Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những ‘bức thư gửi Thủ tướng’ và sự hồi đáp từ Chính phủ

Nam Hưng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong những ngày qua, đồng loạt các hiệp hội, ngành nghề của doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có những thư kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất – kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh đã làm kiệt sức nhiều doanh nghiệp.

Giữa tháng 9-2021, 14 hiệp hội ngành hàng lớn nhất nước thuộc các lĩnh vực công nghiệp, thực phẩm, điện tử, chế biến thủy hải sản, đồ gỗ… gửi kiến nghị đến Chính phủ trước thực trạng nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ phá sản, chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế bị đứt gãy. Nông dân, ngư dân không tiêu thụ được sản phẩm.

Các hiệp hội kiến nghị Chính phủ ban hành chỉ thị phòng chống dịch phù hợp với quan điểm và tình hình mới, thay thế Chỉ thị số 15 và 16 do dịch bệnh đã chuyển giai đoạn khác. Bên cạnh đó, các hiệp hội kiến nghị bỏ khái niệm hàng hóa thiết yếu trong các chỉ thị trên. Cả nước là một vùng, và quản lý dịch theo điểm: không phong tỏa, cách ly theo vùng địa lý mà quản lý phòng chống dịch theo điểm dân cư nhỏ nhất có nguy cơ cao (căn nhà, căn hộ, xóm, tổ dân phố, ngõ phố, khu tập thể, phân xưởng, phòng ban…).

Người dân được tham gia giao thông và các hoạt động xã hội trừ hoạt động tập trung đông người khi có xét nghiệm âm tính. Xét nghiệm âm tính có giá trị trong vòng 14 ngày đối với người đã tiêm hai mũi vaccine…

Mới đây, các hiệp hội doanh nghiệp gồm Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) đã đồng ký tên trong thư gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chiến lược “Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực” nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới(*).

Một kiến nghị được sự đồng thuận chung của cả bốn hiệp hội trên cho thấy đó là vấn đề cực kỳ hệ trọng trong việc duy trì sản xuất, kinh doanh, và hơn hết, nó thể hiện được nhiều điều liên quan đến môi trường đầu tư quốc gia mà trực tiếp là khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Theo bốn hiệp hội này, các biện pháp giãn cách trong công tác phòng chống dịch bệnh đã làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng và gây khó khăn cho ngay cả những người có phương tiện tìm kiếm lương thực. Các chủ hàng, chợ ẩm thực và chuỗi cung ứng thực phẩm cần được ưu tiên tiếp cận vaccine và tái mở cửa ngay, với sự hỗ trợ cung cấp cho những người có nhu cầu.

Các hiệp hội này cũng cho rằng để tiến tới một trạng thái bình thường mới, ngoài việc tiêm chủng nhiều hơn, điều quan trọng là phải có sự phối hợp các chính sách trên toàn quốc. Trong đó, bao gồm vận chuyển, sẵn sàng các xét nghiệm nhanh và các chính sách để cô lập và loại bỏ F0 nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho người lao động và giảm thiểu tác động đến các hoạt động.

Bên cạnh những kiến nghị chung kia, theo báo chí đăng tải, nhiều hiệp hội, tổ chức ngành nghề cũng đã có các ý kiến gửi đến cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý hàng dọc nhằm được tháo gỡ các khó khăn liên quan đến vận chuyển hàng hóa, giấy đi đường, tiêm vaccine…

Có thể thấy, qua nhiều vấn đề được đưa ra, được kiến nghị và chờ giải đáp. Tất cả những điều này nhắm một mục tiêu chung là tìm hướng ra, tìm giải pháp cho hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì và phát triển kinh tế theo hướng bền vững sau những thiệt hại mà đại dịch đã gây ra.

Chiều 21-9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành thay mặt Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 26/CT-TTg về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19(**).

Trong đó, các vấn đề cụ thể chỉ đạo các bộ, ban ngành, các địa phương là hướng dẫn các địa phương đã kiểm soát dịch bệnh mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối; hỗ trợ thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp; không để ách tắc trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản…

Tất cả đã có lộ trình, chỉ mong rằng sắp tới sẽ không còn yếu tố địa phương cục bộ dẫn đến các quy định khác nhau, dẫn tới việc tồn tại những “hàng rào” mang tính ngăn sông cấm chợ. Những câu chuyện liên quan đến tờ giấy xét nghiệm Covid-19 đối với tài xế tưởng rằng nhỏ nhưng hóa ra nó lớn hơn cả mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên mức lương tối thiểu theo vùng ở mỗi doanh nghiệp, trong khi Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế để doanh nghiệp tự lo việc này(***).

Nếu xem những kiến nghị của các hiệp hội, ngành nghề như những “bức thư gửi Thủ tướng” thì Chỉ thị 26 như một “thư hồi âm” chứa đựng những thông tin, tín hiệu lạc quan.

Có thể thấy, nếu các chỉ thị đã “quen” với người dân trước đây như Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 liên quan phần nhiều đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì lần này, Chỉ thị 26 của Thủ tướng tập trung vào khôi phục phát triển kinh tế – xã hội, tiến đến mục tiêu chung để chúng ta có thể sống, làm ăn trong một cuộc sống bình thường mới.

————-

(*) https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-cham-mo-cua-co-hoi-se-khong-quay-lai-voi-viet-nam/

(**) https://baochinhphu.vn/Chi-dao-quyet-dinh-cua-Chinh-phu-Thu-tuong-Chinh-phu/Thu-tuong-Chinh-phu-chi-dao-thuc-day-san-xuat-luu-thong-XK-nong-san/447191.vgp

(***) https://thesaigontimes.vn/chi-phi-xet-nghiem-covid-19-lon-hon-muc-dong-bao-hiem-y-te-va-bao-hiem-xa-hoi-hang-thang/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới