Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Ứng xử ra sao trước áp lực lạm phát – tỷ giá?

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay, nới rộng biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5% sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với rủi ro bất định từ lạm phát, theo các chuyên gia.

Áp lực lạm phát hiện hữu

Sau khi NHNN đồng loạt nâng lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng thêm 1% từ ngày 25-10, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã công bố biểu lãi suất huy động mới.

Hoạt động điều hành tín dụng, lãi suất của NHNN sẽ chịu nhiều áp lực từ chính sách tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương lớn. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

BacABank tăng lãi suất huy động không kỳ hạn và kỳ hạn 1-3 tuần lên mức 1% một năm, kỳ hạn 1-5 tháng lên 6% một năm. Đồng thời, giữ nguyên lãi suất với các kỳ hạn dài với mức cao nhất là 8,4% một năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiết kiệm trên 1 tỉ đồng, kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.

Tương tự, NCB nâng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức tối đa cho phép. Với kỳ hạn trên 6 tháng, khách hàng gửi tiết kiệm theo hình thức trực tuyến có thể hưởng mức lãi suất trên 8% một năm, cao nhất là 8,45% một năm dành cho kỳ hạn từ 24 tháng.

SCB cũng nâng lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến với các kỳ hạn từ 15 tháng lên mức 9,3% một năm, cao nhất thị trường hiện nay. Còn lãi suất với kỳ hạn 12 và 13 tháng lần lượt ở mức 9,15% một năm và 9,25% một năm.

Với nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Agribank, VietinBank, BIDV đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động với nhiều kỳ hạn từ ngày 27-10. Cụ thể, VietinBank áp lực mức lãi suát 6% một năm với với kỳ hạn từ 6-11 tháng. BIDV áp dụng mức 6% một năm cho kỳ hạn 6 tháng và 6,1% một năm cho kỳ hạn 9 tháng. Agribank áp dụng một mức 6,1% một năm.

Còn lãi suất cao nhất tại quầy ở 3 ngân hàng này là 7,4% một năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Thực tế, việc tăng lãi suất trong bối cảnh “room” tín dụng và các nguồn huy động vốn cho sản xuất – kinh doanh còn hạn chế sẽ khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong những tháng cuối năm. Thậm chí, một số ngành và lĩnh vực có thể chịu tác động “kép”, tức là chịu đồng thời áp lực tăng lãi suất và tăng tỷ giá dẫn đến doanh thu sụt giảm.

Tuy nhiên, việc ghìm, giữ lãi suất, theo giải trình của bà Nguyễn Thị Hồng – Thống đốc NHNN – tại phiên thảo luận chiều ngày 28-10 ở Quốc hội, thực sự là việc khó do xu hướng lạm phát xuất hiện ở rất nhiều nền kinh tế. Ngoài ra, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục điều chỉnh tăng lãi suất, khiến đô la Mỹ tăng mạnh và nhiều đồng tiền khác mất giá cũng tạo áp lực với ngân hàng trung ương các quốc gia.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam, cho rằng việc NHNN nâng trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay, nới rộng biên độ tỷ giá từ ±3% lên ±5% là hoàn toàn phù hợp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trước những tác động bên ngoài với Việt Nam.

Cụ thể, lạm phát gia tăng trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển đã buộc các quốc gia này phải đi đến lựa chọn khắc nghiệt là thắt chặt chính sách tiền tệ, đặt ưu tiên kiểm soát lạm phát trước ổn định tài chính.

“Điều này tác động ngay đến các quốc gia châu Á, gây ra tình trạng lạm phát nhập khẩu, với lạm phát ở hầu hết các nước trong khu vực đều tăng, kết hợp với tác động từ việc tăng giá lương thực, tăng giá xăng dầu”, ông Cường nói.

Với Việt Nam, chuyên gia này cho biết tác động của việc lạm phát nhập khẩu, tăng giá lương thực, giá xăng dầu được khống chế tốt hơn, nên mức lạm phát thấp hơn. Nhưng lạm phát có xu hướng tăng và rủi ro lạm phát nhập khẩu rất mạnh.

Về tỷ giá, ông Cường cho rằng đô la Mỹ tăng giá khiến một loạt các đồng nội tệ mất giá rất mạnh. Riêng đồng Việt Nam mất tương đối thấp so với các quốc gia khác, nhưng vẫn gây sức ép ngày càng lớn đến dự trữ ngoại hối.

Cũng theo ông Cường, việc đồng Việt Nam mất giá khá ít so với đô la Mỹ và tăng giá so với đồng tiền của các quốc gia có quan hệ cạnh tranh thương mại trực tiếp như Malaysia, Thái Lan, Philippines, sẽ tác động tới khả năng cạnh tranh của các mặt hàng do Việt Nam xuất khẩu.

Bước chuẩn bị của NHNN

Với việc NHNN nâng lãi suất điều hành thêm 1% từ 25-10, TS Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, cho biết NHNN luôn có định hướng để duy trì mức lãi suất hợp lý và ổn định để doanh nghiệp có chi phí vốn rẻ nhằm duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó phục hồi cho tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nhưng khi vấn đề lạm phát khó giải quyết hơn so với dự tính ban đầu, NHNN buộc phải cân nhắc và chia sẻ giữa chi phí và lợi ích của việc nới biên tỷ giá để giảm áp lực cho lãi suất, cũng như buộc phải điều chỉnh tăng lãi suất để giảm áp lực tỷ giá.

“Cách điều hành như hiện nay đã giữ lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý để làm sao có thể kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm chế lạm phát trong tình hình trong bối cách khốc liệt thị trường quốc tế”, ông Thắng đánh giá.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), cho rằng đây là phản ứng sớm của NHNN nhằm tạo ra dư địa về chính sách trước trước khả năng cao Fed tiếp tục tăng lãi suất với 0,75% điểm phần trăm trong tháng 11-2022.

“Nếu chờ tới lúc Fed tăng lãi suất, NHNN mới điều chỉnh thì dư địa xử lý các vấn đề chính sách tiếp theo sẽ khó khăn hơn”, ông Việt phân tích.

Theo ông Việt, bất ổn địa chính trị toàn cầu, diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng giá dầu, giá năng lượng tăng khiến áp lực lạm phát với Việt Nam gia tăng vào cuối năm. Điều này sẽ thu hẹp dư địa về chính sách về tiền tệ và tài khóa.

“Vì vậy, những chính sách của NHNN, cụ thể là nới biên độ tỷ giá và tăng lãi suất điều hành 2 lần – có thể đi trước một bước để tạo dư địa cho sự điều chỉnh các chính sách linh hoạt khi có những biến động từ thị trường thế giới”, ông Việt nói.

Linh hoạt chính sách hỗ trợ để giữ đà phục hồi kinh tế

Trước áp lực phạm phát và tăng lãi suất trên toàn thế giới, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng các cơ quan quản lý cần linh hoạt, tiếp tục điều chỉnh biên độ tỷ giá và tăng lãi suất với mức độ thích hợp để duy trì đà phục hồi kinh tế.

“Chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng, với giải ngân đầu tư công – lĩnh vực cung cấp vốn trực tiếp cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế –  là chỗ dựa cho tăng trưởng khi Việt Nam siết chặt chính sách tiền tệ”, ông Cường nói và khuyến nghị Chính phủ rà soát, sửa đổi thủ tục, vấn đề mang tính hệ thống sau hiện tượng nhiều bộ ngành xin trả lại vốn đầu tư công.

Cũng theo ông Cường, các chính sách tài khoá nới lỏng vẫn có hiệu lực và có thể tiếp tục duy trì để hạn chế rủi ro giá xăng, dầu thế giới tiếp tục biến động trong thời gian tới. Nhưng việc nới lỏng tài khoá cần thực hiện với thời hạn và mục tiêu cụ thể khi gánh nặng lớn dần.

Những khuyến nghị trên được ông Cường đưa ra trong bối cảnh nguồn thu từ chứng khoán, bất động sản được dự báo sẽ sụt giảm trong thời gian tới, qua đó thu hẹp nguồn lực hỗ trợ kinh tế.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng đề nghị NHNN quản lý chặt chẽ thị trường ngoại hối ngân hàng và chợ đen, tránh trường hợp nới lỏng biên độ tỷ giá nhưng không kiểm soát chặt các thị trường.

“Nâng lãi suất là hợp lý, nhưng nếu không quản lý chặt sẽ xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp tận dụng vay, gửi tiết kiệm để hưởng lãi chênh lệch”, ông Cường lưu ý.

TS Nguyễn Quốc Việt khuyến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt những chính sách đã có. Những nghiên cứu này là cơ sở để các đơn vị đề xuất tiếp tục triển khai hỗ trợ doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời và đúng đối tượng trong bối cảnh NHNN có thể tăng mức điều hành lãi suất hay điều chỉnh tỷ giá vào cuối năm.

Với các doanh nghiệp, TS Trần Toàn Thắng đề xuất tập trung tìm kiếm những thị trường mới để bù đắp sự sụt giảm doanh thu ở các thị trường truyền thống, bên cạnh việc tăng dự phòng rủi ro tỷ giá.

Theo ông Thắng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp khó khăn về thị trường, tức đầu ra của sản phẩm bị ảnh hưởng tiêu cực khi các nền kinh tế bị suy thoái, người dân thắt chặt chi tiêu, bên cạnh khó khăn về tài chính.

1 BÌNH LUẬN

  1. Biến động tỷ giá trong tháng vừa qua phần lớn do nguyên nhân nội tại hơn là do áp lực bên ngoài. Dự báo sẽ có thêm 1 đợt tăng LS điều hành trong thời gian tới nhằm giảm bớt áp lực tỷ giá trong bối cảnh LP tại Mỹ liên tục ở mức cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới