Thứ bảy, 11/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Những nồi bánh chưng tha hương trên đất Pháp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những nồi bánh chưng tha hương trên đất Pháp

Nguyên Kan

(TBKTSG Online) - Tết đã đến, trên các trang mạng xã hội tràn ngập hình ảnh không khí đón Tết của đồng bào Việt trong và ngoài nước. Năm đầu tiên xa quê hương đi học tại Pháp, ngày Tết, tôi vùi mặt trong chăn, khóa mình trong phòng khóc một ngày cho thỏa nỗi nhớ nhà.

Tết vui vậy mà tụi nhỏ than "có tới 10 điều chán", là sao?

Ngày Tết, hãy nhốt hết “dế” lại!

Những nồi bánh chưng tha hương trên đất Pháp
Không khí gói bánh chưng đón Tết của một gia đình người Việt tại một thành phố phía Bắc nước Pháp.

Những năm sau cũng dần quen đi, ngày Tết cũng là một dịp để mấy đứa sinh viên tụ tập ăn uống và làm các món ăn truyền thống quê nhà mà lúc bình thường không có thời gian để làm hoặc nhiều đứa... không biết làm.

Sau này khi đã lập gia đình, có con cái, cuộc sống ổn định hơn, ngày Tết của người con xa xứ như chúng tôi không còn "tạm bợ" như thế nữa. Khi có con, chúng tôi bỗng ý thức mạnh mẽ hơn về ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền. Đó không chỉ đơn giản là ngày lễ tiễn năm cũ đón năm mới, mà còn là một dịp nhắc nhở những người con xa quê nhớ về cội nguồn, cũng là một dịp để chúng tôi dạy con cái về truyền thống, cội nguồn quê hương.

Khác với ở nhà, dịp Tết âm chúng tôi vẫn phải đi làm, đi học bình thường. Nếu muốn cùng con cái "về quê ăn Tết", thường phải đợi tới những năm nhuận, khi Tết âm rơi vào tháng 2 trùng với kỳ nghỉ đông của các con.

Dẫu vậy, đã Tết thì không thể thiếu bánh chưng, bánh tét, thiếu mâm ngũ quả hay các món ăn truyền thống khác. Những sản vật này thường được bày bán ở các siêu thị châu Á, tuy nhiên không thể ngon như mình tự làm, chỉ dành cho những ai quá bận bịu mà thôi.

Hơn nữa, đối với hầu hết chúng tôi, tự tay gói bánh chưng, làm giò thủ, muối dưa hành, làm mứt không phải vì nhu cầu ăn uống, mà bởi những việc này thực sự gợi nhớ tới quê nhà. Món ăn đôi khi cũng chính là hồn cốt dân tộc.

Mùi thơm của bánh chưng luộc trên bếp thực sự là mùi Tết thương nhớ của quê hương. Luộc xong mấy chiếc bánh chưng, làm xong chiếc giò, muối xong lọ dưa là thấy mình gần với quê hương thêm một chút, thấy nỗi nhớ nhà cũng phần nào vơi đi.

Ở các tỉnh lẻ như nơi chúng tôi đang sinh sống (một thành phố nhỏ cách Paris khoảng 3 tiếng tàu nhanh), muốn gói chiếc bánh chưng cũng cần đặt lá dong với chủ cửa hàng châu Á từ trước. Có nơi không có lá dong thì phải thay bằng lá chuối, hoặc thậm chí là gói bằng giấy bạc bọc thực phẩm.

Tại thủ đô hay các thành phố lớn châu Âu thì chuyện sắm Tết dễ dàng hơn muốn gì có nấy, dịp Tết có nơi còn tổ chức cả hội chợ. Các vật phẩm nếu không mua được ở cửa hàng châu Á thì cũng có thể mua bằng đường... xách tay. Cho nên nhà nào chơi sang dịp này sẽ có cả hoa đào đúng chuẩn Nhật Tân.

Đối với những người xa quê du học rồi ở lại làm việc như chúng tôi, hầu hết đều không có gia đình hay họ hàng ở bên này, vì thế ngày Tết sẽ không có tiết mục đi lòng vòng chúc nhà nọ nhà kia. Ở đây, bạn bè cũng chính là gia đình. Tuy rằng không đến nhà nhau chúc Tết nhưng dịp cuối tuần trước Tết, các gia đình tụ họp để cùng nhau gói bánh chưng. Nhà nào có vườn, có củi, còn có thể dựng bếp luộc bánh chưng ngay trong vườn y như thời ở nhà với bố mẹ.

Ở các thành phố bên Pháp hầu như nơi nào cũng có Hội sinh viên Việt Nam, Hội người Việt Nam hoặc các hội hữu nghị kết nghĩa giữa các thành phố với Việt Nam. Dịp Tết cũng là dịp để mọi người trong hội họp mặt, thưởng thức các món ăn truyền thống, biểu diễn văn nghệ và có thể tổ chức cho các cháu nhỏ chơi trò chơi dân tộc.

Ở Paris thậm chí còn có cả múa lân, múa rồng và nhiều hoạt động đón xuân hấp dẫn khác. Đây không chỉ là dịp để ôn lại truyền thống, mà còn là cơ hội để quảng bá văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế. Những người con Việt Nam xa quê như chúng tôi, dù bất cứ ở đâu, dù có cơ hội nào, cũng cố gắng nói với bạn bè nước ngoài rằng dịp Tết âm không phải là Tết riêng của người Trung Quốc (nhiều nơi vẫn chúc là Happy Chinese New Year) mà là ngày đón năm mới của nhiều quốc gia châu Á khác.

Niềm vui ngày Tết của chúng tôi cũng giản dị thôi, gọi video về nhà chúc Tết ông bà cha mẹ, xúng xính áo dài chụp ảnh, chia sẻ với nhau các món ăn hồn cốt dân tộc. Và vui nhất vẫn là khi chúng tôi soạn sửa lá dong, nếp, thịt, đậu xanh chuẩn bị gói bánh, thì con cái reo lên: "Có phải sắp đến Tết rồi không mẹ? Mẹ gói bánh Tết phải không?".

Chiếc bánh chưng xanh, dù từng là nỗi khiếp sợ bởi sự vất vả ngày Tết khi tôi còn bé, giờ lại chính là sợi dây gắn kết tâm hồn tôi với quê nhà.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới