Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

KTSG số 35-2022: Thực phẩm, môi trường và thách thức phát triển bền vững

Tòa soạn KTSG

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mời bạn đọc đón xem KTSG bản in số phát hành ngày đầu tháng 9-2022 với phong phú đề tài kinh tế – xã hội thời sự, đặc biệt là các khía cạnh liên quan những thách thức dành cho Việt Nam trong hội nhập xu thế phát triển bền vững trên thế giới, bao gồm các vấn đề về lãng phí thực phẩm; bảo vệ môi trường sống; sức khỏe đô thị; những chuyển biến nhận thức về xây dựng nền kinh tế xanh và tiến bộ xã hội.

Lãng phí thực phẩm – bài toán khó của phát triển bền vững tại Việt Nam (Hồ Nguyên Thảo): Tỷ lệ lãng phí thực phẩm của Việt Nam hiện cao gấp hai lần các nền kinh tế tiên tiến và giàu có trên thế giới. Chống lãng phí thực phẩm đòi hỏi sự tham gia trên nhiều lĩnh vực của người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Những lát cắt chống lãng phí thực phẩm (Song Hảo): Đã đến lúc Việt Nam cần có các quy định chặt chẽ về lãng phí thực phẩm, góp phần hình thành nền tảng của nền kinh tế tuần hoàn.

Khủng hoảng bãi rác (Ricky Hồ): Việt Nam có 904 bãi rác theo dạng chôn lấp, trong đó có 725 bãi không hợp vệ sinh. Khủng hoảng rác thải sẽ còn tồi tệ hơn khi những núi rác ngày càng lớn và không gian dành cho việc chôn lấp ngày càng thu hẹp.

Quy trình ngược (Nguyễn Minh Hòa): Quy hoạch không gian mà đi trước quy hoạch kinh tế – xã hội, xây dựng công trình không tính đến các dịch vụ xã hội kèm theo, thì đó là quy hoạch ngược.

Vị trí nào cho hàng rong trong đô thị? (Lê Minh Tiến): Cần có những chính sách giúp các nhóm người yếu thế vẫn có thể kiếm sống trong không gian đô thị.

Khẩu trang, khói thuốc và Covid-19 (Lê Hữu Huy): Covid-19 đã giúp cho con người hình thành những thói quen lành mạnh, trong đó có đeo khẩu trang…

Sửa luật để cứu san hô! (Mục Nhĩ): Hệ sinh thái biển đang bị tàn phá đến mức báo động đỏ. Chính phủ cần bổ sung những điều khoản bảo vệ rạn san hô và thảm cỏ biển vào Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Biến cỏ hoang thành sinh kế “thuận thiên – thuận nhân” (Lê Anh Tuấn): Đại học Cần Thơ phát hiện cây năn tượng (scirpus littorialis) có thể phát triển mạnh trong các ao nuôi tôm, giúp cải thiện chất lượng nước ao nuôi tôm.

Không chỉ là chuyện riêng của Bạch Mai và K (mục Ý kiến): Hy vọng việc Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai xin ngừng thí điểm tự chủ toàn diện chỉ là bước lùi tạm thời và cũng là cơ hội để Chính phủ nhận diện các bất cập, từ đó thiết kế được cơ chế tự chủ có tính khả thi hơn.

Làm sao giữ lấy đức tin giữa thời buổi nhiễu nhương? (Đoàn Khắc Xuyên): Nhiều người có ảnh hưởng xã hội, qua hành động và phát ngôn của họ, lộ ra là những ngụy sứ giả, làm xói mòn niềm tin vốn đã vơi đi nhiều của xã hội vào những điều chân thực và tốt lành.

Viết chữ hay gõ chữ sẽ có lợi hơn cho bộ não? (An An): Các nhà khoa học đã chứng minh viết chữ là cách giữ gìn sự trẻ khỏe của bộ não người.

“Buôn dưa lê” và chuyện tôn thờ sự giả tạo (Khánh Hưng): Hành vi “buôn dưa lê” chuyện người khác trên mạng xã hội có thể khiến các nạn nhân mang vết sẹo tinh thần trong cả cuộc đời.

“Like”, “share” trên mạng có hậu quả pháp lý hay không? (Lê Thiên Hương): Hãy suy nghĩ kỹ trước khi share hay like trên mạng xã hội.

Về các diễn biến trên thị trường chứng khoán, tài chính – ngân hàng, chuyện làm ăn và quản trị của doanh nghiệp:

Sự thật và vốn ảo (LS. Trương Thanh Đức): Không có bất cứ lý do gì để biện minh cho việc dùng một số tiền nhỏ chuyển vào, rút ra tới 18 lần để nâng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng, rồi lừa bán cổ phiếu như giấy lộn cho nhà đầu tư kiếm lời 6.400 tỉ đồng.

Doanh nghiệp “rỗng ruột” nhìn từ Faros (Hải Lý): Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE từ ngày 5-9-2022 do vi phạm một cách nghiêm trọng quy định về công bố thông tin.

Cung ngoại tệ dồi dào sẽ giúp xoa dịu căng thẳng tỷ giá? (Tuệ Nhiên): Tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt vào đầu tuần này, bất chấp đô la Mỹ trên thị trường quốc tế vẫn tiếp tục leo cao.

Rủi ro đến từ TTCK thế giới! (Thanh Thủy): Một số thông tin hỗ trợ vẫn chưa đủ mạnh để giúp VN-Index tránh được phiên điều chỉnh theo đà giảm của thị trường chứng khoán thế giới.

Chứng khoán lại đối mặt thách thức từ Fed (Triêu Dương): Thị trường chứng khoán có thể sẽ phải đối mặt với thách thức điều chỉnh trong nửa đầu tháng 9-2022 trước mối lo ngân hàng trung ương các nước lớn mạnh tay thắt chặt tiền tệ.

Hủy niêm yết – Cơ chế thanh lọc cổ phiếu yếu kém (Đăng Linh): Quy định hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu không đạt yêu cầu của sàn niêm yết là cơ chế tạo ra những hàng hóa chất lượng hơn trên thị trường chứng khoán, qua đó hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Room tín dụng và câu chuyện lãi suất (Thụy Lê): Động thái nới room tín dụng cho các ngân hàng là cần thiết trong tình hình hiện nay, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc mặt bằng lãi suất huy động sẽ chịu những tác động tiêu cực.

Xử phạt ngân hàng ép khách mua bảo hiểm: đừng “ném đá ao bèo” (Lưu Minh Sang – Nguyễn Ngọc Phương Hồng): Những động thái từ các cơ quan quản lý hoạt động bancassurance chưa thật sự phát huy tác dụng, chẳng khác gì với việc “ném đá ao bèo”, đá chìm thì bèo lại tụ.

Hạt sạn trong nồi cơm bancassurance (TS. Võ Đình Trí): Vì chạy theo áp lực KPI, nên có những chuyện đáng tiếc như khi nhân viên ngân hàng dùng số tiền khách hàng mở sổ tiết kiệm để làm hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, và giải thích với khách hàng đó là loại hình tiết kiệm sinh lãi có thêm bảo vệ rủi ro.

Người xây dựng cộng đồng yến sào xứ Thanh (Đỗ Quang Tuấn Hoàng): Trái với thực trạng của nhiều ngành nghề, dịch Covid-19 đã giúp Công ty Yến sào xứ Thanh “tăng trưởng chưa từng thấy”.

“Lính lác” bây giờ… (Nguyễn An Nam): Các ông sếp than phiền “nhân viên trở chứng”; “nhân viên đứng núi này trông núi nọ”; “lính lác không làm được việc lại giỏi kêu ca đòi hỏi”; “tụi nó lơ ngơ chẳng nên trò trống gì mà mỗi đứa mang một cái tôi to đùng”…

Ghi vị trí công việc trong hợp đồng lao động: sai một chữ, đi… ngàn dặm (Nguyễn Thị Kim Thanh – Trần Quốc Thái): Việc ghi “chức vụ” bên cạnh công việc chuyên môn trong hợp đồng lao động tạo ra thế khó trong quản lý, điều hành người lao động, nhất là khi người lao động không đáp ứng yêu cầu của chức vụ.

Khi nhà quản lý doanh nghiệp là người nước ngoài (Nguyễn Tuấn Anh – Nguyễn Thu Nhi): Do khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa nên khi thực hiện chức năng của mình, các nhà quản lý là người lao động nước ngoài đã vô tình hay hữu ý gây thiệt hại cho doanh nghiệp, dẫn đến nhiều vụ tranh chấp.

Các đề tài kinh tế thế giới:

Đồng euro sẽ suy yếu hơn nữa, và chuyện gì sẽ xảy ra? (Lạc Diệp): Kinh tế châu Âu đang chật vật ứng phó khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao kỷ lục, giờ lại phải đối mặt với một thách thức khác: sự lao dốc của đồng euro.

Phố Wall chao đảo sau thông điệp cứng rắn của chủ tịch Fed (Song Thanh): Thị trường chứng khoán đã có một phen chao đảo sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ – Jerome Powell cho biết sẽ không sớm nới lỏng chính sách tiền tệ như kỳ vọng của giới đầu tư.

Nhà máy nguyên tử trong thời loạn (Đặng Đình Cung): Chưa có hiệp ước quốc tế nào ngăn cấm tội ác phá đê đập và nhà máy nguyên tử. Cả thế giới đang lo sợ chuyện Nhà máy Điện nguyên tử Zaporijia (Ukraine) bị phá hủy.

Mặt trái của làm từ nhà (Nguyễn Vũ): Các công ty lớn trên thế giới đang sử dụng nhiều công cụ tinh vi để giám sát nhân viên làm việc từ nhà. Vấn đề là các công cụ này không hoàn toàn chính xác và xâm phạm vào sự riêng tư của nhân viên.

Sau danh thiếp sẽ là gì? (Thư Kỳ): Rục rịch có nhiều hình thức danh thiếp kỹ thuật số, nhưng dường như cộng đồng kinh doanh chưa chấp nhận chúng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới