(KTSG) - Năm học mới đang đến. Người học trò cũ hiện là phó hiệu trưởng một trường THPT gọi điện thoại hỏi tôi: “Thầy ơi, năm nay công tác chuyên môn nên tập trung vấn đề gì?”. Trong khi đó, một nhóm học sinh lớp 12 vừa tan buổi học thêm đã háo hức hỏi thăm nhau về ước mơ, nguyện vọng. Trang Facebook của một thầy giáo dạy tiểu học thì đăng ảnh “khoe” thầy đang tay xô, tay chổi tất bật dọn dẹp để đón học sinh tựu trường…
- Giá sách giáo khoa tăng gấp 2-3 lần trước thềm năm học mới
- Ngành giáo dục TPHCM tuyển dụng 308 nhân sự cho năm học mới
Báo Tuổi Trẻ mấy ngày gần đây cũng chia sẻ đến bạn đọc những hình ảnh xúc động trước ngày khai giảng năm học mới nơi vùng cao. Như câu chuyện của cô giáo Bùi Thị Hồng Vân (trường THCS Nật Sơn ở Kim Bôi - Hòa Bình), tuy nhọc nhằn nơi bản nghèo, nhưng với tình yêu con trẻ, cô Vân vẫn quyết bám trụ. Hay chuyện về hậu con lũ quét đêm 5-8 làm cho trường Tiểu học và THCS Hồ Bốn (Mù Cang Chải - Yên Bái) tan hoang, thầy cô nơi này đã không ngại khó làm tất cả mọi việc để kịp đón học sinh khai giảng sớm…
Quả là, khi lấy học sinh làm trung tâm thì vai trò của thầy cô thật lớn lao. Nhưng nơi những vùng biên giới, non cao hay đảo xa, đời sống giáo viên và phụ huynh học sinh vẫn còn tràn ngập những nỗi lo. Thiết nghĩ để thầy cô nơi đây thêm nghị lực trên con đường đến trường hàng ngày với nắng bụi, mưa bùn, đồng lương không chỉ phải tương xứng công việc, mà hơn thế, nó là sự thấu hiểu dành cho các thầy cô luôn yêu và bám trụ với nghề. Lương giáo viên sắp tới thay đổi ra sao vẫn còn thấp thỏm chờ...
Xuôi về những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM..., không khí mua sắm đầu năm học rộn ràng hơn; điều kiện của các trường học cũng được chuẩn bị đầy đủ hơn; rồi mọi thứ từ bồi dưỡng ngoại ngữ cho đến rèn kỹ năng học sinh, dường như đều có dịch vụ. Thế nhưng còn kế hoạch cụ thể trong nhiệm vụ của các nhà trường, liệu có thể tạo ra sự đổi thay căn bản cho người học? Chương trình học đang và sẽ áp dụng liệu có thoát khỏi “lời nguyền” quá tải?
Và mùa tựu trường vẫn còn đó những nỗi buồn. Một trường tiểu học ở Long Xuyên (An Giang) vừa bị phụ huynh học sinh lớp Một phản ảnh nhà trường ép họ mua vở có in hình trường với giá “cắt cổ”. Một phụ huynh tại TPHCM khi được hỏi về độ thấm hút của áo đồng phục đã trả lời dù có thấm hút hay không thì cũng phải mua, vì đâu thể mua bên ngoài (Tuổi Trẻ, 23-8). Ở Huế, phòng giáo dục thành phố này vừa nhận đơn trình báo việc nữ sinh N.T.V. (13 tuổi) bị một nhóm học sinh lột đồ, đánh hội đồng. Tại Lâm Đồng, giáo viên một trường THPT nghi ngại việc hiệu trưởng cho “chìm xuồng” vụ hai học sinh tham gia cướp giật ngoài đường phố cũng chỉ vì thành tích…
Ngày 24-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội báo cáo việc học sinh tử vong do đuối nước và rà soát việc tổ chức dạy bơi trong các trường học. Trước đó, trong cùng một ngày đã xảy ra hai vụ tử vong tại bể bơi trường học (một ở Hà Nội, một ở Nghệ An). Sau mỗi vụ việc “nóng”, Bộ yêu cầu cơ sở giải trình, một động thái cần nhưng chưa đủ. Mục tiêu của quản lý là phải kiến tạo giải pháp.
Bộ Giáo dục nước Pháp vừa ra quy định mới sau khi một nữ sinh tự tử vì bị bắt nạt ở trường học, theo đó, học sinh bắt nạt bạn bị buộc chuyển trường. Năm ngoái, nước này cũng đưa hành vi bắt nạt thành tội hình sự. Bộ Giáo dục Hàn Quốc cũng vừa công bố chính sách sẽ được áp dụng từ tháng 9 năm nay, đó là giáo viên được quyền đuổi học sinh quậy phá. Bộ trưởng Giáo dục Lee Ju-ho cho rằng quyền của học sinh đã được đề cao quá mức. Điều này khiến quyền của giáo viên bị giảm đi và các hoạt động giảng dạy không được tôn trọng (VnExpress, 22-8). Các chính sách đã được ban hành này thể hiện việc nhanh chóng đưa ra những giải pháp chấn chỉnh.
Bạo lực học đường là tâm điểm lo lắng của xã hội. Trong khi Thông tư 08 về hướng dẫn kỷ luật học sinh đang áp dụng ở nước ta thì đã được ban hành từ cách đây 35 năm! Tình trạng chậm, chờ, lúng lúng, thấy khó... trước những vấn đề của giáo dục vô hình trung làm “đứt gãy” chính trong nội bộ ngành giáo dục.
Năm học 2023-2024 được định hướng sáng tạo, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Để đạt được điều này cần sự đồng lòng trước hết trong ngành giáo dục rồi mới lan tỏa ra toàn xã hội.
Trống khai trường rộn vang nhưng vẫn trăn trở với khẩu hiệu: “Tất cả vì học sinh thân yêu”!
Hãy nhìn thẳng vào sự rối rắm của chương trình đổi mới giáo dục 2018, từ nội dung sách giáo khoa, các môn học và cách triển khai thì sẽ biết tương lai của ngành giáo dục sau 15 năm nữa.