Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những điều trông thấy…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những điều trông thấy…

Đức Nam

Những điều trông thấy…
Sân bay đông đúc ngày Tết. Ảnh: Đức Nam

(TBKTSG Online) – Những điều trông thấy trên hành trình ngày hết tết của người Việt.

"Ha ha ha nhà ông H. bà N. này, buồn cười quá. Đâu, mày mở phây của nó ra cho tao xem nào?". Ba người đàn ông chụm đầu lại, cười vang cả quầy check-in ở sân bay. "Anh ơi chỗ công cộng xin anh nói nhỏ thôi", cô gái trẻ đứng bên cạnh nghiêm nghị nói. "Hả? Nó nói gì?", anh đang cười ha hả hỏi. "Nó bảo nói nhỏ thôi", một trong ba người hạ giọng. Anh kia lườm cô gái một cái: "Chắc con bé này ở tây về".

Nhưng rồi họ vẫn cười nói rất to, và nói những câu chuyện không hay, cười cợt về người khác, không quan tâm đến việc cả chục người xung quanh nhìn mình với ánh mắt khó tả. Ba người đàn ông “chém gió” đủ thứ chuyện suốt hành trình từ quầy check-in đến chỗ đợi ra cửa tàu bay, lên xe buýt, lên máy bay, trong cả chuyến bay hai tiếng đồng hồ. Khi hầu hết hành khách chuyến bay lim dim ngủ, họ vẫn bàn tán xôn xao một góc.

Đi lại trong những ngày hết Tết, ta có cơ hội chứng kiến nhiều hơn, rõ nét hơn, với tần suất dày đặc hơn thói quen hành xử chốn công cộng của người Việt. Ở hàng ghế chờ gần cửa lên máy bay, một anh liên tục quát con: "Đồ chơi đâu? Làm mất rồi hả, sao mày ngu thế? Đi tìm về đây cho tao? Không thì tao cho mày ở lại sân bay…". Tội nghiệp thằng bé mặt mếu máo: "Rơi mất rồi con không biết. Huhu". Thấy thương gì đâu.

Đối diện hàng ghế đó, một bà mẹ khác cứ một lúc lại quay sang cô bé con chừng 4 tuổi với âm sắc rất to khiến người xung quanh nghe đủ cả: "Thế đã buồn tiểu chưa? Lúc nào buồn đi tiểu thì bảo mẹ nhé". Cô bé gật đầu ngoan ngoãn nhưng sau cùng nó làm ướt quần. Mẹ nó la toáng lên: "Ôi dồi ơi, sao tao dặn rồi mày không nghe, hư này, hư này…", cô lấy tay tét vào mông con bé con liên tục mấy cái cho hả dạ. "Em ơi đừng làm thế với con", một người nhắc. Mẹ cô bé hơi xấu hổ: "Tại nó hư lắm, đã nói không biết bao nhiêu lần rồi. Đến khổ với con mới cái!".

Một người đàn ông khác, thả ngay cái chai nhựa vừa uống hết xuống sàn sân bay trong khi thùng rác chỉ cách anh có vài chục bước chân. "Anh ơi anh vừa xả rác. Hả, cái gì? Chỗ này không phải chỗ để rác. Sao chị khó chịu vầy chị?", anh cau có rồi hậm hực nhặt cái chai nhựa lên.

"Em liều thế!". Bạn tôi nói khi nghe rằng tôi "dám" nhắc ông kia nhặt cái chai lên. "Nó đánh em thì sao?", "Em cũng không biết, lúc đó em cũng phải lấy can đảm, em chỉ sợ ai dẫm phải cái chai có thể bị trượt chân tai nạn chứ không chừng". "Em bị hâm à? Lúc nào cũng cứ như người trên mây ấy. Khó lắm, làm sao mà thay đổi được", bạn tôi mắng.

Không khi nào sân bay có nhiều trẻ con như những ngày Tết và cũng thấy rằng “công thức” đối xử với trẻ con của các gia đình khá giống nhau. Các ông bố ngồi vuốt điện thoại, các bà mẹ đều bế con và bám theo đứa con, sẵn sàng buông ra các mệnh lệnh với chúng: "Chào bác đi, ăn đi, đưa đây, quay lại đây không được đi, ở đó, chạy ra đó chú bảo vệ bắt kìa, nín ngay không được khóc…". Có bao giờ các bậc cha mẹ nói với con mà tự nghĩ, nếu mình là đứa con thì sao, chả lẽ chỉ ngồi một chỗ và ngửa mặt lên trời cười cho vui lòng người lớn? Rằng đâu là giới hạn của tự do với một đứa trẻ dù còn rất nhỏ trong mối quan hệ với cha mẹ mình?

Rồi cách người dân ta xếp hàng, chốc chốc có người từ đâu chạy đến, chen vào giữa hàng để làm thủ tục sân bay, hay tính tiền siêu thị, hay kể cả ở nhà vệ sinh… Ở sân bay khi đang làm thủ tục check-in, có một chị vừa nói điện thoại vừa xách vali chen vào hàng tự nhiên lắm. Tôi thấy cô gái trẻ đứng sau nói nhẹ nhàng: "Chị ơi, em đứng sau anh này, chị phải xuống xếp hàng". "Ơ lúc nãy bạn chị đứng ở trên này rồi, chị đi cùng với bạn chị". Cô gái thở dài đánh thượt vì bất lực. Không phải cô gái, song vấn đề là nhiều người đứng liền sau, bị chen ngang ngơ ngác rồi cũng thôi, không phản ứng đến cùng. Các nhân viên hãng hàng không, nhân viên tính tiền ở siêu thị hay chỗ công cộng cũng vẫn phục vụ người chen ngang như thường, không hề nhắc nhở họ.

Một công ty du lịch từng phát động phong trào “Cứu lấy văn hóa du lịch của người Việt”. Công ty này còn liệt kê những thói tật xấu đặc trưng của người Việt khi ra ngoài: mặc đồ trên giường đi ra đường; nói chuyện, nghe điện thoại và chửi thề; đi trễ giờ, hớt hải, chen lấn xô bồ; ngậm tăm như… đồ trang sức; bon chen ăn uống, vứt rác và nhổ nước bọt ở chỗ nào… thấy thích và gặp cái gì cũng chê hoặc đổ “tại, vì, bị”, vô tư cầm nhầm đồ của người khác… Tôi mạo muội cho rằng đó không chỉ là văn hóa khi đi du lịch, mà chúng ta đều thấy các kiểu hành xử như vậy hàng ngày, xung quanh mình.

Tôi chỉ mong ước một điều, những người lãnh đạo các công ty dịch vụ hãy dạy nhân viên rằng, phải từ chối và nhắc nhở những người không tôn trọng việc xếp hàng, hay hành xử tệ trong khu vực mình phục vụ.

Tất cả mọi điều ngay bây giờ, ở đây, đầu tiên từ con người và cuối cùng cũng vẫn là đi tới con người. Mỗi người chúng ta không tự thay đổi thì cái chuỗi ứng xử vô minh kia không bao giờ dừng lại mà mỗi ngày còn được khuếch đại hơn lên.

Có khi nào bạn để ý ánh mắt của người nước ngoài khi thấy người Việt hành xử tệ, để cảm nhận họ lạ lùng cái văn hóa ấy ra sao, rằng chúng ta đang khác với một phần thế giới văn minh như thế nào?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới