Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Những người thầy của tôi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những người thầy của tôi

Lê Hữu Huy (*)

Những người thầy của tôi
Lớp học của thầy đồ ở Việt Nam thời xưa. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh

(TBKTSG Online) - Một số kỷ niệm và cảm nghĩ của một người xa quê nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con ở khu lao động nghèo quận 4. Không biết câu thành ngữ vui “Ăn quận năm, nằm quận ba, hát ca quận một, trấn lột quận tư” có chính xác không nhưng quả thật, khu xóm mang tên Lò Bún phía sau nhà tôi là điểm hẹn của giang hồ, trộm cướp và tệ nạn xã hội.

Cái vũ khí giúp chín anh chị em chúng tôi không bị tiêm nhiễm bởi thói hư tật xấu như chửi thề, đánh nhau là những giá trị truyền thống gia đình mà trên hết là tính kỷ luật qua tấm gương của ba tôi, một nhà giáo nổi tiếng nguyên tắc, nghiêm khắc và đức độ.

Nhờ cái “mác” con giáo viên, tôi đi đâu cũng được thầy cô và bạn bè thương mến hay giúp đỡ. Và cũng vì “danh hiệu” con nhà giáo, tôi luôn cố gắng không làm điều gì sai trái để không gây tiếng xấu cho gia đình. 

Nghề giáo, trong tâm khảm thời ấu thơ của tôi là một hình ảnh cao quý và thiêng liêng và đã có lúc tôi mơ ước sẽ có ngày nối nghiệp cha... Nhưng chính ba tôi lại là người đã ngăn ước mơ nói trên khi tôi được có cơ hội tuyển thẳng vào Đại học Sư phạm nhờ đạt giải ba trong kỳ thi tiếng Pháp lớp 12 toàn quốc. Ông khuyên tôi không nên theo nghề giáo vì thu nhập giáo viên không đủ nuôi bản thân nói chi đến việc nuôi sống gia đình, mà  bằng chứng là cả gia đình chúng tôi đều phải “tự cứu lấy mình”.

Kể từ lúc lên lớp bốn, mặc dù là con trai út, tôi cũng đã trở thành một thành viên tích cực trong hoạt động kinh tế đa dạng của gia đình như bán kem hay bán mì, kinh doanh bán sỉ và lẻ nước ngọt, rượu bia. Có lẽ đó là hình ảnh đặc thù của nhiều gia đình Việt Nam trong thời bao cấp: cả nhà tôi là một doanh nghiệp đầy âm thanh và mùi vị với những đàn heo con chờ người đến mua, tiếng chim cút đẻ trứng, tiếng nước bập bõm trong hồ cá rô phi, tiếng chơi banh bàn, tiếng rao bán vé số, mùi tương cà mắm muối trong tiệm tạp hóa mở tại nhà...

Vâng lời cha, tôi nộp đơn thi vào Đại học Tổng hợp ngành Pháp văn và may mắn nằm trong số chín sinh viên trúng tuyển. Lời khuyên của ba tôi và ám ảnh về cái nghèo của gia đình giáo viên cùng những trải nghiệm thời sinh viên và sau khi tốt nghiệp đại học đã làm cho tôi có một cái nhìn khác hơn về nghề giáo.

***

Tôi đã được hưởng những tháng ngày đẹp nhất của thời sinh viên. Nhưng đất nước vào buổi giao thời không cho phép thầy cô tôi sống bằng thu nhập chính thức. Cú sốc đầu tiên mà tôi vẫn còn nhớ như in đó là lúc gặp thầy N. dạy môn văn phạm ở một cơ sở sản xuất nước giải khát bia lên men trên đường Pasteur gần Đại học Kiến trúc.

Thầy và trò ngỡ ngàng nhìn nhau vì cả hai cùng đến đó mua sỉ về bán lẻ. Sau đó, tôi còn biết thêm một vài thầy cô ở trường phải kiêm cả chuyện giữ xe của sinh viên hay làm những ngành nghề, mà theo quan niệm của tôi vào thời gian đó, nhà giáo không nên làm... Tuy nhiên, dù hình ảnh lý tưởng về nghề giáo không còn như xưa, tôi vẫn luôn biết ơn và kính trọng ơn các giáo sư, giảng viên đã dạy dỗ mình.

Sau khi tốt nghiệp, tôi phơi phới vào làm ngành ngân hàng và hiểu được rằng mọi thứ chỉ mới là bắt đầu. Tôi lao vào học nghiệp vụ ngân hàng, lấy thêm chứng chỉ về tài chính và kinh tế, học thêm tiếng Anh trong lúc tiếng Pháp đã đến lúc thoái trào.

Với suy nghĩ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tôi xem tất cả những ai đã hướng dẫn và truyền đạt kiến thức cho tôi là Thầy. Cho dù đó là bác lao công quét dọn trong cơ quan kể cho tôi nghe những câu chuyện về thực tế cuộc sống hay những anh chị các phòng ban chỉ bảo tôi về nghiệp vụ hay kinh nghiệm xử lý công việc. Tôi cũng cám ơn cả những người vô tình hay hữu ý khai thác sự nhiệt tình và năng nổ của một sinh viên vừa tốt nghiệp và sai tôi làm nhiều việc có lúc không liên quan đến công việc chính thức.

Sang Singapore, tôi lại may mắn có thêm những ông bạn già giúp tôi tự học tiếng Hoa, chia sẻ với tôi kinh nghiệm sinh sống, lập nghiệp và làm ăn của người Hoa. Rồi học thạc sĩ, những người thầy của tôi là giảng viên hay giáo sư đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Tôi cảm nhận ở họ sự khiêm tốn và luôn đón nhận cái mới.

Sau một thời gian học tập, làm việc và sinh sống tại Singapore, tôi nghiệm ra rằng cái đảo quốc bé nhỏ này phát triển thịnh vượng có lẽ nhờ quan niệm thầy-trò của họ không giống như nhiều nước châu Á khác. Trong một phát biểu chia sẻ về kinh nghiệm phát triển của Singapore, ông Ngiam Tong Dow, một cựu viên chức cao cấp đã từng lãnh đạo nhiều bộ ngành chủ chốt của chính phủ Singapore cho rằng một xã hội học hỏi (learning society) là nơi mà tất cả là mọi người nên là Thầy - Trò của nhau. Nếu người này biết lĩnh vực này nhiều hơn người khác, thì người đó là Thầy.

Có lẽ trong bối cảnh và môi trường như vậy mà tôi có vinh dự làm “thầy” của nhiều người Singapore, trong đó có cả giáo sư đại học, tiến sĩ và thậm chí chủ tịch, tổng giám đốc của nhiều tập đoàn lớn. Cái mà họ quan tâm không phải là chuyện tôi có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ mà chính là kinh nghiệm nghề nghiệp và cuộc sống cùng với văn hóa và ngôn ngữ Việt. Dĩ nhiên, trong cuộc chơi Thầy – Trò này, tôi phải thể hiện được bản sắc và nhân cách của một người Việt, gầy dựng được lòng tin trên cơ sở hợp tác lâu dài.

***

Dù sao đi nữa, giấc mơ nhà giáo của tôi rồi cũng trở thành hiện thực khi tôi làm trở thành giáo viên dạy văn bán thời gian cho một trường trung học quốc tế có gần 40% học sinh từ Việt Nam sang.

Dù không quá câu nệ hình thức nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy “sướng” vì được học sinh Việt Nam gọi bằng “Thầy” chứ không phải  là “teacher” hay “laoshi” trong tiếng Anh hay tiếng Hoa.

Tôi thật sự có niềm vinh hạnh khi gặp các em trong bộ đồng phục tinh khôi và khoanh tay cúi đầu chào và như được sống lại những giây phút của thời học sinh cách đây hơn 20 năm.

Ngoài chuyện dạy các tác phẩm văn học theo yêu cầu của chương trình tú tài quốc tế (IB), tôi tranh thủ chia sẻ với các em về kinh nghiệm sinh sống và làm việc tại Singapore và khuyến khích các em phát biểu, thậm chí phê bình và góp ý cách dạy của tôi.

Thời buổi kỹ thuật số và phương tiện nghe nhìn làm cho chuyện giảng dạy của tôi dễ dàng hơn. Tôi cố gắng dùng hình ảnh cũng những thông tin mới nhất trên mạng Internet để giải đáp những thắc mắc của các em và cũng đề nghị các em không nên xem những ý kiến của tôi là hoàn toàn đúng mà luôn luôn đặt câu hỏi.

Nhưng rồi, theo cách nói của người Mỹ, không có bữa ăn trưa nào miễn phí, một hôm tôi phải trả giá cho việc thể hiện phong cách giảng dạy mới. Trong một tiết học có liên quan đến cách làm một bài luận và biện pháp tu từ, khi tôi còn đang cố gắng giải thích một thuật ngữ và từ tương đương Việt – Anh, N., một học sinh nữ nói thẳng với tôi là tại sao cái gì thầy cũng thích lên mạng “Google”, tại sao thầy là “thầy” mà sao thầy lại không biết.

Tôi hơi ngớ người ra một chút nhưng cũng trả lời rằng Internet là một trong những công cụ tốt nhất cho việc giảng dạy và học tập thời nay. Tuy nhiên, N. cứ khăng khăng: “Thầy là thầy mà! Thầy phải biết chứ!” Tôi đỏ mặt nhưng cũng bình tĩnh và thú thật rằng tôi chỉ là một giáo viên dạy văn tay ngang chứ cũng không qua trường lớp sư phạm gì cả.

Tuy nhiên, tôi cũng nói một cách chân tình với N. và tất cả các học sinh có mặt trong tiết học hôm đấy rằng: “Nếu các em cảm thấy rằng thầy đã dạy sai hay không truyền đạt đầy đủ kiến thức thì thầy thành thật xin lỗi. Theo tôn ti trật tự trong xã hội và văn hóa giao tiếp của người Á đông, các em phải gọi thầy là “thầy”. Nhưng kể từ giờ trở đi, thầy xin hứa sẽ luôn cố gắng để trau dồi kiến thức văn học để được xứng đáng được các em gọi bằng “thầy”.

Nói là làm, kể từ hôm đó, trong nỗi đau của một người thầy bị học trò phê bình, tôi đã xem lại tất cả cách bài giảng của mình để có điều chỉnh thích hợp. N. cùng nhiều bạn khác trong lớp đã đạt điểm cao nhất trong kỳ thi IB môn tiếng Việt. Điểm 7 là cao nhất và tất cả các em học sinh Việt Nam học văn với tôi trong suốt hơn 3 năm qua cho đến nay chưa có em nào “bị” dưới 6.

Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi và tôi cũng không quan tâm lắm chuyện các em có nhớ đến cái mà người ta hay gọi là “công ơn” dạy dỗ của thầy hay không. Nhưng quả thật, tôi thật sự biết ơn các em học sinh vì các em đã biết lắng nghe và đặt câu hỏi thách thức thầy trong bài giảng. Nếu không có những câu hỏi và thách thức đó, có lẽ tôi chỉ là một con vẹt nhai đi nhai lại những ý tưởng của của người khác và chỉ là một người thầy trên danh nghĩa. Nhờ các em, tôi đã học hỏi được những cái nhìn mới, những cách tiếp cận mới giúp tôi ứng dụng trong thực tiễn kinh doanh nghề tư vấn.

***

Nếu có dịp nào lang thang trên mạng, bạn sẽ bắt gặp một câu chuyện về một cậu bé người Do Thái mỗi lần đi học về thì được mẹ hỏi: “Hôm nay, con trai của mẹ đã HỎI thầy được bao nhiêu câu hỏi rồi?”. Ngược lại, người mẹ Trung Hoa sẽ hỏi: “Hôm nay, con trai của mẹ đã HỌC thầy được những gì rồi”.

Theo một số nhà phân tích, hai câu hỏi này thể hiện hai nền văn hóa khác nhau. Trong Kinh thánh, Moses và các nhà tiên tri khác đều lập luận hãy tranh cãi với Thượng Đế. Trong khi đó, thí sinh trong các kỳ thi Trạng nguyên của Trung Hoa thì phải học thuộc lòng và trích dẫn lời dạy của Khổng tử như chân lý có sẵn.

Tôi không rõ các bậc cha mẹ thời nay muốn đặt câu hỏi theo cách nào,  Do Thái  hay Trung Hoa nhưng đối với tôi, sẽ là điều đáng sợ nếu học sinh của tôi chỉ muốn học với tôi chỉ vì có cơ hội đạt điểm cao. Tương lai của các em cũng như của đất nước chúng ta có sáng sủa hơn chắc chắn không phải là nhờ điểm cao trong các kỳ thi hay bằng cấp của trường này trường nọ.

Người Việt của chúng ta có cụm từ rất hay đó là HỌC-HỎI. Ngoài chuyện đến trường hay một cơ sở đào tạo nào đó để tiếp thu kiến thức mới, nhiều người trong chúng ta quên một vế thứ hai rất quan trọng đó là đặt dấu chấm hỏi cho những gì mình đã học. Và để cho cuộc sống của bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội này tốt hơn, có thể chúng ta nên cố gắng bỏ bớt đi cái mệnh đề giải thích: “Tại vì” mà thay vào đó là câu hỏi “Tại sao?” hay “Tại sao không?”.

___________________________________________________

(*) Giám đốc Công ty Tư vấn Vietnam Global Network, Singapore

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới