Những sức ép ẩn mình
Hải Lý
(TBKTSG) – Tốc độ tăng trưởng tín dụng đô la Mỹ vẫn đang vượt tăng trưởng tín dụng tiền đồng, huy động ngoại tệ vẫn đang vượt huy động nội tệ – xu hướng vẽ nên nét tổng thể đó của bức tranh tiền tệ không có gì thay đổi từ năm ngoái dù chính sách thắt chặt nhằm chống lạm phát đã và đang được thực thi.
Tiền đồng doanh nghiệp rút ra cao hơn tăng trưởng tín dụng
Theo công bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 23-5-2011 tín dụng tăng trưởng 6,2% so với cuối năm ngoái, tương đương số tuyệt đối 135.800 tỉ đồng. Tăng trưởng huy động vốn cùng thời gian trên là 1,48%. Trong huy động tiền đồng, tiền gửi của dân cư tăng 107.300 tỉ đồng, không bù đắp nổi tiền gửi của tổ chức kinh tế giảm 156.700 tỉ đồng.
Đáng chú ý là tiền gửi của doanh nghiệp giảm mạnh hơn tăng trưởng tín dụng tới 20.900 tỉ đồng, một hiện tượng rất hiếm khi xảy ra suốt những năm qua. Ngân hàng là trung gian, là cầu nối giữa người có tiền nhàn rỗi và người cần tiền để tiêu dùng, kinh doanh. Bản chất của hoạt động tín dụng cũng nằm ở điểm này. Nay doanh nghiệp rút tiền ra có thể hiểu là do lãi suất vay quá cao, họ phải tìm những nguồn vay khác và tận dụng những nguồn sẵn có. Tiền gửi ngân hàng của tổ chức kinh tế là một trong những nguồn sẵn có đó.
Thực tế có đúng như vậy? Vẫn còn những phỏng đoán khác. Không loại trừ khả năng tiền đồng đã được pháp nhân rút ra và gửi lại cho ngân hàng nhằm hưởng lãi suất cao dưới tên thể nhân. Cá nhân mặc cả lãi suất tiền gửi với ngân hàng dễ hơn doanh nghiệp. Sự phỏng đoán này không phải không có cơ sở nếu nhìn vào tín dụng ngoại tệ dưới đây.
Được ưa chuộng vẫn là ngoại tệ
Khi tỷ giá ổn định và đô la Mỹ đã mất giá khoảng 1,4% trong tháng qua so với tiền đồng, một bộ phận người dân đã bán ngoại tệ lấy tiền đồng. Nói một cách khác, một phần tiết kiệm ngoại tệ đã dịch chuyển sang tiết kiệm nội tệ, nhưng không phải tất cả.
Thứ nhất tăng trưởng huy động vốn bằng ngoại tệ năm tháng đầu năm lên tới 18,84% trong khi tăng trưởng huy động tiền đồng âm 2,75%. Nghĩa là tăng trưởng huy động vốn chung dương là nhờ hoàn toàn vào tiền gửi ngoại tệ. Ở đây doanh nghiệp gửi ngoại tệ nhiều hơn hẳn người dân vì tiền gửi ngoại tệ của dân cư chỉ tăng 8,63%, thấp hơn nhiều mức tăng chung 18,84% kia. Điểm nhấn thứ hai là tăng trưởng dư nợ ngoại tệ tới 18,9% so với cuối năm ngoái.
Như vậy tiền gửi ngoại tệ vẫn tăng nhiều hơn tiền gửi đồng Việt Nam. Không phải tất cả những người sở hữu ngoại tệ đều bán nó đi, không ít người vẫn nắm giữ nó, chứng tỏ lòng tin vào đồng nội tệ đã được khôi phục song còn ở mức thấp.
Điểm nhấn thứ hai nói trên cho thấy doanh nghiệp đang chuộng vay ngoại tệ (người dân không được vay đô la Mỹ, do đó tăng trưởng tín dụng ngoại tệ hoàn toàn là của doanh nghiệp) bởi lãi suất ngoại tệ thấp và tỷ giá ổn định. Khúc mắc còn lại là vì sao doanh nghiệp gửi nhiều ngoại tệ, chính xác hơn là giữ nhiều đô la Mỹ trên tài khoản? Lãi suất tiền gửi đô la Mỹ của doanh nghiệp chỉ có 1%/năm, còn tiền đồng là 14%/năm, chênh lệch 13%/năm, mà vẫn giữ ngoại tệ? Khả năng lớn nhất là số ngoại tệ này đã được hoạch định để thanh toán nhập khẩu, để trả nợ vay ngoại tệ chuẩn bị đáo hạn. Cho dù lý do là gì, ẩn số của nó đang là dấu hỏi về cách ứng xử đối với đô la Mỹ trong ngắn hạn và góc nhìn về giá trị đồng nội tệ trong dài hạn.
Những sức ép ẩn mình
Các doanh nghiệp được vay ngoại tệ, khi vay phải bán ngoại tệ cho ngân hàng lấy tiền đồng. Thành ra vay ngoại tệ, nhưng lại tạo sức ép lên tiền đồng, đồng thời tạo cung đô la Mỹ tạm thời, làm tỷ giá ổn định ở chiều đồng Việt Nam lên giá so với đô la Mỹ.
Mặt khác do lãi suất cao, NHNN hút tiền đồng về nhiều hơn bơm ra, đang tạo nên sự khan hiếm thanh khoản tiền đồng và thiếu vốn thực sự trong nền kinh tế, đẩy giá thành vốn tăng lên. Động thái này đã buộc một số ngân hàng phải bán ngoại tệ lấy tiền đồng quay vòng. Họ không chỉ bán ngoại tệ, làm trạng thái ngoại hối của bản thân âm, mà nhiều lúc còn bán cả ngoại tệ huy động được. Điều này giải thích vì sao tiền đồng liên tục lên giá so với đô la Mỹ suốt những tuần vừa qua.
Tuy nhiên, sẽ đến thời điểm những khoản vay ngoại tệ đáo hạn. Trạng thái ngoại hối âm của một số ngân hàng không thể duy trì mãi, nó phải trở về điểm cân bằng là dương. Việc bán ngoại tệ huy động lấy tiền đồng cũng phải đổi lại bằng việc mua ngoại tệ lại để trả cho người gửi đô la Mỹ.
Tỷ giá sẽ thế nào nếu cả ba hành vi trên xảy ra cùng lúc? NHNN phải có nguồn dự trữ ngoại hối để can thiệp. Song điều chúng ta thấy là ngoại tệ đang được NHNN mua ở mức độ cầm chừng và quy mô của quỹ dự trữ ngoại hối vẫn là bí mật quốc gia. Người Việt Nam dễ dàng biết được dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore… thậm chí biết được cả tháng trước, tháng này dự trữ ngoại hối của Trung Quốc có thêm bao nhiêu tấn vàng, nhưng của nước mình thì không biết!