Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Những thói quen không tốt cho chiếc xe của bạn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những thói quen không tốt cho chiếc xe của bạn

Minh Tuấn

Những thói quen không tốt cho chiếc xe của bạn
Thay mới hệ thống thắng - Ảnh minh họa: Cardomain

(TBKTSG Online) - Ông bà ta có câu “của bền tại người”, chiếc xe của bạn có bền hay không phụ thuộc phần nhiều vào cách sử dụng của người lái. Có những thói quen tưởng như vô hại nhưng lại gây ảnh hưởng xấu đến chiếc xe của bạn và còn có thể đưa bạn vào tình huống nguy hiểm nếu chủ quan.

1. Cho xe chạy ngay khi vừa nổ máy

Xe hơi có hàng chục ngàn chi tiết, trong đó có nhiều chi tiết hoặc bộ phận cần có thời gian làm nóng trước khi hoạt động, đặc biệt là động cơ và các hệ thống dẫn dầu. Có nhiều lái xe đã ý thức được vấn đề này nhưng không thể biết khởi động bao lâu là đủ. Có hai cách đơn giản để biết xe đã khởi động xong hay chưa.

Cách thứ nhất, bạn có thể nhìn vào đồng hồ chỉ vòng tua máy. Sau khi mở máy, vòng tua sẽ tự động vọt lên cao. Đến khi nào kim chỉ vòng tua máy về mức bình thường thì bạn đã có thể đi.

Cách thứ hai là dựa vào âm thanh. Khi mới mở máy, động cơ sẽ kêu hơi to hơn bình thường, đồng thời sẽ có tiếng của các hệ thống bơm dầu hoạt động. Khi nào tiếng máy dịu trở lại và không còn tiếng động phát ra từ các chi tiết khác thì bạn có thể cho xe chạy.

Ngoài ra, bạn không nên mở máy lạnh, hệ thống âm thanh và các chi tiết tiêu hao điện năng khác ngay khi vừa mở máy xe. Bạn chỉ nên sử dụng chúng khi xe đã được khởi động và bắt đầu khởi hành.

2. Chuyển số khi xe chưa dừng hẳn

Khi lưu thông trong thành phố, không ít lần chúng ta phải quay đầu xe hoặc đưa xe vào bãi đỗ. Để làm được điều này trên những con đường chật hẹp, các thao tác chuyển số từ số lùi sang số tiến và ngược lại diễn ra nhiều lần. Nhưng nhiều lái xe do muốn tiết kiệm thời gian nên đã chuyển số từ tiến về lùi hay từ lùi sang tiến khi xe chưa dừng hẳn. Dù thời gian tiết kiệm không là bao nhiêu, nhưng thói quen này lại ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hộp số của xe, đặc biệt là các bánh răng số. Các bánh răng số này chịu lực truyền động của cả xe, khi đổi chiều quay đột ngột, chúng sẽ bị mài mòn nhiều hơn và chịu nhiều hơn. Nếu diễn ra thường xuyên, tuổi thọ của hộp số và các bánh răng số sẽ giảm rất nhanh.

3. Dùng hộp số làm việc thay cho phanh tay

Khi đang đỗ trên đường đèo dốc, nhiều người không dùng phanh tay mà lại vào số để hãm xe lại. Do đó, trọng lượng của xe bị dồn vào hộp số. Tuy nhiên, đỗ xe quá lâu như vậy sẽ làm giảm tuổi thọ của hộp số. Bạn nên dùng thắng tay, vừa an toàn, lại vừa không ảnh hưởng đến hộp số.

Nhưng hãy nhớ là nhả phanh tay khi cho xe chạy trở lại, vì nếu không sẽ làm hỏng cả vỏ xe, phanh xe và cả hộp số. Do đó, bạn phải kiểm tra thật kỹ trước khi lên đường.

4. Phanh xe khi qua ổ gà

Nhiều tài xế thường có phản ứng là thắng xe ngay khi đến ổ gà, hoặc vẫn rà thắng khi cho xe qua ổ gà. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến nhiều bộ phận và chi tiết của xe như vỏ xe, phuộc xe và nhíp, vành xe, khung gầm… Nếu bạn phanh xe khi đi qua ổ gà, do quán tính nên trọng lực sẽ dồn vào các điểm va chạm, các bánh xe sẽ bị gì lại. Do đó, vỏ xe sẽ bị ma sát rất nhiều, mà nguy hại hơn là vỏ xe lại ma sát với mép ổ gà sắc cạnh (nếu là đường nhựa) và bề mặt ổ gà không được bằng phẳng.

Tiếp đến chính là vành xe. Do sức ép trọng lực của toàn xe cộng với va đập mạnh khi vào ổ gà nên vành xe dễ dàng bị cong vênh và méo mó. Sau vành xe là hệ thống treo, bao gồm phuộc xe và các nhíp. Nếu đi qua ổ gà khi xe đang phanh, hệ thống treo vừa làm việc hết chu trình mà lại vừa chịu va đập nên dễ dàng bị gãy hoặc xuống cấp.

Có nhiều cách để tránh tình trạng trên. Trước tiên là khi đi trên những đoạn đường xấu, bạn không nên chạy nhanh. Đồng thời phải giữ tầm nhìn tương đối để khi phát hiện ra ổ gà sẽ có đủ thời gian xử lý. Khi đã phát hiện ra ổ gà, nếu vẫn làm chủ tốc độ và điều kiện trên đường cho phép thì bạn nên chuyển hướng để tránh. Nếu không còn nhiều thời gian, bạn nên đạp phanh cho đến trước ổ gà và nhả ra khi cho xe qua ổ gà. Lực tác động sẽ phân phối đều cho cả xe chứ không dồn vào các bánh xe nữa.

5. Qua số không đúng tốc độ và vòng tua máy

Đối với xe sử dụng số sàn, việc qua số quá sớm hay quá trễ đều không tốt. Nhiều tài xế ở Việt Nam thường sang số khi chưa đủ tốc độ hay vòng tua. Khi đó, máy sẽ bị ì vì thiếu sức kéo và bạn không thể tăng tốc ngay khi vừa sang số. Hơn nữa, việc sang số không đúng vòng tua còn làm cho quá trình ly hợp diễn ra khó khăn hơn.

Mỗi dòng xe khác nhau sẽ có những tốc độ và số vòng tua lý tưởng để sang số khác nhau. Bạn có thể biết được chúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc theo kinh nghiệm sử dụng của những người đã từng lái cùng dòng xe. Việc sang số chính xác sẽ góp phần làm động cơ bền hơn, hệ thống ly hợp ít bị mài mòn hơn và quá trình vận hành diễn ra cũng nhanh hơn. Việc sang số chính xác hay không còn phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật cắt côn của bạn (ngắt ly hợp). Nếu bạn cắt côn không chính xác khi vào số thì máy sẽ vọt lên hoặc khựng lại. Ngược lại, xe sẽ hoạt động êm ái, quá trình tăng tốc diễn ra mượt mà và nhanh hơn.

6. Về số mo (không) khi xe đang chạy

Khi xuống dốc hoặc sắp về đèn đỏ, nhiều người cho xe về số mo vì muốn tiết kiệm xăng. Điều này là vô cùng nguy hiểm. Trên thực tế, ngoài hệ thống phanh xe, hộp số và động cơ chính là hệ thống phanh còn lại. Chúng giúp ta kiểm soát tốc độ tốt hơn, đồng thời giúp xe chủ động trong trường hợp cần tăng tốc trở lại và tránh chướng ngại vật. Nếu xe đã về số mo, xe đột nhiên tăng tốc theo gia tốc mà khả năng hãm tốc lại giảm đi vì không còn tác dụng của hộp số và động cơ nữa. Do đó, bạn sẽ khó kiểm soát tình huống khi cần phải phanh gấp hoặc tăng ga nhanh chóng để tránh chướng ngại vật. Hơn nữa, nếu bạn phanh gấp, hệ thống phanh sẽ hư hại rất nhanh do phải làm việc nhiều hơn.

7. Rà phanh liên tục khi xuống dốc

Nếu bạn đạp phanh liên tục khi xuống dốc, các má phanh sẽ nóng lên và hao mòn nhanh hơn. Việc đap phanh liên tục cũng làm cho bạn khó duy trì tốc độ xe. Do đó, bạn nên đạp phanh có chừng mực, nhả phanh ở một số thời điểm không cần thiết. Đồng thời, bạn phải luôn chạy xe với số tiến, không nên về không như đã nói ở trên.

8. Chạy đến cạn xăng

Khi bình xăng cạn, bơm xăng tiếp tục hoạt động mà không có xăng, khiến cho bơm xăng nóng lên, dễ gây ra kẹt bơm. Hơn nữa, sau khi đổ đầy xăng lại, xe sẽ bị “ngộp xăng” do không khí đã lọt vào bên trong hệ thống. Thậm chí việc để bình xăng cạn còn có khả năng gây ra hỏa hoạn nếu xe của bạn sử dụng phun xăng điện tử. Do đó, bạn nên kiểm tra thường xuyên lượng xăng còn lại trên xe và đổ xăng khi cần thiết.

Nguồn: sưu tầm và tổng hợp từ internet

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới