Thứ ba, 24/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Những kỳ vọng về lãi suất đô la Mỹ tăng chậm lại

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thị trường tài chính toàn cầu hiện đang chờ động thái tăng lãi suất và bài phát biểu định hướng chính sách của Fed trong tuần này, trong khi Ngân hàng Nhà nước đã “đón đầu” tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm phần trăm vào tuần trước.

Lãi suất tiền đồng đã tăng mạnh trước khi đô la Mỹ tăng vào tuần này. Ảnh: L.Vũ.

Thị trường kỳ vọng lãi suất đô la tăng chậm lại

Tâm lý kỳ vọng lãi suất đồng đô la Mỹ tăng chậm lại đã xuất hiện trong tuần trước, giúp thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh, bất chấp các cổ phiếu công nghệ giảm mạnh. Theo đó, chỉ số Dow Jones tăng khoảng 2,6%, chỉ số S&P 500 tăng gần 2,5%, chỉ số Nasdaq tăng khoảng 2,9% trong phiên giao dịch cuối tuần trước. Nếu tính theo tuần, cả ba chỉ số cũng đều tăng mạnh, lần lượt tăng 5,7%, 3,9% và 2,2%.

Trong tuần, các dữ liệu kinh tế công bố cho thấy lạm phát đang có dấu hiệu suy yếu, là nguyên nhân khiến cho các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn sau cuộc họp của Uỷ ban thị trường mở liên bang (FOMC) vào tuần này.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 0,5% trong tháng 9 so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, từ đó dẫn tới lập luận Fed chỉ nâng lãi suất với mức 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 12, thay vì mức 0,75 điểm phần trăm như dự kiến.

Tuy nhiên, thị trường tài chính vẫn có luồng ý kiến cho rằng còn quá sớm để hy vọng đồng đô la quay đầu giảm giá vì Fed vẫn chưa đi hết kế hoạch tăng lãi suất đưa ra trước đó.

Trong tuần qua, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) trong tuần qua cũng đã tăng lãi suất lần thứ ba liên tiếp, lên mức cao kỷ lục để chống lạm phát. Cụ thể, ECB quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, lên mức 2%/năm.

Tuần qua cũng rộ lên thông tin các ngân hàng trung ương lo ngại việc đồng đô tăng quá nhanh sẽ phá vỡ nền kinh tế. Một số bắt đầu e ngại mà chuyển sang kế hoạch tăng lãi suất thấp hơn.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc xuống mức 3,2% trong năm nay, giảm 1,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4. Điều này cho thấy nhu cầu thế giới vẫn chưa thể hồi phục nhanh.

Trong tuần qua, giá đô la Mỹ trên thị trường lao dốc. Theo đó, chỉ số dollar-index đo lường sức mạnh đồng bạc xanh với rổ ngoại tệ mạnh khác, giảm 1,21 điểm tính theo tuần, về vùng 110,67 điểm, mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng qua.

Trên thị trường hàng hoá, giá dầu thô giảm vào cuối tuần nhưng nhìn chung ghi nhận tuần tăng mạnh. Chẳng hạn, giá dầu thô Brent giao sau giảm 0,9%, về mức 96,07 đô la Mỹ/thùng, còn dầu WTI giảm 1%, về 88,2 đô la/thùng. Tính theo tuần, hai loại dầu này lần lượt tăng khoảng 2% và 3%.

Trái ngược lại, thị trường vàng gần như vẫn đi ngang và tìm động lực tăng giá. Giá vàng giao sau kỳ hạn tháng 12, giảm 0,91% tính theo ngày vào phiên cuối tuần, về quanh mức 1.650 đô la Mỹ/ounce.

Lãi suất Việt Nam đã tăng mạnh

Trong tuần trước, sự kiện quan trọng nhất là việc tăng lãi suất điều hành của thêm 1 điểm phần trăm, trần lãi suất huy động ngắn hạn cũng tăng lên mức 6%/năm.

Việc tăng lãi suất lần thứ hai liên tiếp trong vòng một tháng diễn ra ngay trước cuộc họp FOMC của Mỹ vào tuần này, cho thấy nhằm giảm thiểu rủi ro lạm phát tăng, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ, bảo vệ hệ thống ngân hàng trong nước, theo đánh giá của Công ty chứng khoán Maybank IB.

Dù vậy, hệ quả là hàng loạt ngân hàng chạy đua nâng lãi suất huy động, đặc biệt nhiều ngân hàng tăng kịch trần lãi suất huy động ngắn hạn. Đồng thời, nhóm ngân hàng quốc doanh cũng đẩy mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lên mức 7,4%/năm, tức tăng thêm hơn 1 điểm phần trăm.

Trong tuần qua, tỷ giá đã có xu hướng ổn định hơn sau một tuần biến động mạnh trước đó vì nới biên độ giao dịch. Trái với diễn biến đi xuống của đô la vào tuần trước, tỷ giá các loại của Việt Nam đều tăng nhẹ.

Cụ thể, tỷ giá trung tâm vào cuối tuần trước tăng thêm khoảng 6 đồng nếu so theo tuần trước đó. Tương tự, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank cũng tăng khoảng 7 đồng ở cả hai chiều sau một tuần, lên mức 24.877 đồng/đô la ở chiều bán ra, đồng nghĩa tăng 8,5% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do ở quanh mức 25.200-25.300 ở chiều bán ra.

Trên thị trường hàng hoá, giá vàng miếng SJC cuối tuần được niêm yết ở chiều 67 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, giảm khoảng 500.000 đồng/lượng so với tuần trước đó, kết thúc chuỗi tăng liên tiếp trong hai tuần trước đó.

Nhưng điểm nổi bật khác là diễn biến của thị trường chứng khoán. Tiếp nối nối phiên giảm điểm mạnh thứ 6 tuần trước đó, chỉ số VN-Index giảm mạnh vào đầu tuần, có lúc về mức thấp nhất là 962,5 điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán VNDirect, lý do giảm điểm mạnh trong hai phiên đầu tuần là vì thị trường phản ứng trước căng thẳng tỷ giá, động thái tăng lãi suất điều hành và áp lực bán giải chấp tăng mạnh tại nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán.

Ngoài ra, thị trường giảm mạnh còn vì tâm lý hoang mang của nhà đầu tư trước những tin đồn lan truyền trên thị trường. Đến cuối tuần, các lãnh đạo cao cấp của Chính phủ cũng lên tiếng trấn an thị trường, bác bỏ một số tin đồn liên quan đến các tập đoàn lớn.

Thị trường sau đó bất ngờ hồi phục mạnh trong hai ngày cuối tuần. Kết tuần chỉ số VN-Index đóng cửa tại mức 1.027,4 điểm, tăng 0,7% so với tuần trước đó, nhưng cũng giúp cải thiện tâm lý đáng kể của nhà đầu tư.

Thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ với tổng giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt 12.642 tỉ đồng mỗi phiên, tăng 8,2% so với tuần trước đó. Đáng chú ý là khối ngoại gia tăng giá trị bán ròng lên mức 3.648 tỉ đồng (tăng mạnh so với mức bán ròng 127 tỉ đồng tuần trước).

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn tăng mạnh trở lại là yếu tố giúp thị trường phục hồi, đặc biệt là ngân hàng báo cáo tăng trưởng kinh doanh ở mức cao. Ở phía ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn tiếp tục duy trì diễn biến tiêu cực trước lo ngại về dòng tiền kinh doanh khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn.

Trong tuần này, theo Công ty chứng khoán VNDirect, tâm điểm thị trường là cuộc họp chính sách của FOMC. Nhưng bên cạnh việc tăng lãi suất 75 điểm như kế hoạch đặt ra trước đó, một vấn đề khác được quan tâm hơn là bài phát biểu định hướng chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới, khi các nhà đầu tư cho rằng đã có thêm những bằng chứng cho thấy lạm phát Mỹ đang hạ nhiệt.

“Rủi ro thị trường vẫn đang ở mức cao trước những biến động về tỷ giá, lãi suất, chính sách tiền tệ trong và ngoài nước. Do đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ lệ vừa phải và hạn chế dùng đòn bẩy. Những nhà đầu tư đang cầm tiền mặt cũng cần theo dõi thêm các tiêu chí rõ ràng hơn”, VNDirect khuyến nghị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới