(KTSG) - Từ doanh nghiệp xã hội đến chuỗi nhà hàng được quỹ đầu tư nước ngoài bơm vốn, các quy chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang là kim chỉ nam cho hoạt động của họ…
- 50% thực phẩm tươi bị lãng phí
- KTSG số 35-2022: Thực phẩm, môi trường và thách thức phát triển bền vững
Ngoài mục tiêu trực tiếp là giúp giảm thiểu tình trạng lãng phí thực phẩm, đây chính là các yếu tố góp phần hình thành sự phát triển bền vững, nền tảng của nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đã đến lúc Việt Nam cần có các quy định chặt chẽ về lãng phí thực phẩm, nhằm giáo dục và hình thành thói quen tốt.
Từ ngân hàng thực phẩm nghĩ đến luật chống lãng phí
Food bank - ngân hàng thực phẩm - là một tổ chức phi lợi nhuận, thu nhận và tái phân phối hoàn toàn miễn phí thực phẩm để cứu trợ người thiếu đói. Ý tưởng ban đầu về ngân hàng thực phẩm như thế này do John van Hengel - một nhà kinh doanh về hưu, làm việc thiện nguyện tại các bếp ăn từ thiện ở Phoenix thuộc bang Arizona, Mỹ - nảy ra trong những năm 1960. Giờ đây, Mạng lưới ngân hàng thực phẩm toàn cầu (GFN) đặt trụ sở chính tại Mỹ và chi nhánh ở 54 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Tiền thân của Food Bank Việt Nam (FBVN) là dự án thiện nguyện từ năm 2016 nhằm phân phát và hỗ trợ nguồn lương thực, thực phẩm cho người vô gia cư, trại trẻ mồ côi, người khuyết tật, đối tượng khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Mục tiêu của ngân hàng là giúp cải thiện bữa ăn, tiết kiệm được một phần chi phí trong cuộc sống và hỗ trợ các tổ chức tình nguyện khác trong các hoạt động nấu và phát thức ăn tại các bệnh viện, trung tâm xã hội, mái ấm tình thương. FBVN hiện hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội.
Đầu tiên là tại TPHCM, rồi đến Bến Tre và Hà Nội, từ đầu năm đến nay FBVN đã hình thành ba kho lưu trữ thực phẩm. Các kho là nơi thu nhận, phân loại và bảo quản thực phẩm có chất lượng được chuyển về từ các công ty thực phẩm, chuỗi siêu thị, nhà hàng, trang trại hay đông đảo các cá nhân. Kho thứ tư của FBVN sẽ được đặt tại Đồng Nai.
Nhiều nơi có thực phẩm còn vài tháng hết hạn sử dụng hoặc rau củ quả đã gửi ngay đến ngân hàng, Chủ tịch FBVN Nguyễn Tuấn Khởi cho biết. Tập đoàn thực phẩm CP đã quyên tặng cho FBVN lượng lớn trứng gà, tập đoàn Mondelez Kinh Đô góp bánh kẹo. Danh sách ngày càng mở rộng hơn, với cả các tập đoàn, công ty phi thực phẩm như VinGroup, Kềm Nghĩa, Qui Phúc Furniture, dược phẩm Titafa, AmCham… “Chúng tôi không chờ đợi người khác đến cho mà chủ động mở rộng mạng lưới”, ông Khởi nói.
Nguồn cung cấp thực phẩm của FBVN không hề đứt gãy, ngay cả trong đợt phong tỏa kéo dài nhiều tháng vì dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh phía Nam. Ngân hàng tổ chức các dự án như “Tủ lạnh cộng đồng” cho người dân tự lấy thực phẩm miễn phí trong mùa dịch. Tiếp đó là “Bếp yêu thương” với các suất ăn nóng hổi. Các tình nguyện viên tham gia đội cơm di động miễn phí rất nhiệt tình mà không cần bất cứ khoản hỗ trợ nào.
Nhiều nhà hàng, quán ăn bị đóng cửa để chống dịch, thực phẩm tồn đọng số lượng lớn. FBVN vận động các nhà tài trợ góp tiền mua lại bằng giá gốc hoặc giá hỗ trợ. Theo ông Khởi, “Đây là cách chia sẻ thực phẩm một cách thiết thực trong giai đoạn ai cũng khó”.
Nông sản của đồng bằng sông Cửu Long có lúc đổ hoang phí cho gia súc ăn hoặc bỏ hư thối trên đồng ruộng. FBVN tham gia “giải cứu” vào những lúc nông sản gặp hạn như thế. Như khoai lang, ông Khởi kể, giá thị trường có lúc xuống chỉ còn 500 đồng/ký, nông dân bỏ mặc ngoài đồng.
“Chúng tôi huy động nhà hảo tâm, lo chi phí chuyên chở đưa về, mua lại của nông dân với giá 3.000-5.000 đồng/ký, bán lại với giá 9.000 đồng/ký. Trừ hết chi phí, nếu còn thì bỏ vào quỹ để tặng cho các mái ấm, nhà mở”.
Đầu năm 2022, do ách tắc ở cửa khẩu phía Bắc, dưa hấu của nông dân Tây Nguyên cũng gặp cảnh đổ bỏ, thối rữa trên các cánh đồng, phải bán với giá chỉ 500 đồng/ký. FBVN mua hàng chục tấn dưa với giá 4.000 đồng/ký rồi chuyển đến tặng cho các nơi cần.
FBVN làm khoảng chục đợt như vậy với nhiều loại nông sản. Mô hình này trên thế giới gọi là Farm to Food Bank - từ trang trại đến ngân hàng thực phẩm.
Cho đến nay, FBVN đã cung cấp hơn 10 triệu suất ăn miễn phí cho khắp các tỉnh thành trên cả nước, trong đó riêng TPHCM đã chiếm hơn bốn triệu. Không chỉ dừng lại ở việc kết nối nguồn thực phẩm trao đến nơi cần, FBVN còn tác động đến các đối tác về việc ký một cam kết sử dụng tiết kiệm thực phẩm, bán trợ giá cho người khó khăn, từ đó hình thành thói quen chống lãng phí thực phẩm.
“Sứ mệnh của FBVN là không còn cảnh đói, không còn lãng phí thực phẩm. Và đó là hành trình dài”, ông Khởi nhấn mạnh. Ông nói sẽ sớm hình thành hệ thống FBVN Network đi sâu vào giáo dục trẻ em không lãng phí, biết tiết kiệm thực phẩm.
“Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là tác động xã hội để hình thành luật chống lãng phí thực phẩm. Nhiều quốc gia đã có luật này, chẳng hạn như Trung Quốc. Khi có luật, chúng tôi sẽ hoạt động tốt hơn, nhiều người hỗ trợ thực phẩm hơn, giảm thiểu lãng phí thực phẩm, giảm ô nhiễm môi trường”, ông Khởi cho biết.
Nhà hàng với quy chuẩn bền vững ESG
Hai vợ chồng Yosuke Masuko và Sanae Masuko xây một lò nướng pizza tại sân sau nhà ở Tokyo, Nhật Bản và có thú vui mời bạn bè đến cùng ăn pizza vào mỗi cuối tuần. Sau nhà hàng đầu tiên mở ở Tokyo năm 2005, hai vợ chồng dọn đến Việt Nam.
Nhà hàng Pizza 4P’s đầu tiên tại Việt Nam khai trương năm 2011, nằm trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM. Hơn một thập niên, ngày nay Pizza 4P’s - viết tắt từ Pizza for Peace, tức pizza vì hòa bình, trở thành một trong những chuỗi nhà hàng pizza lớn nhất ở Việt Nam, với tiệm gốc ở Tokyo, 24 tiệm ở khắp các thành phố lớn tại Việt Nam, và một ở Phnôm Pênh, Campuchia.
Mekong Capital là nhà đầu tư chính, cũng là đối tác chiến lược hỗ trợ Pizza 4P’s trong lĩnh vực nhân sự, tái cấu trúc, chính sách quản lý và tài chính doanh nghiệp. Sự góp sức của Mekong Capital đã góp phần đáng kể cho sự tăng trưởng bền vững của Pizza 4P’s tại thị trường ẩm thực đầy cạnh tranh tại Việt Nam cũng như quá trình mở rộng của chuỗi ra thị trường quốc tế.
“Không chỉ vì chúng tôi là những người hâm mộ sản phẩm và nhận thấy tiềm năng tăng trưởng đáng kể từ thương hiệu này, mà chúng tôi còn được truyền cảm hứng từ tầm nhìn của hai nhà sáng lập Yosuke và Sanae. Họ mang đến hơn cả những chiếc pizza ngon”, ông Chris Freund - đồng Tổng giám đốc của Mekong Capital nhớ lại việc hoàn thành đợt châm vốn cho Pizza 4P’s năm 2019.
Ông Freund cho rằng Yosuke và Sanae đã truyền cảm hứng và tạo cơ hội cho những khoảnh khắc gia đình vui vẻ, những trải nghiệm bình an trong tâm hồn.
Chuỗi vận hành theo mô hình “Farm to Table” - từ trang trại đến bàn ăn. Yosuke nói hai vợ chồng tự mày mò thử nghiệm làm phô mai từ sữa bò ở Đà Lạt trước khi mở nhà hàng đầu tiên, sau đó mở xưởng lớn hơn để tăng chất lượng và sản lượng mozzarella mềm cùng với burrata tươi - hai loại phô mai rất đặc trưng của thương hiệu.
Trong tháng 8 vừa rồi, chuỗi đã hợp tác với trang trại Thiên Sinh và Dalat Ecology tổ chức buổi tọa đàm về phát triển bền vững tại nhà hàng ở Xuân Thủy, quận 2, TPHCM. Khách được biết thêm về quy trình làm phô mai và pizza, đồng thời là quá trình nuôi trồng các loại rau và nấm hữu cơ, thịt heo của chuỗi. Các món ăn này được Yosuke và Sanae gọi là “thực đơn bền vững”.
Khách cũng hiểu thêm quá trình ủ trùn quế để tái chế chất thải nhà bếp thành phân bón cho vườn rau, trùn quế sau được dùng làm thức ăn nuôi cá. Nguồn nước trong hồ có chứa chất thải của cá sẽ được dùng làm dưỡng chất cho vườn rau, sau đó nước được cây trồng lọc sạch và tái lưu thông về hồ cá.
Pizza 4P’s còn hợp tác với PLASTICPeople để tái chế rác thải nhựa thành những miếng lót ly đầy màu sắc. Miếng lót ly tái chế, túi nhuộm màu chàm, bình giữ nhiệt 4P’s MiiR, mũ lưỡi trai, áo khoác… là những món quà lưu niệm được bán tại một vài cửa hàng Market 4P’s.
Nhà hàng ở Phnom Penh là nơi đầu tiên Pizza 4P’s thực hiện mô hình “nhà hàng không rác thải”. Nơi kế tiếp sẽ là nhà hàng ở Bình Dương. Đây sẽ là mô hình nhà hàng không rác thải đầu tiên tại Việt Nam. Chuỗi đã thu thập và phân tích dữ liệu rác thải từ một số chi nhánh tại Việt Nam.
Họ chia thành 13 nhóm rác thải khác nhau, từ đó tìm ra các giải pháp phù hợp và tìm kiếm các đối tác để hướng đến việc không tạo ra rác, hoặc hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường. Khi chi nhánh mới ở Bình Dương đi vào hoạt động, Pizza 4P’s sẽ thực hiện quy trình phân loại rác thải mỗi ngày ngay tại nhà hàng, kết hợp đồng thời các hoạt động bền vững khác.
Bắt đầu từ năm 2020, Pizza 4P’s đã phát hành báo cáo bền vững với “hạng mục” ESG được công bố đầy đủ với nhà đầu tư. “Chúng tôi phấn đấu để không chỉ dừng lại là một nhà hàng. Chúng tôi muốn mọi người bước vào thế giới của chúng tôi sẽ vui mừng hơn, cảm thấy hạnh phúc hơn”, theo lời nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Yosuke Masuko. Ông nói “mọi người” ở đây bao gồm luôn cả các nhà đầu tư.
Chỉ có hai cách để tăng cường tinh thần tự giác tiết kiệm. Một là, tăng giá bán thật cao. Hai là, duy trì sự khan hiếm hàng hóa thật lâu. Tất nhiên, chỉ áp dụng đối với những mặt hàng xa xỉ, không thiết thực cho nhu cầu đời sống thường ngày. Nếu không, người nghèo vẫn mãi khổ, người giàu khó mà khóc được.