Thứ hai, 12/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Những câu hỏi từ “thành tích” CPI thấp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những câu hỏi từ “thành tích” CPI thấp

Phong Thanh Dương

Những câu hỏi từ “thành tích” CPI thấp
CPI hai tháng đầu năm chỉ tăng 1,24%, thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

(TBKTSG) - Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng đầu năm nay so với tháng 12-2013 chỉ là 1,24% - thấp nhất trong nhiều năm nay. Trong khi đó, tốc độ tăng về tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá vẫn ấn tượng với mức 6,2% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, không thể nói CPI thấp là do cầu tiêu dùng yếu được.

Nhiều người thường đánh đồng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ với tiêu dùng cuối cùng. Về nguyên tắc tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ chưa bao gồm các khoản tự sản xuất tự tiêu dùng, nhà ở tự có tự ở của dân cư... nhưng lại lẫn trong đó một số khoản bán cho sản xuất.

Số liệu trên trang web của Tổng cục Thống kê từ năm 2000 cho thấy tỷ lệ của tổng mức bán lẻ so với tiêu dùng cuối cùng của những năm gần đây tăng lên đột biến và nhanh chóng, thậm chí tổng mức bán lẻ vượt qua cả tiêu dùng cuối cùng, từ 68% năm 2000 tăng lên 103% năm 2013 (xem biểu đồ), mặc dù từ năm 2005 Tổng cục Thống kê tính thêm một khoản khá lớn cho nhà ở tự có tự ở của dân cư, mà khoản này chưa có trong tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ? Đây là điều rất khó hiểu! Phải chăng, khi tính thêm cho ngành “kinh doanh bất động sản” ở phía cung, các nhà thống kê đã quên tính thêm cho tiêu dùng ở phía cầu? Nhưng nếu tỷ lệ giữa tổng mức bán lẻ và tiêu dùng cuối cùng có tỷ lệ như trước đây (khoảng 75-80%) thì có thể đã có sự suy giảm về cầu tiêu dùng cực kỳ mạnh mẽ và GDP cũng không thể là con số công bố.

Điểm cần lưu ý là CPI là tổng hòa của giá trong nước và nhập khẩu. Năm 2012 chỉ số giá tiêu dùng bình quân là 9,21%, chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator) là 10,75% và chỉ số giá nhập khẩu giảm -0,33%; năm 2013 chỉ số giá CPI bình quân là 6,6% trong khi chỉ số giảm phát GDP và chỉ số giá nhập khẩu lần lượt là 4,8% và -2,3%. Vậy phải chăng nguyên nhân chính của CPI giảm chính là do nhập khẩu? Năm 2013 tại sao chỉ số giá sản xuất trong nước đều thấp mà chỉ số CPI lại vẫn cao? Phải chăng là do thành tích muốn đạt tăng dư nợ tín dụng đến hết năm phải là 12%, việc gia tăng tín dụng mạnh và đột ngột vào giai đoạn cuối năm không những không làm luồng tiền đi vào sản xuất mà gây nên tăng giá?

Một số nghiên cứu cho rằng cơ cấu nền kinh tế đang có chiều hướng thay đổi chuyển từ trường phái Keynes (đường cung nằm ngang - tăng cầu làm tăng cung mà không tăng giá) sang gần hơn với trường phái Classical (đường cung thẳng đứng - tăng cầu chỉ làm tăng giá). Nó cũng phù hợp với xu hướng lạm phát trong những năm qua. Một khả năng để lý giải điều này là sự phát triển về số lượng trong nước (tăng lao động, tăng khai thác tài nguyên) sắp bão hòa. Hàm ý chính sách đặt ra ở đây là chính sách khuyến khích cần tập trung vào công nghệ và hiệu quả chứ không nên tiếp tục tập trung vào mở rộng sản xuất từ các yếu tố vốn và các ngành sử dụng nguyên liệu, lao động thô như trước. Để ý rằng từ năm 2010 đến nay, trong khi tỷ trọng cầu tiêu dùng trong GDP gần như ổn định ở mức 71-72% thì tỷ trọng cầu đầu tư (tích lũy gộp tài sản) giảm gần 10 điểm phần trăm, từ 35,7% năm 2010 xuống còn 26,5% trong năm 2013. Điều này làm tỷ trọng tổng cầu (C+G+I) trong GDP giảm mạnh. Phải chăng đây là nguyên nhân cơ bản cho việc CPI không tăng mạnh trong hai năm qua?

Một điều nữa cần nhìn nhận khi mà chỉ số giá sản xuất luôn luôn nhỏ hơn chỉ số giá tiêu dùng sẽ dẫn đến sản xuất đặc biệt đình đốn trong thời kỳ sau và người sản xuất, đặc biệt nông dân sẽ đặc biệt khó khăn. Những khó khăn này càng chồng chất với những chương trình bình ổn giá. Khâu trung gian (thương mại) đưa sản phẩm của người nông dân đến người sử dụng cuối cùng sẽ ăn cả hai đầu. Một đầu họ có lý do để ép giá người sản xuất và một đầu là người tiêu dùng. Như vậy phải chăng các chương trình bình ổn giá chỉ làm bần cùng thêm người nông dân trong khi người tiêu dùng cũng không cảm nhận gì từ các chương trình kiểu này và chỉ nhóm trung gian thương mại là có lợi hơn nữa trong chuyện này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới