(KTSG) - Thường thì những đêm cuối năm là thời điểm của bao điều suy nghiệm, khi ngước nhìn lên cao, trời sao cảm giác như cao hơn. Sài Gòn se lạnh, mọi nẻo đi về có thêm vẻ háo hức đón chờ năm mới.
Năm nay, sau một Giáng sinh xôn xao, ngày đang dần trôi về với tất niên Âm lịch, thời gian dường như bớt hối hả hơn. Tôi chợt nhớ một đoạn trong bài viết có tựa đề Đêm giao thừa 1993 của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số tân niên cách đây 30 năm mà tôi còn lưu giữ trong tủ sách. Cố nhạc sĩ tài hoa đã viết: “Đừng than thân trách phận. Đời không có lỗi với ai, chỉ có ta có lỗi với đời. Cuộc sống là một niềm an ủi vô bờ. Cuộc sống chỉ cho ta mà không cần lấy bớt đi. Cuộc sống cho ta tất cả và mỉm cười khi thấy ta dại dột. Con người sinh ra vốn bất toàn và để làm những điều lầm lỗi. Nó đẹp vì nó bất toàn. Nó đáng yêu vì nó luôn lầm lỗi…”.
Trong mấy chục năm qua, cái sự trào dâng cảm xúc trong bài viết ngắn của nhạc sĩ họ Trịnh vào thời điểm chuyển giao năm cũ sang năm mới, mỗi khi giở ra đọc lại cứ gây một cảm giác bồi hồi trong tôi. Sự chiêm nghiệm và lòng yêu đời của ông bỗng thành một điều thôi thúc, khiến tôi khi nhìn sự việc hay câu chuyện gì xảy ra mỗi ngày, cũng mong muốn và hy vọng nó sẽ diễn ra theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
Những điều đáng yêu ấy, người nhạc sĩ như muốn bày tỏ với nhân quần và hướng họ đến với sự tin tưởng, đừng bao giờ tuyệt vọng - như lời một bản nhạc ông từng viết.
Đêm cuối năm, trí óc tôi miên man lang thang trở về miền ký ức xa xăm. Đó là những ngày gian khó trong khuôn viên cư xá trường đại học của thập niên 1980, là ngược xuôi những nẻo dốc quanh đèo lượn miền cao nguyên, là miền Đông đất đỏ như không gì rõ ràng hơn cái chất ba zan mê dụ trong một truyện ngắn có tựa đề Đất đỏ của Phan Thị Vàng Anh thuở nào, là Sài Gòn bao dung vỗ về những kẻ nhập cư vượt qua tháng ngày no đói…
Tất cả như những thước phim quay chậm, không chỉ nói hộ cho lòng tôi, mà bất cứ với ai cũng có thể nhớ về, ôn lại kỷ niệm của riêng mình vào phút tĩnh tâm nhất và ghi dấu nhất. Tôi nghĩ thế.
Có một buổi chiều như bao buổi chiều muộn cuối năm, tôi ngồi với vài ba người bạn trong một quán rượu bên bờ sông giáp giữa Bình Thạnh và Thủ Đức của Sài Gòn. Cái lối chuyện trò của những người bạn bên ly rượu chiều cuối năm rất khác với thời điểm chuyển giao mùa thu mùa hè. Miên man đủ chuyện, chẳng đầu chẳng cuối. Lại thỉnh thoảng bị gián đoạn bởi hồi còi dài của một con tàu ngoài sông vọng vào cộng thêm tiếng sóng vỗ ì oạp vào bờ. Để rồi những kẻ bên ly rượu lại tiếp nối với một chủ đề khác.
Tất nhiên, dù là những đề tài chắp nối thì đó vẫn cứ là những gì đã diễn ra trong năm mà ai đó chợt nhớ và nhắc đến. Sự bất toàn của những câu chuyện bạn bè kể khiến tôi phân vân ngồi phân định: các câu chuyện đã đi đến hồi kết vẹn toàn hay vẫn còn đổ vỡ chưa được hàn gắn(?).
Và rồi đêm xuống. Sông buông một màn sương hơi nước khi nhìn qua bờ bên kia. Lúc ấy, dải bờ đối diện chợt mênh mang hơn, bởi chỉ còn nhìn thấy những vạt xao xác mơ hồ, có lung linh vài ánh điện.
Chợt nghĩ, những gì của đất trời còn lại là vĩnh hằng, mà khoảnh khắc hữu hạn của đời người giữa thế gian này chỉ như một thoáng, hư vô và biến ảo. Bởi, có lẽ cũng như tôi và bạn bè ngồi đây, đã từng có bao người đứng bên bến sông này nhìn qua bên ấy, bây giờ họ đã đi về phương nào ai biết được!
Cho nên, nhớ lại lời của nhạc sĩ họ Trịnh viết đêm giao thừa năm nào, về chuyện cuộc sống mỉm cười bao dung độ lượng, tôi thầm cảm ơn ông. Vì dù chỉ với vài dòng ngắn ngủi, ông đã truyền cho cuộc đời này thêm một năng lượng tích cực, đó là nhìn thấy vẻ đẹp của sự hy vọng ẩn đằng sau mọi sự bất toàn, để bước tiếp…