Thứ hai, 20/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Những cơ hội cho Fintech Việt Nam

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Có thống kê cho thấy, cứ mỗi giây, người Việt lại sử dụng ít nhất một dịch vụ Fintech (công nghệ tài chính). Đây là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư đã "nghiêm túc hơn" khi bỏ tiền vào thị trường Fintech Việt Nam.

Nhiều người bắt đầu làm quen với dịch vụ gửi tiết kiệm trực tuyến qua các nền tảng ứng dụng của bên thứ ba trong năm qua. Ảnh minh hoạ: DNCC.

Cơ hội lớn từ thị trường

Giữa năm ngoái, hãng kiểm toán KPMG và Ngân hàng HSBC đã công bố báo cáo về các công ty khởi nghiệp mới nổi. Báo cáo đánh giá, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dẫn đầu là Trung Quốc là khu vực mà các fintech có tốc độ phát triển thuộc nhóm nhanh nhất.

Với Việt Nam, nhiều tổ chức đánh giá là cơ hội còn rất lớn, nhờ cơ cấu dân số, hoạt động thương mại trực tuyến sôi nổi và hạ tầng mạng phát triển, tiềm năng về lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng còn rất lớn vì tỷ lệ dân số tiếp cận kênh ngân hàng còn khá thấp.

Theo báo cáo của Robocash Group, doanh nghiệp cho vay trực tuyến, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về quy mô tài trợ cho fintech, chỉ đứng sau Singapore.

Theo đó, thống kê 93% tất cả các khoản đầu tư mạo hiểm trong nước đều hướng vào phân khúc ví điện tử và tiền điện tử. Cứ mỗi giây, người Việt Nam sử dụng ít nhất một dịch vụ Fintech. Nhu cầu về các dịch vụ kỹ thuật số, gồm giao dịch, thanh toán và ví của người Việt Nam là rất đáng chú ý. Đây là thị trường còn non trẻ và đầy triển vọng, với định giá đã tăng từ 0,7 lên 4,5 tỉ đô la Mỹ kể từ năm 2016.

Với dòng chảy đầu tư hiện nay, có thể thấy có hai xu hướng là sự tăng cường đầu tư vào phân khúc khách hàng dưới chuẩn, kế đến là sự xuất hiện của các định chế tài chính hoặc tập đoàn lớn.

Trong đó, phân khúc khách hàng dưới chuẩn thể hiện khá rõ qua định hướng đầu tư vào hoạt động mua trước trả sau (BNPL) hoặc dịch vụ cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.

Người dùng ví MoMo sử dụng dịch vụ Ví trả sau tại một điểm bán. Ảnh minh hoạ: DNCC.

Thống kê của Research and Markets cho thấy, thanh toán BNPL ở Việt Nam tăng trưởng khá mạnh mẽ, với tốc độ CAGR giai đoạn 2022-2028 là 45,2%. Tổng giá trị hàng hóa thông qua BNPL trong nước ước tăng từ 496 triệu đô la năm 2021 lên hơn 1 tỉ đô la năm 2028.

Mặc dù vậy, cho đến nay BNPL chưa tạo ra “cú hit” đáng kể nào, có lẽ vì thẻ tín dụng đang ngày càng phổ biến, dễ tiếp cận hơn cũng như các công ty tài chính cho vay tiêu dùng ngày càng mở rộng sản phẩm và tầm hoạt động. Mặt khác, việc phụ thuộc vào các đối tác và khách hàng cho vay dưới chuẩn sẽ là thách thức lớn đối với mô hình này tại Việt Nam.

Một diễn biến khác là dường như trào lưu đầu tư ứng dụng theo kiểu “bừa bãi” đang giảm dần, thay vào đó là sự nghiêm túc hơn đến từ các quỹ đầu tư, định chế tài chính.

Chẳng hạn, vào tháng 4 năm ngoái, Tập đoàn Masan công bố hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu đô la Mỹ, tương ứng mua 25% cổ phần của Công ty cổ phần Trusting Social, fintech chấm điểm tín dụng khách hàng cá nhân có tiếng trên thị trường, đồng thời đặt tham vọng mở 1 triệu thẻ tín dụng.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT của tập đoàn Masan, kỳ vọng việc hợp tác này sẽ tạo ra giá trị lớn cho người tiêu dùng và cả xã hội, vì giúp tăng khả năng tiếp cận được tín dụng và với chi phí tín dụng thấp nhất.

Dịch vụ tài chính kỹ thuật số được kỳ vọng phát triển vượt bậc với khoản cho vay tăng mạnh ở mức 56% và các khoản đầu tư kỹ thuật số sẽ nhảy vọt sau năm 2025. Nguồn: báo cáo Nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á 2022 của Google, Bain và Temasek.

Vẫn còn rào cản pháp lý

Không chỉ có các fintech mà ngay cả các ngân hàng cũng vướng phải câu chuyện pháp lý. Theo báo cáo về chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng tại TPHCM vào đầu năm 2023, tuy các ngân hàng triển khai nhiều dịch vụ trên nền tảng số, ngân hàng số nhưng dịch vụ cho vay dựa trên nền tảng số lại được thực hiện ở mức thấp nhất trong các dịch vụ này.

Lý do là vì quy trình cung cấp dịch vụ cho vay phải qua nhiều bước, đòi hỏi nhiều thông tin về khách hàng nhưng các ngân hàng chưa có đủ cơ sở dữ liệu cũng như căn cứ pháp lý để triển khai mạnh dịch vụ. Vì vậy dịch vụ này chủ yếu sử dụng để cấp các khoản tín dụng có giá trị thấp cho một số ít khách hàng có đủ độ tin cậy.

Nguồn: Báo cáo Nền kinh tế số khu vực Đông Nam Á 2022 của Google, Bain và Temasek.

Nhìn chung, câu chuyện phát triển fintech tại Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào câu chuyện pháp lý. Việc lách luật trong các hoạt động liên quan không thể khiến cho các fintech đi đường dài, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn về huy động vốn hiện nay.

Trong buổi họp báo hồi đầu năm nay, đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã trình dự thảo nghị định về khung pháp lý thử nghiệm của công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Dự thảo này đang được hoàn thiện trên cơ sở đóng góp ý kiến từ các bộ, ngành để trình lại trong thời gian sớm nhất.

1 BÌNH LUẬN

  1. Fintech, hiện tại chỉ mang ý nghĩa là, phát triển một ứng dụng phần mềm, có năng lực số hóa cao, nhằm mục tiêu giúp tự động hóa các giao dịch tài chính trên mạng internet trong phạm vi 24/7. Nếu vậy, fintech ở ta mới chỉ ở đẳng cấp thấp, mang tính chất đơn lẻ, đại diện cho tư duy “gặt hái/ đánh quả” là chính. Thực trạng này nếu kéo dài, ai cũng có thể làm được, sẽ không mang đến sự tồn tại một cách bền vững. Fintech, phải là một hệ sinh thái đầu tư, kinh doanh và tiêu dùng đa dạng, giúp người sử dụng kiến tạo ra tiền và thu nhập, quản lý tiền và thu nhập một cách có hiệu quả nhất. Khi đạt đến ngưỡng đẳng cấp như vậy, fintech mới trở thành một thế lực cạnh tranh mạnh mẽ, được thừa nhận, có lý do để tồn tại và phát triển lâu dài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới