Thứ tư, 20/11/2024
30.6 C
Ho Chi Minh City

Những người không chọn việc nhẹ nhàng

Hoàng Hiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tôi có người thân làm quản lý dự án xây dựng nên thi thoảng có dịp được ghé vào những công trình lớn đang thi công. Ở đấy máy móc gầm gừ suốt đêm ngày, công nhân oằn mình dưới trời nắng, còng lưng đẩy vật tư ra vận thang lên tầng, trộn hồ, xách vữa, lắp thép… Nếu công trình nào cho nhân công ở lại sẽ có mấy cái lán tạm, một thùng phuy đựng nước sinh hoạt, trẻ con ngủ trên tấm ván khuôn cũ bẩn, tập ăn trong cái ấm sục (ca inox dùng nấu mì bằng cách thả trực tiếp dây mayso vào ca cho nước sôi, mì chín rồi ăn thay vì dùng nồi nấu hay ấm siêu tốc), tập đi trên đá mi, bùn đất.

Mong rằng mỗi khi làm điều gì đó ảnh hưởng đến môi trường người ta sẽ nghĩ đến những người không chọn việc nhẹ nhàng ấy. Ảnh: Thành Hoa

Thi thoảng ngoài đường vào lúc tan tầm bắt gặp họ trở về sau một ngày cực nhọc, áo quần ủng cao su bê bết bột bả, xi măng... Những công trình cao chọc trời, những cơ sở khang trang mà toàn xã hội đang sử dụng phần nào đó có sức lực của họ tạo nên.

Nhiều lần trên đường phố, trước mùa mưa tôi cũng gặp những công nhân móc cống - những người làm việc nơi các ống cống hẹp, đầy chất thải đô thị, có khi là hóa chất của nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm, đồ gia dụng thải ra. Lúc ngoi lên mặt đường, đầu tóc, áo quần bảo hộ của họ đều ướt đẫm, bê bết chất thải. Thử nghĩ đến lượng chất thải khổng lồ của thành phố hơn chục triệu dân mà hãi hùng.

Vậy mà không ít lần tôi nhìn thấy người bán hàng ăn đổ cả xô thức ăn thừa xuống cống, những nơi miệng cống hở còn thấy người ta cố nhét bao rác xuống, rồi lá rụng trước nhà, rác không phân loại… Những hành động “nhanh, tiện, gọn cho bản thân” ấy chỉ diễn ra chớp nhoáng lại là nỗi ám ảnh cực nhọc của nhiều công nhân móc cống. Hệ thống thoát nước ở thành phố vốn đã quá tải, lạc hậu, triều cường thì mỗi năm một dâng cao. Người ta than thở khi phố xá ngập sâu trong trận mưa lớn, khi triều cường lên. Đúng là quy hoạch ở nước ta còn nhiều bất cập, không theo kịp tốc độ đô thị hóa nhưng ý thức của nhiều người dân cũng khiến thành phố thêm nhếch nhác, những người công nhân đô thị cực nhọc hơn.

Ngày tôi mới vào thành phố trọ học, cô chủ nhà trọ dặn đi dặn lại dầu mỡ nấu ăn thừa các con nhớ đổ vào túi nylon cột chặt lại rồi đem bỏ rác, đừng đổ dầu mỡ xuống bồn rửa hay ống cống, một chút dầu mỡ ấy của hàng chục triệu con người lâu năm sẽ tích tụ dưới lòng cống bám chặt thành từng mảng, từng bánh, công nhân móc cống sẽ phải lấy xẻng để xắn ra và múc vào xô để kéo lên. Đổ xuống thì dễ, moi lên khó lắm. Sau này, mỗi khi có dịp nấu ăn tôi đều dặn dò các em, các con, bạn đến chơi nhà điều đó. Đôi khi những hành động nhỏ lại đỡ việc cho người khác rất nhiều.

Có lần khu phố tôi tổ chức họp dân phố về việc phân loại rác thải, buổi họp chỉ có vài người đến dự, một số người lắng nghe, vài người chỉ mải nói chuyện gia đình công việc. Những người không đi họp nghe phổ biến lại từ hàng xóm câu được câu chăng, để ý những túi rác trước nhà mọi người cũng không có thay đổi gì nhiều. Công nhân vệ sinh sau khi đổ rác lên xe vẫn phải xé bịch rác để phân loại, công việc của họ vì thế mà cực nhọc hơn nhiều.

Nhưng dù thế nào, tôi vẫn tin mọi thứ rồi sẽ tốt lên, vẫn tin vào những tín hiệu. Đấy là khi biết hoàn cảnh gia đình anh lấy rác có con bị bệnh nặng xóm tôi kêu gọi nhau mỗi người góp chút tiền gửi anh. Là dịp lễ Tết người ta tặng anh món quà nhỏ, sau Tết cành đào cây kiểng được bó thật gọn ghẽ cho đỡ cồng kềnh, là những thùng carton đựng chai lọ, hộp nhựa được để riêng sạch sẽ để anh ấy bán ve chai. Là những cô bé cậu bé học trò uống sữa hoặc ăn bánh xong giữ chặt trên tay vỏ hộp mang về nhà mới bỏ vào thùng rác. Là những cô bác, anh chị sáng sớm đã lụi cụi quét đường, nhặt rác nổi lênh đọng lại sau những cơn mưa. Là những túi cơm được treo tòn teng trước nhà cho ai đó đi gom về nuôi gà, nuôi chó, là rất nhiều bà nội trợ đã mua thùng ủ rác thải nhà bếp để bón cây - vừa không lãng phí, vừa giảm bớt rác thải ra môi trường.

Người chọn nghề, nghề chọn người, nhưng nếu ai cũng chọn việc nhẹ nhàng thì phần khó nhọc ai sẽ lo. Xã hội là những mối quan hệ cộng sinh hoàn hảo, một khâu hay nhiều khâu làm thật tốt sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền và ngược lại. Mong rằng mỗi khi làm điều gì đó ảnh hưởng đến môi trường người ta sẽ nghĩ đến những người không chọn việc nhẹ nhàng ấy.

Tháng công nhân năm 2023 cũng cận kề (từ ngày 1-5 đến 31-5). Mong rằng câu chuyện việc làm và đời sống của những người không chọn việc nhẹ nhàng này được lưu tâm chăm sóc.

2 BÌNH LUẬN

  1. Văn hóa tôn trọng con người, bất kể họ xuất thân như thế nào, không chỉ là phương châm ứng xử mà còn phải được luật hóa. Đó là cách ứng xử văn minh ở những xử sở được cho là văn minh. Bởi vậy mới có chuyện các công ty đa quốc gia khi muốn ký hợp đồng với ta phải đi khảo sát kỹ tận nơi từng chỗ WC/ nơi ăn ở… của người công nhân. Mỗi loại công trường/ lĩnh vực lao động khác nhau đều phải tuân thủ quy tắc an toàn và kỹ thuật tối thiểu, nhằm đảm bảo tôn trọng người lao động, tôn trọng môi trường làm việc, nếu không đáp ứng thì không được làm việc, kể cả bị phạt nặng. Khi đó, sẽ không còn câu chuyện tại sao lao động nặng nhọc lại khổ sở như vậy ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới