênh huy động vốn qua ngân hàng sẽ vẫn được ưu tiên.

Cùng dự báo về triển vọng của ngành ngân hàng, Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục duy trì ở mức 12% trong năm 2024.

"Tăng trưởng tín dụng chịu áp lực từ nền kinh tế và thị trường bất động sản chậm phục hồi, tuy nhiên mặt bằng lãi suất hạ nhiệt xuống mức thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn, đặc biệt là tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Danh mục trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng dự kiến duy trì ổn định", VCBS dự báo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới