(KTSG) - Kinh tế hiện là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người dân Mỹ trong bối cảnh cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa hai ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump đang diễn ra quyết liệt. Những điểm nhấn khác biệt trong chính sách kinh tế có thể đóng vai trò quan trọng, quyết định khả năng thắng lợi của mỗi ứng cử viên.
- Chu kỳ bầu cử tổng thống Mỹ và chứng khoán Việt Nam
- FBI khám xét tư dinh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Florida, tịch thu 15 thùng tài liệu
Chính sách hỗ trợ sản xuất nội địa
Tương lai của ngành sản xuất nội địa Mỹ sẽ được định hình bởi chính sách kinh doanh và lao động liên bang. Mặc dù tổng thống Mỹ không có toàn quyền kiểm soát nền kinh tế, nhưng có vai trò hàng đầu trong việc điều chỉnh các yếu tố như tăng trưởng việc làm, ưu đãi thuế và các quy định của ngành.
Trong nhiệm kỳ của mình, cả ông Trump và ông Biden đều tập trung vào chi phí và lực lượng lao động cho hai ngành công nghiệp lớn của Mỹ: sản xuất ô tô và thép. Nếu tái đắc cử, ông Joe Biden có kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh duy trì hoạt động sản xuất ô tô ở Mỹ và cạnh tranh với ngành công nghiệp ô tô đang phát triển của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Donald Trump cũng đã cam kết sẽ bảo vệ các nhà sản xuất ô tô Mỹ. Tại một cuộc vận động tranh cử hồi tháng 3, ông đã nhắc tới kế hoạch tăng thuế đối với ô tô sản xuất ở nước ngoài và cho rằng sẽ có một cuộc “thảm sát” trong ngành ô tô Mỹ nếu ông không giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Khi xe điện trở nên phổ biến, chính quyền Tổng thống Joe Biden mong muốn làm cho xe điện có giá cả phải chăng hơn và đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạc trên toàn quốc. Ngược lại ông Donald Trump lại cho rằng xe điện có thể mang đến lợi thế cho các nhà sản xuất Mexico và Trung Quốc, từ đó cắt giảm việc làm trong ngành ô tô ở Mỹ.
Đối với ngành thép, trước việc US Steel Corp đang chờ bán cho Nippon Steel của Nhật Bản với giá 14,9 tỉ đô la, Tổng thống Joe Biden đã nói rằng thép nên thuộc sở hữu của các doanh nghiệp trong nước nhưng vẫn chưa thực hiện hành động pháp lý nào để tác động đến thỏa thuận. Khi còn đương chức, ông Donald Trump cũng nỗ lực bảo vệ ngành kim loại Mỹ, áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu.
Đối với các quy định về môi trường, ông Joe Biden đã nỗ lực thắt chặt các tiêu chuẩn về ô nhiễm phương tiện giao thông và mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo, trong khi ông Trump kêu gọi dỡ bỏ các khoản tín dụng thuế về năng lượng sạch và thu giữ carbon, đồng thời thúc đẩy đầu tư nhiều hơn vào nhiên liệu hóa thạch.
Giải quyết những thách thức trên thị trường nhà ở
Chi phí nhà ở là một thách thức lớn đối với cả ông Biden và ông Trump. Kết quả một cuộc khảo sát của Gallup với 1.013 người tham gia cho thấy, có tới 78% người Mỹ cho rằng đây là thời điểm tồi tệ để mua nhà. Với các khoản vay thế chấp có mức lãi suất cố định 30 năm hiện ở mức trên 7%, ngày càng nhiều người mua tiềm năng không thể mua nhà.
Nhà ở giá rẻ hiện đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với ông Biden, người nhận thức được mức độ quan trọng của một vấn đề có thể ảnh hưởng hoặc phá vỡ nỗ lực tái tranh cử của ông.
Tại bang Nevada, Tổng thống Joe Biden gần đây đã nói về những nỗ lực nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, bao gồm 1,7 triệu đơn vị nhà ở hiện đang được xây dựng. Ông cũng lưu ý rằng, chính quyền đã lên kế hoạch tạo thêm hai triệu ngôi nhà giá cả phải chăng, nhưng chưa đưa ra mốc thời gian chính thức hoàn thành những ngôi nhà này. Khả năng chi trả cho nhà ở cũng sẽ là một vấn đề quan trọng ở các bang chiến trường khác bao gồm Arizona, Georgia, North Carolina và Pennsylvania.
Ông Biden cũng nỗ lực kêu gọi việc chuyển đổi văn phòng thành nhà ở, đồng thời nói thêm rằng chính quyền sẽ tạo ra một chương trình để giúp các cộng đồng xây dựng và cải tạo nhà ở hoặc chuyển đổi không gian văn phòng bỏ trống thành nhà ở dân cư. Những chương trình chuyển đổi như vậy ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây khi nhiều công ty không gia hạn hợp đồng thuê văn phòng bởi nhân viên có thể làm việc từ xa.
Ông Donald Trump cũng đã tập trung vào vấn đề này. Khi vận động tranh cử ở Iowa hồi năm ngoái, ông nói rằng “chìa khóa để giảm chi phí nhà ở là giảm chi phí năng lượng. Chúng ta sẽ giảm giá năng lượng xuống và sau đó giảm lãi suất, qua đó thúc đẩy các công ty nối lại các dự án xây dựng nhà ở”.
Tuy nhiên, các cam kết của ông Trump trước đây về nhà ở giá rẻ đã gặp phải nhiều xáo trộn. Vào năm 2019, ông đã thành lập một hội đồng tại Nhà Trắng để loại bỏ những trở ngại đối với việc xây dựng nhà ở giá rẻ. Nhưng trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông cũng từng cắt giảm nhiều ngân sách của Bộ Phát triển Nhà ở và Đô thị.
Chính sách thuế
Đầu năm nay, Nhà Trắng đã công bố các ưu tiên về thuế của Tổng thống Joe Biden nếu ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Kế hoạch này chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo các tập đoàn lớn và những người giàu có phải trả một mức thuế thu nhập mà ông Biden cho là công bằng.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, kế hoạch sẽ hướng tới việc tăng thuế suất doanh nghiệp từ 21% lên 28% và mức thuế doanh nghiệp tối thiểu từ 15% lên 21%. Ngoài ra, ông Biden muốn yêu cầu các tỉ phú, top 0,01% những người giàu nhất hoặc những người có tài sản từ 100 triệu đô la trở lên, phải đóng thuế thu nhập hàng năm ít nhất 25%.
Trong khi cựu Tổng thống Donald Trump vẫn chưa công bố kế hoạch thuế chi tiết, nhiều điều khoản trong luật thuế năm 2017 của ông sẽ hết hạn vào năm 2025. Đạo luật Cắt giảm thuế và Việc làm năm 2017 của ông đã thiết lập mức thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 35% xuống 21%, và theo Bloomberg nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục duy trì mức thuế đó nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Theo ước tính của Moody’s, đến năm 2028, các biện pháp cắt giảm thuế của ông Donald Trump sẽ đồng nghĩa với việc nền kinh tế Mỹ có thêm khoảng 450.000 việc làm so với kế hoạch của ông Biden. Bù lại, tác động từ chính sách thuế của ông Donald Trump tới lạm phát sẽ ở mức cao hơn so với kế hoạch của ông Biden trong các năm 2025-2026, trước khi giảm nhẹ trong hai năm sau đó, do mức đầu tư mạnh mẽ hơn sẽ nâng cao năng suất và hạn chế áp lực giá cả.
Theo Business Insider, do các đảng viên Đảng Dân chủ và ông Biden đều đang sẵn sàng gia hạn một số biện pháp cắt giảm thuế dưới thời Trump đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình, nên có khả năng sẽ có một số thỏa thuận lưỡng đảng về thuế dù người chiến thắng trong chiến dịch tranh cử sắp tới là ai. Tuy nhiên, vẫn sẽ có sự khác biệt đáng kể về mức thuế mà các cá nhân và tập đoàn giàu có phải chịu.
Chính sách thương mại và thuế quan
Về thương mại, trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Trump đã áp đặt các mức thuế sâu rộng chưa từng có đối với hàng hóa nhập khẩu.
Điều này một mặt đã khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu và Canada phẫn nộ và đáp lại bằng các biện pháp “ăn miếng, trả miếng”. Tuy nhiên, mặt khác, cách tiếp cận của ông Trump đã giúp đảm bảo Thỏa thuận Mỹ - Mexico - Canada, một giải pháp thay thế cho Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).
Gây tranh cãi hơn cả là cuộc chiến thương mại mà ông Trump phát động nhằm vào Trung Quốc. Các biện pháp thuế quan và hành động thương mại khác của chính quyền Trump đã khiến Trung Quốc phản ứng gay gắt thông qua việc đình chỉ mua hàng nông sản Mỹ xuất khẩu và áp đặt các mức thuế quan trả đũa.
Nếu trở lại nắm quyền, ông Trump được dự báo sẽ tiếp tục chính sách thương mại cứng rắn, bằng việc áp thêm thuế quan, từ mức thuế cố định 10% đối với mọi sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ cho đến mức thuế 100% đối với tất cả ô tô nhập khẩu. Các nhà kinh tế của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính kế hoạch của ông Trump sẽ tiêu tốn của một hộ gia đình Mỹ trung bình ít nhất 1.700 đô la mỗi năm.
Một số đồng minh của ông Trump đã phát tín hiệu rằng ông sẽ đẩy giới hạn đi xa hơn nữa nếu giành chiến thắng tại cuộc bầu cử tháng 11. Politico đưa tin một số cố vấn kinh tế hàng đầu của cựu tổng thống Mỹ đang thảo luận về cách phá giá đồng đô la để thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ. Đó là một đề xuất mang nhiều rủi ro vì nó có thể làm tăng giá một số mặt hàng vốn đã ở mức cao do lạm phát.
Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden được dự báo có thể áp dụng chính sách mềm mỏng hơn. Với tư cách là tổng thống Mỹ, ông Biden đã đạt được một thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) để chấm dứt phần lớn các biện pháp thuế quan dưới thời Trump nhằm vào các nước châu Âu.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là ông Biden hầu như không thay đổi các biện pháp thuế quan của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc, thậm chí, Tổng thống Joe Biden còn muốn tăng gấp 3 lần mức thuế của Mỹ đối với thép Trung Quốc.
Nguồn: Business Insider, Investopedia, USA Today
Bài viết hay, cụ thể giúp cho nhà đầu tư định hướng làm ăn trong tương lai