Những phần mềm diệt virus tốt nhất năm 2012
Trấn Châu Tâm
(TBKTSG Online) - Cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, các loại virus máy tính, phần mềm độc hại (malware) và phần mềm gián điệp (trojan) cũng có xu hướng phát triển nhanh và nguy hiểm hơn. Vì vậy, người dùng phải quan tâm và tìm những cách bảo vệ tốt nhất cho hệ thống máy tính và thông tin của mình trước các cuộc tấn công qua mạng. Dưới đây là các phần mềm diệt virus được tạp chí công nghệ PCMag bình chọn dựa trên các tiêu chí về tính năng và giá cả.
Để kiểm tra các phần mềm chống virus, bạn cần thử nghiệm chúng trên môi trường thực. Nghĩa là sử dụng một máy ảo, cho lây nhiễm virus và các phần mềm độc hại vào đó để khảo sát khả năng phát hiện và làm sạch của các phần mềm diệt virus.
Bảng kết quả thử nghiệm khả năng gỡ bỏ mã phần mềm độc hại |
Bảng kết quả thử nghiệm khả năng chặn phần mềm độc hại |
Tổng hợp các kết quả thử nghiệm của các phòng thí nghiệm độc lập |
Phần mềm làm sạch virus
Ba trong số những phần mềm chống virus hay gần đây được thiết kế theo hướng diệt virus và phần mềm độc hại mà không có chức năng real-time protection (chức năng này giúp máy tính phát hiện và ngăn chặn virus trước khi nó xâm nhập và phá hoại máy tính).
Anti-Malware Free 1.51 của Malwarebytes (miễn phí, được đánh giá 4 sao) là sản phẩm diệt phần mềm độc hại hiệu quả nhất. Tuy khả năng phát hiện virus không cao nhưng bù lại hiệu quả loại bỏ virus của nó đạt tới 6,4 điểm (cao nhất trong những sản phẩm của năm 2012 tính đến thời điểm này).
Phiên bản Pro của phần mềm này có giá 24,95 đô la Mỹ với đánh giá 3 sao, có chức năng real-time protection nhưng lại ít hiệu quả hơn các sản phẩm cùng nhóm.
Một phần mềm miễn phí khác là Malware Cleaner 2.1 của Norman được đánh giá thấp hơn (3,5 sao) bởi khả năng loại bỏ rootkit - phần mềm do kẻ xâm nhập đưa vào máy tính nhằm mục đích cho phép mình quay lại xâm nhập máy tính đó và dùng nó cho các mục đích xấu mà không bị phát hiện - không cao.
Không miễn phí như hai sản phẩm trên nhưng Rescue Disc của Avast có mức giá bán khá phù hợp (10 đô la Mỹ, đạt 3,5 sao). Phần mềm này loại bỏ hầu hết các rootkit và mã độc phá hoại trong Windows.
Phần mềm miễn phí
Ngoài hai phần mềm miễn phí của Malwarebytes và Norman chủ yếu tập trung vào việc làm sạch virus thì còn có một vài sản phẩm miễn phí khác tích hợp cả hai tính năng dọn dẹp và bảo vệ hệ thống theo thời gian thực (real-time protection).
Phiên bản miễn phí Cloud Anti-Virus 1.5 của Panda (3,5 sao) sử dụng công nghệ điện toán đám mây để phát hiện phần mềm độc hại, tuy có tỷ lệ phát hiện và gỡ bỏ virus cao nhất nhưng lại có số điểm thấp trong việc xử lý chúng.
Trong khi đó, Anti-Virus 2012 (4 sao) của AVG được đánh giá cao trong việc ngăn chặn và dọn dẹp các phần mềm độc hại.
Phần mềm theo chức năng
Anti-Virus 2012 của AVG được đánh giá cao trong việc ngăn chặn và dọn dẹp các phần mềm độc hại |
Điểm chung của các sản phẩm diệt virus này là “được cái này, mất cái kia” với các tính năng mạnh yếu theo từng phần mềm.
Antivirus Pro 7.5 (giá 29,95 đô la Mỹ/3 máy, đạt 3 sao) của Outpost mạnh về kiểm tra ngăn chặn phần mềm độc hại nhưng lại kém trong việc loại bỏ chúng. Trong khi một phần mềm khác có tính phí của Panda là Antivirus Pro 2012 (49,99 đô la Mỹ/3 máy, đạt 3 sao) lại có khả năng làm sạch phần mềm độc hại tốt hơn.
Antivirus 2012 (29,95 đô la Mỹ, đạt 3 sao) của G Data có chỉ số phát hiện virus cao nhất và ngăn chặn virus cao thứ nhì trong quá trình kiểm tra nhưng khả năng loại bỏ chúng chỉ ở mức trung bình.
Trái lại, Nod 32 Antivirus 5 (39,99 đô la Mỹ, 3 sao) của Eset lại làm tốt công việc dọn dẹp các phần mềm độc hại nhưng không hiệu quả trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của phần mềm độc hại mới, đặc biệt là rootkit.
Trong cùng một so sánh như vậy, Antivirus 12 của BullGuard là một trong những phần mềm kém nhất trong việc gỡ bỏ phần mềm độc hại nhưng khả năng ngăn chặn của nó chỉ xếp sau G Data. Antivirus Plus 2012 của McAfee nhận được số điểm cao hơn BullGuard nhờ tính năng gỡ bỏ các phần mềm độc hại nhưng khả năng ngăn chặn lại chỉ ở mức trung bình.
Antivirus 2012 (39,95 đô la Mỹ, đạt 3,5 sao) của TrustPort đạt số điểm tốt trong bài kiểm tra về khả năng phát hiện, ngăn chặn và gỡ bỏ phần mềm độc hại nhưng gặp rắc rối trong việc phân biệt phần mềm hữu ích và phần mềm độc hại.
Phần mềm Anti virus 2012 của Kaspersky cũng được đánh giá cao nhưng khó sử dụng. |
Còn Titanium Antivirus+ 2012 (39,95 đô la Mỹ, đạt 2,5 sao) của Trend Micro lại phát hiện được hầu hết các mối nguy hiểm nhưng chưa thể ngăn chặn được chúng. Anti-Virus 2012 (59,95 đô la Mỹ/3 máy, đạt 3,5 sao) của Kaspersky được đánh giá cao nhưng để đạt hiệu quả cao đó thì cần phải có sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia của hãng.
Phần mềm diệt virus và ...hơn thế nữa
ZoneAlarm đã thêm vào phần mềm Antivirus + Firewall 2012 của mình nhiều tính năng mạnh mẽ, như xử lý tốt những phần mềm độc hại mà nó phát hiện, giám sát các hoạt động giao dịch tín dụng, tích hợp tường lửa, công cụ chống lừa đảo và sao lưu. Phần mềm này có giá 59,95 đô la Mỹ/ 3 máy và được đánh giá 3 sao.
Antivirus Plus 2012 (39,95 đô la Mỹ/3 máy, 4 sao) của Bitdefender đạt điểm số tốt với các tính năng mới như, chống trộm và bảo vệ dữ liệu, bảo vệ tài khoản Facebook, chống giả mạo, chức năng AutoPilot (chương trình tự đưa ra quyết định an toàn thay bạn), Social Network Protection (lọc những đường link mà bạn nhận được từ bạn bè thông qua Facebook hoặc Twitter).
Antivirus Plus 2012 của Bitdefender có nhiều tính năng mới và thiết thực với người sử dụng. |
Ngoài ra, trong những tình huống khẩn cấp, khi máy phát hiện ra các phần mềm độc hại đang chạy ngầm trong hệ thống, chức năng Rescue Mode sẽ yêu cầu khởi động lại máy tính để xử lý, làm sạch và phục hồi lại các tập tin lây nhiễm trong môi trường an toàn nhất.
Một gương mặt mới trong thị trường phần mềm diệt virus là SecureAnywhere Antivirus 2012 (39,95 đô la Mỹ, 4,5 sao) của Webroot. Sản phẩm này được đánh giá cao bởi khả năng ngăn chặn và diệt virus chỉ sau Norton.
Ngoài ra, nó có thể tối ưu dung lượng bộ nhớ giúp máy tính hoạt động nhẹ nhàng và không làm ảnh hưởng đến các chương trình khác.