Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Những giới hạn pháp lý của nghề chấp bút

Nguyễn Lương Sỹ (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thị trường viết thuê giáo án, bài giảng điện tử, thậm chí là luận văn, luận án rất nhộn nhịp trên Internet trong những năm gần đây. Người mua chỉ cần chi trả thù lao theo thỏa thuận thì sẽ được người bán cung cấp một sản phẩm hoàn chỉnh, đồng thời còn cho phép người mua đứng tên tác giả. Dịch vụ viết thuê này trong tiếng Anh được gọi là “Ghost Writer” (tạm dịch: Người viết ma), tiếng Việt cũng có thể tìm được một thuật ngữ tương đương là “Người chấp bút”. Hoạt động nói trên đã và đang đặt ra nhiều vấn đề pháp lý cần lưu ý.

Chấp bút: nghề phổ biến ở các nước phương Tây

Nghề chấp bút đã có một lịch sử khá lâu đời, và được chấp nhận rộng rãi ở nhiều nước phương Tây. Danh họa Rembrandt ở thế kỷ 17 thực chất không phải là tác giả của toàn bộ tác phẩm mà ông ký tên. Nhiều trong số đó do học trò ông vẽ, nhưng được ông ký tên tác giả như bảo chứng cho chất lượng “Rembrandt”(1). Có thể nói, đây là một cách thức bắt chước cơ chế sử dụng nhãn hiệu. Chẳng hạn, chuỗi cà phê Starbuck được nhượng quyền khắp nơi trên thế giới, miễn đảm bảo các yêu cầu đặt ra thì sẽ được dán nhãn hiệu Starbuck. Nhưng một hành vi tương tự như vậy lại không được chấp nhận trong quyền tác giả, đặc biệt là với các chuẩn mực hiện đại nơi đề cao sự sáng tạo trực tiếp của cá nhân để làm nên tác phẩm. Rembrandt đã làm tăng giá trị thực của tác phẩm khi chắc chắn người mua sẽ trả giá thấp hơn nhiều nếu biết đó không phải do chính tay ông vẽ.

Tuy nhiên, có một cách đứng tên khác vẫn được chấp nhận là thuê để chấp bút cho tác phẩm hồi ký của nhiều nhân vật nổi tiếng. Người chấp bút làm việc theo hợp đồng, được trả thù lao theo thỏa thuận, không trực tiếp đứng tên tác phẩm mà thường chỉ ghi nhận ở lời mở đầu, và có thể kèm theo điều khoản bảo mật. Tương tự, trong lĩnh vực tiếp thị, người chấp bút cũng thường được thuê để hiện thực hóa ý tưởng khách hàng bằng ngôn ngữ, văn phong và cấu trúc dễ dàng tiếp cận với độc giả nhất.

Đối với giới học thuật, việc đứng tên “kiểu Rembrandt” từng được chấp nhận rộng rãi ở châu Âu. Khi đó, các giáo sư có thể công bố công trình dưới tên của mình mặc dù do học viên, hay trợ lý thực hiện. Một hình thức phổ biến khác vẫn được duy trì cho đến ngày nay đó là người đứng đầu một trung tâm nghiên cứu (phòng lab) sẽ xuất hiện với tư cách đồng tác giả trong mọi công trình do lab này công bố, bất kể người này có đóng góp thực tế gì trong đó hay không. Những lab lớn có đến hàng trăm nghiên cứu viên, và đây chính là lý do giúp một số nhà khoa học có số lượng công bố không tưởng, lên tới cả ngàn công trình mỗi năm. Ngược lại, cần đặt ra câu hỏi về sự liêm chính nếu một nhà khoa học không mấy tên tuổi lại có số lượng công bố khổng lồ.

Nghề chấp bút chỉ hợp pháp nếu người viết vẫn đứng tên tác giả

Pháp luật Việt Nam luôn tôn trọng các giao dịch dân sự trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, vì vậy dịch vụ viết thuê là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, luật sở hữu trí tuệ không cho phép tác giả chuyển nhượng quyền nhân thân (ngoại trừ quyền công bố tác phẩm), trong đó có quyền đứng tên trên tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào(2). Như vậy, mọi thỏa thuận giữa các bên về việc chuyển quyền đứng tên trên tác phẩm được thuê viết ra, dù hoàn toàn bình đẳng và tự nguyện, vẫn sẽ bị xem là vô hiệu. Nhưng hành vi này vẫn diễn ra tràn lan trên thực tế bởi lẽ nếu các bên không xảy ra tranh chấp thì pháp luật không thể biết đến sự tồn tại của giao dịch đó để điều chỉnh vi phạm.

Những lưu ý khi sử dụng dịch vụ viết thuê

Phần lớn người tìm đến dịch vụ viết thuê không chỉ muốn nhận về tác phẩm, mà quan trọng hơn còn phải là quyền được đứng tên tác giả trên đó. Lúc này, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro cả về mặt pháp lý và đạo đức.

Trước hết, bởi nội dung giao dịch không được pháp luật cho phép, người mua sẽ luôn có nguy cơ phải hoàn trả lại tác phẩm do bị Tòa án tuyên vô hiệu nếu như vụ việc xảy ra tranh chấp. Về khía cạnh đạo đức, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học, hành vi kể trên cũng được xem là một dạng đạo văn, và sẽ phải chịu thêm các hình thức xử lý theo quy chế của cơ sở giáo dục hay cơ quan chủ quản.

Nếu như sản phẩm giao dịch không phải là luận văn, luận án mà chỉ là các tài liệu đơn giản như bài giảng, giáo án điện tử, rủi ro pháp lý sẽ thấp hơn bởi giá trị sử dụng không cao, không liên quan đến bằng cấp hay bổ nhiệm, đồng thời nhiều tài liệu còn không đủ tính sáng tạo để được công nhận là tác phẩm. Tuy nhiên, người mua khó có thể kiểm soát được sản phẩm đó được tạo ra như thế nào. Rất có thể người chấp bút đã sao chép trái phép nội dung tư liệu, thậm chí là đạo văn hoàn toàn hoặc bán các bản sao giống hệt nhau cho nhiều người mua. Việc sử dụng sản phẩm như vậy dưới tên cá nhân chắc chắn sẽ làm sụt giảm uy tín và danh dự bản thân.

Loại hình viết thuê mang lại nhiều giá trị không thể phủ nhận như tiện lợi, nhanh chóng, đảm bảo tính kỹ thuật mà không phải ai cũng đủ khả năng thực hiện. Trong các lĩnh vực không đòi hỏi danh tính cá nhân như Marketing, nghề chấp bút là một công cụ hữu hiệu dành cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sử dụng tác phẩm được sáng tạo dưới hình thức này sẽ luôn tiềm ẩn các rủi ro về pháp lý. Đặc biệt, trong khoa học, giáo dục, dịch vụ viết thuê còn đặt ra câu hỏi về tính liêm chính và đạo đức nghiên cứu. Chính vì vậy, người có nhu cầu phải thận trọng cân nhắc mọi khía cạnh trước khi sử dụng dịch vụ.

(*) Thạc sĩ Luật. Giảng viên trường Đại học Luật, Đại học Huế.

(1) Tài liệu tham khảo: Richard A. Posner, The Little Book of Plagiarism.

(2) Điều 45.2, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới