Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những khái niệm chưa chuẩn xác!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những khái niệm chưa chuẩn xác!

Phạm Phú Quốc

Nhận đọc bài Xem lại doanh nghiệp trước khi vay vốn, tôi nhận thấy bài viết có đưa ra một vài khái niệm mà theo tôi là chưa chuẩn xác, cũng như có những ý kiến gợi ý về việc tìm vốn mà những doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa sẽ khó thực hiện được.

“Tài sản tự có” và “tài chính năng động” là gì?

Trong bài viết nói trên, tác giả Đình Dũng có dẫn lời Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Kinh doanh trường Đại học Ngân hàng TPHCM: “Chiến lược kết hợp tài sản tự có với tài chính năng động (là những khoản vay dài hạn) được doanh nghiệp các nước sử dụng nhiều, và tùy vào ngân hàng tiếp cận dễ hay khó để xác lập các khoản vay”.

Trong hệ thống kế toán hiện nay không thấy khái niệm “tài sản tự có”. Nếu xem khái niệm “tự có” tương đồng với “chủ sở hữu” như trong trường hợp “vốn tự có” và “vốn chủ sở hữu” thì có khả năng đây chính là khái niệm tài sản của chủ sở hữu.

Tuy nhiên, tài sản của doanh nghiệp được hình thành từ nợ lẫn vốn chủ sở hữu và khi doanh nghiệp chi tiền hình thành chúng có khi nào họ phân biệt tiền của ai không?

Giả sử, ban đầu doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hoàn toàn bằng vốn chủ sở hữu. Lúc đó toàn bộ tài sản của doanh nghiệp chính là của chủ sở hữu nhưng trường hợp này không phổ biến. Hơn nữa, trước sau gì doanh nghiệp cũng vay nợ thêm để mở rộng kinh doanh và sau một hay vài chu kỳ hoạt động, tiền thu vào, chi ra sẽ hòa quyện và sinh ra các loại tài sản khác nhau. Như vậy, làm sao doanh nghiệp phân biệt được tài sản nào là tự có hay không phải tự có?

Không biết khái niệm “tài chính năng động” mà bài viết nhắc đến có phải là nguồn tài chính mà doanh nghiệp có thể sử dụng một cách chủ động và linh hoạt không. Nếu đúng vậy thì chúng phải liên quan đến các khoản vay ngắn hạn (cho vay theo hạn mức tín dụng) chứ không phải các khoản vay dài hạn (cho vay kỳ hạn).

Cho vay theo hạn mức tín dụng là hình thức cho vay mà trong đó khách hàng được ngân hàng cho phép duy trì một mức dư nợ cao nhất trong một thời hạn thỏa thận. Dư nợ cao nhất này được gọi là hạn mức tín dụng. Doanh nghiệp có thể rút tiền khi có nhu cầu, miễn sao tổng dư nợ không được cao hơn hạn mức tín dụng.

Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có thể được vay dưới hình thức tín dụng hạn mức tuần hoàn (revolving loan). Theo đó, nếu doanh nghiệp trả nợ thì phần hạn mức còn được phép sử dụng sẽ tự động tăng lên bằng chính số nợ vừa trả. Cho vay theo hạn mức tín dụng, đặc biệt là cho vay tuần hoàn, giúp doanh nghiệp năng động trong quá trình sử dụng tiền vay vì chỉ khi nào cần tiền mới rút tiền vay để sử dụng.

Đặc biệt, đối với vay tuần hoàn, việc trả nợ có thể cải thiện hạn mức tín dụng, giúp doanh nghiệp có thể tái sử dụng sau đó. Đặc điểm vừa nêu cho thấy loại cho vay này cho phép doanh nghiệp linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn vay. Cho vay theo hạn mức tín dụng là cho vay ngắn hạn còn cho vay tuần hoàn cao nhất thường chỉ ba năm (trung hạn).

Cho vay kỳ hạn (term loan – ở Việt Nam còn gọi là cho vay trung và dài hạn) là hình thức cho vay trong đó ban đầu khách hàng nhận một món tiền theo hợp đồng và hoàn trả dần theo thỏa thuận cho đến khi chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp này, việc giải ngân và trả nợ diễn ra một cách cứng nhắc nên chẳng biết nó liên quan như thế nào tới khái niệm “tài chính năng động”?

Nếu hiểu “tài chính năng động” theo nghĩa là các nguồn vốn dài hạn cho phép doanh nghiệp sử dụng lâu dài nên nó liên quan tới các khoản nợ dài hạn, thì e cũng không phải. Nợ dài hạn được sử dụng thay cho nợ ngắn hạn để tài trợ cho các nhu cầu tài sản dài hạn có thể giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro thanh khoản khi nợ đến hạn không liên quan gì tới tính năng động cả.

Khả năng khác, khái niệm “tài chính năng động” trong bài viết muốn ám chỉ việc dùng nguồn vốn dài hạn (như nợ vay dài hạn) để tài trợ cho tài sản dài hạn có thể giúp doanh nghiệp an tâm với rủi ro thanh khoản mà sử dụng tài sản linh hoạt. Nhưng như vậy thì e cũng không thích hợp trong hoàn cảnh đang nhắc đến là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khát vốn chứ đừng nói chi đến lựa chọn chiến lược quản lý vốn theo cách này.

Nghĩ đến việc phát hành trái phiếu trước hay vay ngân hàng trước?

Trong bài viết của tác giả Đình Dũng cũng đưa ra lời khuyên “…trước khi nghĩ đến vay vốn ngân hàng, các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu các kênh huy động vốn khác như phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…”. Có lẽ lời khuyên này đã nhầm đối tượng vì nó không phù hợp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi hầu hết các doanh nghiệp này không thể phát hành cổ phiếu.

Về vốn, doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỉ đồng được coi là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Muốn phát hành cổ phiếu, doanh nghiệp phải là công ty cổ phần. Nhưng trong số 147.316 doanh nghiệp ngoài nhà nước ở thời điểm năm 2007 thì chỉ có 15% là công ty cổ phần; trong đó có tới 76% có vốn dưới 10 tỉ đồng. Trong khi đó, Luật Chứng khoán (điều 12) quy định muốn phát hành cổ phiếu ra công chúng thì doanh nghiệp phải có vốn điều lệ ít nhất là 10 tỉ đồng. Như vậy, xem ra, cổ phiếu không phải là một lựa chọn dễ dàng đối với hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ nghĩ tới việc phát hành trái phiếu trước rồi mới vay ngân hàng hay nên làm ngược lại? Nếu doanh nghiệp không vay được từ ngân hàng thì cũng khó có thể phát hành trái phiếu.

Trước hết, ngân hàng được coi là có ưu thế thông tin về khách hàng so với các chủ nợ khác. Nhờ cho vay và cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính cho khách hàng, ngân hàng chẳng những có được các thông tin tài chính hoặc thông tin khác được công bố (thông tin cứng) mà còn có cả các thông tin không chính thức nhờ có mối quan hệ trước đó (thông tin mềm). Vì lẽ đó mà ngân hàng có lợi thế hơn khi cho các doanh nghiệp có sẵn quan hệ vay (relationship lending). Điều này thì các chủ nợ khác sẽ khó có được mà chỉ sử dụng thông tin cứng để cho vay (transaction lending).

Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, do các thông tin cứng thường không đầy đủ và chất lượng không cao nên lợi thế về thông tin mềm mà các ngân hàng có được càng tăng gấp bội.

Ngoài ra, ngân hàng còn có thể hạn chế rủi ro trong cho vay bằng cách sử dụng các công cụ đảm bảo tín dụng như thế chấp hay cầm cố hoặc thường xuyên giám sát quá trình tuân thủ hợp đồng vay của doanh nghiệp.

Trong khi đó, những vấn đề này khó có thể thực hiện được đối với những chủ nợ trái phiếu. Do vậy, nếu muốn dễ phát hành trái phiếu, trước hết doanh nghiệp phải chứng tỏ mình đủ tư cách tín dụng để vay ngân hàng. Hay nói cách khác, vay được ngân hàng giúp doanh nghiệp phát ra một tín hiệu tốt giúp chủ nợ khác cải thiện lòng tin đối với họ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới