(KTSG Online) – Cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra cách đây một năm đã thổi bùng cơn lạm phát toàn cầu, vực dậy sức mạnh của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu, làm thay đổi học thuyết quân sự và hồi sinh sức ảnh hưởng của Mỹ ở nước ngoài.
- Xung đột Nga-Ukraine gây ra khủng hoảng lượng thực nghiêm trọng nhất từ năm 2008
- Đòn trừng phạt Nga của phương Tây nắn lại dòng chảy dầu thô toàn cầu
Chiến sự ở Ukraine đã dẫn đến một loạt tác động sâu sắc đối với năng lượng, kinh tế, địa chính trị và vai trò lãnh đạo của Mỹ trên toàn cầu. Ước tính khoảng 300.000 người đã thiệt mạng hoặc bị thương trong cuộc chiến này. Hàng triệu người khác đã rời bỏ nhà cửa của họ. Cuộc chiến cũng củng cố sự đoàn kết của phương Tây, định hình lại thương mại năng lượng toàn cầu và phơi bày những giới hạn về năng lực sản xuất quân sự của Mỹ.
Hồi sinh liên minh phương Tây
Năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố NATO đã “chết não” và Tổng thống Mỹ lúc đó, Donald Trump đe dọa rút Mỹ khỏi tổ chức này. Hầu hết các quốc gia thành viên NATO đã phớt lờ các cam kết tăng cường chi tiêu và xây dựng lại quân đội, ngay cả sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thổi luồng sinh khí mới cho liên minh quân sự này. Các thành viên NATO cam kết và bắt đầu chi tiêu quân sự trị giá hàng tỉ đô la Mỹ. Các hoạt động của NATO dọc theo rìa phía đông sát Nga của tổ chức này đã tăng lên đáng kể. Những kế hoạch cho các lực lượng sẵn sàng hành động của NATO cũng tăng gấp 10 lần.
Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia không liên kết quân sự lớn nhất của Tây Âu đã nộp đơn đăng ký làm thành viên của NATO. Ukraine, Moldova và Georgia cũng có ý định tham gia NATO.
Thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ
Ukraine đã sử dụng đạn dược mà các nước NATO cung cấp nhanh hơn dự kiến. Điều này làm lộ rõ sự thiếu chuẩn bị của quân đội Mỹ trong việc mua sắm đạn dược, kho dự trữ thiết bị quân sự và chuỗi cung ứng vũ khí.
Việc tăng gấp đôi số lượng tên lửa chống tăng Javelin hoặc hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) sẽ mất hai năm và rất tốn kém. Lầu Năm Góc đã duyệt chi khoảng 3,4 tỉ đô la trong các hợp đồng mới để bổ sung các vũ khí cho kho dự trữ ở trong nước và các đồng minh.
Lục quân Mỹ đã yêu cầu quốc hội cấp 500 triệu đô la mỗi năm để nâng cấp các nhà máy sản xuất đạn dược. Nhà Trắng, các nhà lập pháp và Lầu Năm Góc hiện tập trung vào các nỗ lực củng cố kho dự trữ vũ khí và đạn dược của Mỹ và các đồng minh để ứng phó các cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai.
Mỹ khôi phục ảnh hưởng ở nước ngoài
Mỹ đang trở lại vai trò lãnh đạo toàn cầu, làm lắng dịu những hoài nghi về cam kết của cường quốc này đối với an ninh phương Tây. Mỹ đóng vai trò trung tâm tập hợp các đồng minh châu Âu ủng hộ các biện pháp trừng phạt, kiểm soát xuất khẩu, hạn chế tiền tệ và can thiệp vào thị trường năng lượng để cô lập nền kinh tế Nga. Mỹ đã viện trợ cho Kyiv hàng tỉ đô la để mua vũ khí, cao hơn so với Đức, nước viện trợ quân sự lớn thứ hai của Ukraine.
Một số đảng viên Cộng hòa nghi ngờ về tính hiệu quả của việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Những người này cho rằng, Mỹ nên tập trung giải quyết các vấn đề trong nước, số phận của Ukraine không gắn liền với lợi ích quốc gia của Mỹ và muốn các đồng minh châu Âu phải đóng góp sự hỗ trợ vũ khí lớn hơn cho Kyiv.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu mong muốn quốc hội Mỹ và Tổng thống Joe Biden tiếp tục dẫn dắt các nỗ lực của phương Tây để hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Kể từ khi chiến sự nổ ra ở Ukraine hồi cuối tháng 2 năm ngoái, quốc hội Mỹ đã phê duyệt các khoản chi trị giá tổng cộng 113 tỉ đô la để viện trợ trực tiếp và gián tiếp cho Kiyv, bao gồm 50 tỉ đô la viện trợ quân sự trực tiếp.
Nga và Trung Quốc ngày càng xích lại gần nhau
Cuộc chiến ở Ukraine đã siết chặt mối quan hệ đối tác của các đối thủ chiến lược chính của phương Tây bằng cách làm gia tăng phụ thuộc kinh tế của Moscow vào Bắc Kinh.
Trung Quốc hiện là nước mua đáng kể khí đốt và dầu giảm giá của Nga, đồng thời đóng vai trò là một kênh vận chuyển hàng hóa không còn có sẵn trực tiếp cho Nga do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trung Quốc không cung cấp vũ khí cho Nga, nhưng các nước phương Tây cáo buộc Bắc Kinh đang cung cấp hàng hóa “công dụng kép”, có thể sử dụng cho mục đích dân sự lẫn quân sự. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga mang âm hưởng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhưng, lần này, Bắc Kinh đang ở vị thế dẫn dắt.
Nắn lại dòng chảy năng lượng trên toàn cầu
Các nước phương Tây đã dừng mua dầu thô của Nga và chuyển sang mua từ các nhà sản xuất năng lượng của Mỹ và các nước ở khu vực Trung Đông. Việc Nga gần như dừng bán khí đốt tự nhiên sang châu Âu khiến các nước trong khu vực phải dựa vào nguồn cung thay thế từ các nhà sản xuất ở Mỹ, đưa nước này trở thành nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
Hoạt động sản xuất năng lượng Nga đang suy giảm và Moscow ngày càng phụ thuộc vào việc bán dầu cho Trung Quốc và Ấn Độ, những nước đang tận dụng giá dầu và khí đốt rẻ đáng kể của Nga.
Cuộc chạy đua để đảm bảo các nguồn cung dầu thô mới đã thúc đẩy Mỹ thay đổi chính sách đối với Venezuela, với việc Nhà Trắng dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt để tăng sản lượng dầu thô ở nước này. Trong khi đó, Israel và Lebanon đã đồng ý với một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian, mở đường cho việc xuất khẩu khí đốt của Israel sang châu Âu.
Nga bị cô lập khỏi hệ thống tài chính toàn cầu
Phương Tây đã cắt đứt Nga khỏi những bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng tài chính toàn cầu. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đồng minh khác đã đóng băng khoảng 300 tỉ đô la dự trữ ngoại hối của Nga ở nước ngoài. Họ đã cắt đứt sự tiếp cận của các ngân hàng lớn ở Nga khỏi hệ thống điện tín của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT), nền tảng cho hầu hết các giao dịch quốc tế.
Moscow đã nỗ lực xây dựng các hệ thống thanh toán của riêng mình và đang sử dụng các loại tiền tệ khác để giao dịch với đối tác nước ngoài, bao gồm cả đồng rúp và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Ngân hàng Goldman Sachs và các ngân hàng lớn khác của phương Tây đã lên kế hoạch rời khỏi Nga, nước đã biị loại khỏi các chỉ số đầu tư quan trọng trên thị trường quốc tế.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đóng băng một số khoản đầu tư của người Nga ở nước ngoài và dẫn đến nước này lần đầu tiên vỡ nợ trái phiếu nước ngoài kể từ năm 1918 hồi tháng 6-2022.
Thổi bùng lạm phát toàn cầu
Tình trạng gián đoạn dòng chảy lương thực, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên do tác động của chiến ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm lạm phát toàn cầu làm. Giá khí đốt chuẩn của châu Âu đã tăng 275% ngay sau khi chiến tranh nổ ra, nhưng hiện nay đã giảm mạnh.
Năm ngoái, lạm phát ở 38 nước giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) tăng 9,6%, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 1988. Giá ngũ cốc lên các đỉnh cao mới ngay sau khi chiến tranh xảy ra do hoạt động xuất khẩu bắp, lúa mì, dầu hướng dương của Ukraine bị đình trệ. Giá ngũ cốc đã giảm kể từ đó nhưng vẫn góp phần làm tăng giá thực phẩm trên toàn thế giới.
Giá xăng ở Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục hơn 5 đô la/gallon (3,78 lít) vào mùa hè năm ngoái. Giờ đây, kiềm chế phát vẫn là nhiệm vụ cấp thiết nhất của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Giới nhà đầu tư đang lo ngại họ sẽ còn tăng lãi suất thêm nhiều đợt nữa.
Theo WSJ
Bốn cái mất: Mất người/ Mất của/ Mất lòng tin/ Mất ổn định toàn cầu. Bốn cái được: Có cơ hội thực chiến/ Tăng doanh thu vũ khí/ Phá vỡ trật tự đơn cực/ Kiểm chứng lòng trung thành và lợi ích đa phương.