Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những tín hiệu mới

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Những tín hiệu mới

Độc Thư

Bìa truyện tranh Bay Lên của Nguyễn Thanh Vũ. (ảnh 1)

(TBKTSG) – Họ là những tân cử nhân ngành thiết kế đồ họa, khoa Mỹ thuật công nghiệp của Đại học Dân lập Văn Lang, sẽ ra trường và trở thành những nhà thiết kế trẻ của Sài Gòn trong thời gian tới. Họ tự tin xuất hiện trong buổi báo cáo đề án tốt nghiệp với những đề tài được thực hiện chăm chút, và quan trọng hơn cả, tác phẩm của họ có tính ứng dụng cao.

Phía sau mỗi đồ án, những nhà thiết kế trẻ này muốn kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về thế giới chung quanh…

Mỗi người với câu chuyện của mình, đã tìm kiếm một “lối kể” rất nghiêm túc để chuyển tải câu chuyện đó sao cho lay động nhất, ấn tượng nhất.

Câu chuyện của Nguyễn Thanh Vũ, bút danh Blue Rain, người từng lọt vào top 15 cuộc thi thiết kế poster báo chí do Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức năm 2008, kể về quyền được ước mơ của trẻ thơ bằng một cuốn tranh truyện dành cho thiếu nhi dưới 8 tuổi.

Vũ tự viết phần văn, vẽ màu và thiết kế. Cuốn tranh truyện Bay lên (ảnh 1) mang thông điệp: “Con người không chỉ cần lòng dũng cảm để sống mà còn cần lòng dũng cảm để biết tin tưởng và thực hiện ước mơ”.

Sách của Vũ là cuộc đối thoại sống động, lung linh giữa một cậu bé với thiên nhiên và không gian mơ mộng phóng khoáng. Nghe phong thanh đã có một đơn vị làm sách đang quan tâm tìm đầu ra để xuất bản cuốn sách này.

Trong khi đó, Phan Ngọc Ý, cô gái gốc Sài Gòn lại chọn ngôn ngữ sách ảnh để thể hiện đồ án Một ngày với quán cóc Sài Gòn. Quán cóc qua ảnh, qua thiết kế và những bài tản bút mà cô thực hiện có khả năng tạo cho người xem sự ham muốn nhìn lại kỹ hơn, khám phá sâu hơn cái không gian văn hóa đời thường, mộc mạc rất riêng của đô thị Sài Gòn.

“Quán cóc không chỉ là… quán cóc. Nó còn là cái gì rất xốn xang, rất đời. Nó cũng phập phồng thở, trĩu nặng ký ức, trĩu nặng kiếp nhân sinh” – Phan Ngọc Ý viết như thế vào một bưu thiếp kèm theo sách.

Tranh của Nguyễn Hoàng Tú (ảnh 2).

Cũng quan tâm đến văn hóa, Nguyễn Thị Thơ đã đi điền dã, chụp ảnh và nghiên cứu, thực hiện một cuốn sách ảnh về văn hóa chợ phiên Bắc Hà hết sức công phu, tốn kém. Đáng chú ý là với khả năng hình họa điêu luyện, cô sáng tác và trưng bày kèm theo bốn bức tranh khắc gỗ có giá trị về không gian chợ phiên, khổ 50×70 cen ti mét.

Cũng có thể thấy, chưa bao giờ, vấn đề môi trường lại trở thành mối bận tâm lớn đến thế đối với những nhà thiết kế trẻ. Nguyễn Xuân Hương có nhiều mẫu thiết kế 3D đầy ấn tượng cho các áp phích của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE). Sức nặng của ý tưởng và sự cô đọng trong ngôn ngữ tạo hình đã thể hiện sự chiêm nghiệm, “sống chung với ý tưởng” đầy trách nhiệm nơi cô gái này.

Trong khi đó, với ý tưởng về giấy tái chế, Lê Phương Linh với hơn chục sản phẩm có hệ thống nhận diện hình ảnh chung, từ áo, lịch, sổ tay, túi giấy… được trau chuốt kỹ lưỡng và đạt hiệu ứng thẩm mỹ cao, vừa muốn gia tăng công năng cho vật liệu tái chế, vừa mong hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Một trong những ý tưởng độc đáo và nhạy cảm trong đợt triển lãm đồ án này thuộc về sinh viên Nguyễn Hoàng Tú với ý tưởng về một hiệp hội tư vấn và bảo vệ người đồng tính. Tú sáng tác những hình ảnh có tính ẩn dụ như trái bắp lồng bên trong một vỏ chuối mềm mại (ảnh 2), hay hai chiếc dép xốp cùng phía đặt bên cạnh nhau hết sức tế nhị. Tú còn viết một cuốn sách mỏng, chuyển tải những thông tin khảo cứu về vấn đề đồng giới rất đáng quan tâm để dẫn dắt vào đồ án.

Còn nhiều đề tài khác nữa, được các nhà thiết kế trẻ thực hiện công phu và có góc nhìn xã hội, có độ tương tác và khả năng ứng dụng cao. Đó là những tín hiệu của một mùa mới cho thị trường ngành thiết kế đang “thừa mà thiếu” ở thành phố Sài Gòn năng động.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới