(KTSG Online) – Trong nhóm chat zalo của một nhóm phóng viên mà tôi tham gia thì gần đây có khá nhiều người chia sẻ các đường dẫn (link) tin, bài mà họ đã viết về hạn hán, xâm nhập mặn với hình ảnh ruộng đất nứt nẻ, kênh rạch trơ đáy ở miền Tây Nam bộ, nơi vốn mệnh danh là vùng sông nước.
Đó là một phần rất nhỏ của sự thật về khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, bởi còn nhiều cảnh đau lòng khác của hạn hán, xâm nhập mặn tác động xấu không chỉ tới sản xuất mà còn đời sống cư dân. Những ngày qua, trên báo chí cũng thấy không ít chuyên gia, quan chức luận bàn, gợi ý giải pháp, thậm chí có cả ý tưởng đưa nước từ sông Sài Gòn xuống miền Tây chống hạn mặn, cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt cư dân. Rồi có cả giải pháp xây thêm cống ngăn mặn giữ ngọt như cống trên sông Cái Lớn – Cái Bé ở Kiên Giang cho các con sông đổ ra biển ở ĐBSCL.
Gần đây nhất lại có nhiều ý kiến kêu gọi nên đầu tư xây dựng các hồ chứa nước mà tốt nhất là mỗi tỉnh có một hồ để chứa nước ngọt, điều tiết hạn măn, cung cấp nước sinh hoạt vào mùa khô. Rất nhiều giải pháp, ý tưởng mà giải pháp nào cũng là tính kế lâu dài, cho 5-10 năm với vốn ngân sách tính hàng ngàn, tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Tôi giả định nếu ý tưởng xây mỗi tỉnh một cái hồ chứa nước ngọt thì nếu ngay cả khi có tiền và năm nay lập dự án thì chắc 3-4 năm nữa may ra mới khởi công và 2-3 năm sau đó may ra mới vận hành được.
Trong khi đó, nhìn hình ảnh kênh rạch trơ đáy trên báo chí và thực tiễn quan sát của người viết thì ở ĐBSCL nhiều năm qua, diện tích kênh rạch, nhất là kênh rạch nội đồng, trong thôn ấp đang thu hẹp, bồi lấp rất mạnh. Một phần do giao thông thủy không còn thế mạnh bằng giao thông đường bộ đang phủ kín, cùng với lấn chiếm xây dựng nhà cửa, ruộng vườn, càng làm cho diện tích trữ nước của kênh rạch vùng ĐBSCL giảm đáng kể, đặc biệt là sự xâm lấn của cây lục bình. Không ít chuyên gia thủy lợi từng ngậm ngùi khi nhận xét nhiều kênh rạch ở ĐBSCL đang “ẩn mình chờ chết” khi nó bị lấn chiếm, bị lục bình ken đặc, bị biến thành nơi đổ rác thải…
Kênh rạch ngoài chức năng lưu chuyển nước thì chính bản thân nó cũng là nơi chứa nước, cớ sao không nhân cơ hội mùa khô, kênh rạch trơ đáy, chính quyền tổ chức tổng nạo vét, ít ra “chữa cháy” cho mùa khô năm tới bớt khắc nghiệt hơn, phần đất bồi lắng được nạo vét làm được khối chuyện cho nhà vườn.
Nhiều con kênh trơ đáy đăng trên báo, tôi cảm nhận nó bị bồi lắng quá nhiều, đáy kênh khá cạn, giá như tổ chức nạo vét sâu thêm 0,5-1 mét thì lượng nước trữ lại cũng sẽ tốt hơn, tích tiểu thành đại. Bằng mắt thường, ai ở ĐBSCL cũng chứng kiến cảnh cây lục bình làm tắt nghẽn rất nhiều kênh rạch thì hạn hán lần này là cơ hội để các địa phương tổ chức nạo vét kênh rạch, dọn rác, dọn lục bình…, ít ra nâng lưu lượng nước trữ lại cho mùa khô năm tới thêm 5-10% cũng đáng quý rồi.
Đừng để những con kênh ẩn mình chờ chết trong khi chúng ta kêu gọi các dự án chống hạn hán, xâm nhập mặn hoành tráng, vốn đầu tư hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng, còn cái nhỏ nhặt, sát sườn thì ít ai quan tâm.
Tới đây, tôi chợt nhớ ba tôi ở quê thời bao cấp, cứ mùa khô là ông ấy vác cuốc đi làm “nông giang”, tức tham gia cùng bà con trong thôn xóm 1-2 ngày nạo vét kênh mương, để khi trồng lúa thì kênh mương chứa và dẫn nước vào ruộng.
Biết đâu đó vài hôm nữa, trên báo chí sẽ xuất hiện tin tức chính quyền xã X, huyện Y tổ chức nạo vét kênh rạch và cái nhóm chat zalo mà tôi tham gia sẽ có nhiều tin tốt lành hơn.
Không còn “ẩn mình” nữa. Mà là công khai, thanh thiên bạch nhật. Không chỉ kênh rạch, mà cả những con sông, vốn dĩ là tuyệt tác của thiên nhiên, cũng đang dần chờ chết. Biển cả, vĩ đại, mạnh mẽ như thế, cũng không chịu nổi cảnh tàn phá môi trường của con người. Nhiều nơi, người dân đang phải gánh chịu thảm cảnh vì tình trạng lở đất, lở bờ, ô nhiễm nặng nề, nơi thì ngập lụt, nơi thì khô hạn kéo dài… Cần thiết phải triển khai ngay một chiến lược quốc gia về bảo tồn, hồi sinh các con kênh, dòng sông, bãi biển… gắn với bảo vệ hệ sinh thái môi trường tự nhiên trên mọi miền đất nước. Nếu không sẽ là quá muộn để cứu vãn.
Vẫn còn hi vọng. Trước hết, cần làm rõ những tác nhân chính, dẫn đến giết chết dần những con kênh, dòng sông…Bao gồm: Sự thờ ơ của con người, điển hình là ý thức bảo vệ môi trường kém, vứt rác bừa bãi, chặt phá rừng… Khai thác cát, lấn chiếm, cơi nới trái phép, vô tội vạ xung quanh không gian bờ/ lòng kênh rạch, sông ngòi… Các nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh trực tiếp xả thải bẩn ra môi trường … Rất tệ, có những bãi biến thuộc diện đẹp nhất thế giới ở ta, hiện nay vẫn phải hàng ngày chứng kiến dòng nước đen ngòm xả ra biển ? Nhưng bên cạnh đó, có những con kênh trước đây, thuộc diện “bẩn thỉu nhất nước”, nay đã được cải tạo chỉnh trang để trở nên trong lành, sạch sẽ, cảnh quan tuyệt vời… Như vậy, có thể khẳng định, một khi đã nhìn rõ nguyên nhân, một khi quyết tâm đến cùng, thì không có gì là không thể đảo ngược ?
Phải nạo vét kênh mương và nhiều biện pháp khác càng sớm càng tốt