Thứ Tư, 14/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Những tấm ảnh mang theo mình

Trần Duy Thành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tôi gọi một người đồng nghiệp là dì, vì cô ấy đáng tuổi cha mẹ và cổ có con cái tầm tuổi tôi. Trong lần trò chuyện hỏi han về gia đình, dì đã cao hứng lấy ra từ trong túi xách hai tấm hình chụp con trai, con gái dì trong lễ tốt nghiệp đại học. Nét mặt của dì tự hào.

Có lẽ đó mãi là khoảnh khắc đáng nhớ và xúc động trong hành trình nuôi dạy con cái vì đó là cột mốc vừa đủ khôn lớn trưởng thành, vừa đủ khiến cha mẹ yên tâm, từ đó chúng có bước đệm để nên người nên nghiệp. Rồi dì nói như thanh minh mang theo tấm ảnh đó không phải để khoe đâu mà để nếu thấy ai có tính tình thấy ưng, dì sẽ mang ảnh hai con ra giới thiệu, mai mối, có tấm ảnh nhìn cho trực quan hơn.

Tôi cũng mang theo bên mình một tấm hình, cất gọn trong ngăn ví, chỉ muốn nhắc nhở về dáng hình, chân dung cuộc sống của cha mẹ. Tôi nhớ tấm hình đó được chụp trong chuyến nghỉ dưỡng đầu tiên trong đời cha mẹ, sau khi con cái chúng tôi đã mời mọc hết lời để được tài trợ cho “hai nhà tài trợ” vĩ đại nhất cuộc đời. Nhìn thấy những thời khắc thảnh thơi hiếm hoi của cha mẹ mà tôi nghe lòng mình rưng rưng, thầm cảm tạ vì cha mẹ vẫn còn ở bên đời, để tôi được thể hiện chút quan tâm ân cần. Thời khắc ấy, tôi tự nhủ, cuộc đời này có bao lần hay bao dịp để đền đáp công ơn cha mẹ, thì cũng chẳng thấy thấm vào đâu.

Nếu nhìn lại chặng đường đời đồng hành của một gia đình, tôi nghĩ cách đơn cử nhất là lật giở cuốn album ảnh gia đình – dù ít dù nhiều, tôi tin mỗi gia đình đều muốn gìn giữ chúng. Dù bao vật đổi sao dời. Bỏ gì thì bỏ, chứ những gì liên hệ tới gia đình thì chẳng thể nào mà làm thế.

Từng trang hình trong album kỷ niệm là từng dấu mốc, hồi ức được lưu giữ. Duy có một tấm khiến tôi xúc động nhiều nhất mỗi khi xem lại: tấm hình (đen trắng) chụp cha mẹ tôi, nhân ngày cưới. Họ kết hôn với nhau giản đơn, đến tấm áo trắng đơn sơ cha mặc trong ngày cưới cũng là áo mượn, chỉ để tiết kiệm phần nào chi phí, có lẽ không ai có thể phân biệt nổi là của mình hay của mượn.

Tổ chức đám cưới hôm trước thì hôm sau cha mẹ đã bắt đầu gầy dựng cuộc sống gia đình, bươn chải với cuộc đời xã hội, rồi nuôi dạy con cái, cứ thế cho tới khi con lớn khôn, họ cũng chẳng dám ngơi tay hay tự thưởng cho bản thân điều gì đáng kể… cho đến những thời khắc nghỉ ngơi hiếm hoi trong đời mà tôi chụp lại, in ra và mang theo bên mình, như một điều nhắc nhở – chỉ cần ta kiên trì nỗ lực cuộc đời sẽ đền đáp.

Có khi khách mới đến chơi hay hỏi “Nhà bác được mấy trai mấy gái?” thì phụ huynh sẽ chỉ lên tấm hình gia đình, giới thiệu những thông tin cơ bản. Nếu có thể tự hào về nề nếp gia đình thì tôi tin ngôi nhà đó sẽ gìn giữ những khung hình, còn không, thì không nên hỏi han. Mỗi dịp đoàn viên cũng là dịp xoay tròn bên những câu chuyện, bên những khung hình bởi mỗi bức hình đều gợi lại muôn phần từng trải của năm tháng. “Trình” hiểu hình hiểu cảnh cũng dần tăng theo. Khi ta cảm nhận những khiêm khó đã qua, những nỗi niềm đã lắng, vui buồn được mất cũng ở lại và làm nên… chúng ta của ngày hôm nay.

Thời buổi kỹ thuật số, tưởng chắc không còn nhiều người có sở thích in hình, rửa ảnh nhưng không hoàn toàn như vậy bởi vẫn có những nơi nhận làm bộ ảnh treo tường từ các ảnh chụp được, lồng khung theo mẫu, treo như tranh tường. Người muốn đặt làm bộ tranh ảnh gia đình thời ảnh số chỉ cần chọn ảnh muốn in, tải lên app, chọn số khung ảnh, kiểu treo và nhấn nút đặt. Trong vài ngày, bộ album ảnh sẽ được giao đến tận nhà cùng với hướng dẫn treo.

Mỗi khoảnh khắc trôi qua trong đời người vốn dĩ không thể lấy lại toàn vẹn nhưng cảm xúc khi xem lại một tấm ảnh vẫn chờ ta ở đó, chúng có trọn vẹn hay không là tùy ở cảm nhận trong tâm trí của mỗi người. May mắn thì còn giữ lại chút gì đó trong những ảnh hình ta lưu – đó sẽ là những dấu yêu, nguồn động lực có sức vươn sâu lạ kỳ trong lòng người mà ta có thể mang theo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới