Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những chuyển động ngầm của lãi suất

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những chuyển động ngầm của lãi suất

Hải Lý

Những chuyển động ngầm của lãi suất
Mức lãi suất 17-19%/năm hiện nay vẫn còn cao so với sức chịu đựng của các doanh nghiệp cần vay vốn. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Lãi suất cho vay trước sau gì cũng phải giảm nữa, về 15-16%/năm thì doanh nghiệp mới vay. Lãi suất 17-19%/năm vẫn là quá cao để người sản xuất – kinh doanh có lời, nền kinh tế có tăng trưởng.

Mười hai ngân hàng đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có cơ chế tháo gỡ những vấn đề thanh khoản, nguồn vốn, phạm vi hoạt động. Trong số này, năm ngân hàng được cho là yếu kém nhất sẽ được giám sát và có thể được tiếp nhận “cứu trợ” tái cấp vốn ngay.

Mười ngày đầu tiên thực thi trần lãi suất, không ít ngân hàng kêu bị rút tiền. Có ngân hàng nói với báo chí họ bị rút cả ngàn tỉ đồng. Một độc giả đọc xong, liền ghi lại tên ngân hàng bị rút tiền và cho biết sẽ không gửi tiết kiệm ở ngân hàng đó. Lập luận của bà là: “Sao người ta rút ở ngân hàng đó mà không rút ở ngân hàng khác? Chắc ở đó có vấn đề, tốt nhất không gửi”. Giới quan sát không lập luận như người gửi tiền. Họ suy diễn, kiểu ấy chắc có vấn đề về thanh khoản, nên mới lên tiếng như thế. Nói bị rút tiền, khác nào “lạy ông tôi ở bụi này!”.

Hai sự dịch chuyển

Trần lãi suất huy động đang làm dịch chuyển dòng tiền. Sự dịch chuyển thứ nhất là từ kênh tiết kiệm chảy vào một số kênh khác, như vàng, bất động sản, chứng khoán. Tiền chảy sang bất động sản có thể có, nhưng vẫn hết sức mờ nhạt. Tiền sang cổ phiếu được ghi nhận khi các công ty chứng khoán cho biết số tiền mới được nhà đầu tư nộp vào tài khoản gần đây tăng lên 3.000-5.000 tỉ đồng/công ty loại vừa và lớn. Số tiền này có khả năng được giải ngân, có khả năng không, song ít nhất nó minh chứng mối quan tâm đến cổ phiếu đang hiện hữu. Một phần của tiết kiệm chuyển hướng vào vàng. Bằng chứng là người dân vẫn hào hứng mua vàng mỗi khi giá xuống, dù giá trong nước cao hơn thế giới cả triệu đồng/lượng.

Sự dịch chuyển thứ hai là tiền tiết kiệm từ các ngân hàng nhỏ về các ngân hàng lớn, có tiếng tăm, có mạng lưới rộng và dịch vụ tốt. Sự dịch chuyển này diễn ra đúng ý đồ của cơ quan quản lý. Trước hết đa số các ngân hàng không lành mạnh đều đã hết dư địa tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ cho vay phi sản xuất còn cao. Do đó dù có huy động được vốn nhiều, họ cũng không thể cho vay thêm, hoặc chỉ có thể cho vay thêm một phần rất nhỏ nữa. Cái họ muốn níu kéo chính là thị phần, nguồn dự trữ bù đắp thanh khoản và nguồn vốn để duy trì các khoản nợ không thể trả đúng hạn. Nói một cách khác, họ phải nuôi nợ nhưng nuôi bằng cách nào nếu không phải là tái tài trợ (đảo nợ)? Muốn tái tài trợ, phải có tiền cho vay mới, để người nợ lấy khoản vay mới trả nợ cũ.

Ở thị trường liên ngân hàng, lãi suất những ngày này đang cao hơn huy động từ dân cư. Với các ngân hàng có vấn đề, lãi suất vay mượn được tiền còn cao hơn nữa vì người cho vay tính phí rủi ro vào đấy. Một khi nguồn vốn huy động từ dân cư không còn như trước, từ liên ngân hàng cũng thu hẹp, thì cách còn lại là “gõ cửa” NHNN xin tái cấp vốn. Tái cấp vốn lúc này đi kèm với điều kiện khắc nghiệt!

Ngược với các ngân hàng nhỏ, các ngân hàng lớn đang được hưởng lợi. Hầu hết các ngân hàng quốc doanh và một số ngân hàng cổ phần hàng đầu đều còn khả năng tăng trưởng tín dụng. Ngân hàng Sacombank, theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, đến 31-8-2011 tăng trưởng tín dụng mới có 6,4% so với cuối năm ngoái. Vietcombank sáu tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chưa đầy 10%. Mức tăng tín dụng của Agribank, BIDV còn thấp hơn. Giảm lãi suất là cơ hội để các ngân hàng nói trên mở cửa tín dụng. Tất nhiên, các ngân hàng cần thời gian để điều hòa dòng vốn. Tính toán của VPBank là ngân hàng cần ba tháng để hạ mặt bằng lãi suất đầu vào để có thể cho vay đại trà 17-19%/năm. Hiện tại giá thành nguồn vốn huy động của nhiều ngân hàng vẫn xung quanh 18%/năm do tiết kiệm lãi suất cao trước đây.    

Cái nhìn mới về lãi suất

Đã manh nha một cách nhìn mới về lãi suất.

Trong khi một số ngân hàng phàn nàn bị rút vốn, một số ngân hàng khác im lặng. Ngân hàng XYZ bắt đầu khuyến mãi các loại dịch vụ đi kèm cho cả người dân và doanh nghiệp nếu gửi tiền dài hạn sáu tháng trở lên. Thí dụ miễn phí chuyển tiền du học, phát hành thẻ quốc tế, phí bảo lãnh, mở L/C, phí giao dịch ngoại hối… Tổng giám đốc một ngân hàng phân tích: “Lãi suất cho vay trước sau gì cũng phải giảm nữa về 15-16%/năm thì doanh nghiệp mới vay. Lãi suất 17-19%/năm vẫn là quá cao để người sản xuất – kinh doanh có lời, nền kinh tế có tăng trưởng. Cùng lãi suất 14%/năm, huy động kỳ hạn càng ngắn, ngân hàng càng thiệt và nếu không hạ được lãi suất đầu ra, tín dụng cuối năm và năm tới sẽ khó khăn nhiều”.

Có cơ sở cho một nhận định như vậy. Cơ sở thứ nhất là NHNN cho biết không nhất thiết sử dụng hết room tín dụng còn lại của năm nay. Mục tiêu của NHNN là tăng trưởng tín dụng năm 2011 đạt 18%, có thể thấp hơn. Cơ sở thứ hai là tăng trưởng tín dụng năm sau dự kiến mức 18-20%. Khi tăng trưởng tín dụng bị khống chế, ngân hàng sẽ phải lựa khách hàng để cho vay. Không ngân hàng nào muốn cho doanh nghiệp chấp nhận lãi suất 20-23%/năm vay cả vì rủi ro đi kèm lãi suất cao là chắc chắn.

Tín hiệu về tăng trưởng tín dụng quyết định dòng vốn đầu vào. Liệu ngân hàng có thật sự cần thiết thu hút vốn trong dân bằng mọi giá, kể cả lãi suất cao, khi đầu ra được ấn định mức nhất định? Nhìn từ đây, lãi suất huy động sẽ phải hạ xuống, độ nóng của thị trường tiền tệ những năm qua sẽ được san đều cho thị trường vốn. Đỉnh của lãi suất đã qua rồi! Và những ngân hàng nhạy bén không phải là những ngân hàng kêu to nhất đang bị rút vốn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới