Những ý kiến thiên vị tiếng Anh
Nguyễn Việt Long
![]() |
LTS: Tiếp tục các ý kiến tranh luận sau bài viết Phiên âm hay viết theo tiếng tiếng Anh?, tòa soạn xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Nguyễn Việt Long vừa gửi đến.
>> Phiên âm hay viết theo tiếng tiếng Anh? (Đoàn Tiểu Long)
>> Nên viết nguyên dạng và chuyển tự (Thư Hoài)
>> Trao đổi thêm với tác giả Thư Hoài (Đoàn Tiểu Long)
Dưới đây là bài viết của bạn Nguyễn Việt Long:
Vừa qua mục Diễn đàn có nêu vấn đề: Nên phiên âm hay để nguyên tiếng Anh. Đa số các ý kiến chê bai phiên âm tiếng Việt, như một hình thức cổ lỗ sĩ, “không chính xác”, thậm chí “không thể chấp nhận được”, còn cách để nguyên tiếng Anh được khen ngợi hết lời.
Những lối nói đầy cảm tính như “phải đọc theo kiểu viết phiên âm thì thật là vô cùng khó chịu” không phải là tranh luận khoa học (nếu tôi vô cùng khó chịu với mắm tôm thì liệu những người khác có khó chịu với nó không và có phải bỏ ăn mắm tôm theo sự áp đặt của tôi không?). Những kết luận khơi khơi không cần chứng minh hay điều tra được dùng làm phán quyết muốn khai tử cho phiên âm tiếng Việt.
Tất nhiên không thể đòi hỏi một sự phiên âm chính xác tuyệt đối trong tiếng Việt, nhưng ở mức có thể chấp nhận được và điều này cũng đúng với mọi ngôn ngữ, chẳng riêng gì tiếng Việt.
Tại sao ta lại đi dùng một thứ tiếng “viết một đàng, đọc một nẻo” (tiếng Anh) làm chuẩn tên riêng cho tiếng Việt, chỉ vì nó phổ biến? Trong khi chê tiếng Việt phiên âm không chính xác, không thấy ai hỏi liệu tiếng Anh nói riêng và các tiếng châu Âu gốc La-tinh nói chung có chính xác với tên gốc? Có rất nhiều ví dụ nói không, chẳng cần phải tìm ở những ngôn ngữ không dùng chữ cái La-tinh, mà ngay ở những ngôn ngữ cũng dùng chữ cái La-tinh như tiếng Anh.
Ta biết rằng nhiều địa danh của nước Đức được phiên sang tiếng Anh (và sang các ngôn ngữ khác, ví dụ tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bồ Đào Nha…) chẳng chính xác tẹo nào. Tên nước Đức: Deutschland (hậu tố land nghĩa là “đất nước”, “xứ sở” sẽ bị bỏ đi khi trở thành tính từ hoặc chỉ ngôn ngữ Đức: Deutsch) sang tiếng Anh là Germany, tiếng Pháp là Allemagne, tiếng Tây Ban Nha Alemania, tiếng Bồ Đào Nha Alemanha,… đều không chính xác bằng tiếng Việt.
Các ví dụ khác: München thành Munich (tiếng Anh và Pháp), Bayern thành Bavaria (tiếng Anh) hay Bavière (tiếng Pháp); Köln thành Cologne (tiếng Anh và Pháp). Hay như Vác-sa-va nguyên ngữ là Warszawa, biến thành Warsaw (tiếng Anh), Varsovie (tiếng Pháp), Warschau (tiếng Đức), Varsovia (tiếng Tây Ban Nha), Varsóvia (tiếng Bồ Đào Nha) cũng không hơn gì phiên âm tiếng Việt.
Tiếng Pháp bao đời nay vẫn phiên London thành Londres, Scotland thành Écosse, Wales thành Galles, liệu có chính xác hơn Luân Đôn, Xcốt-len, Uên? Nước Hung-ga-ry (Magyarország) thì hầu như chẳng ngôn ngữ châu Âu nào phiên đúng cả: Hungary (Anh), Hongrie (Pháp), Ungarn (Đức)…
Bạn hãy kiểm nghiệm với kết luận của cố GS Cao Xuân Hạo dành cho phiên âm tiếng Việt mà bạn Thư Hoài đã trích dẫn: “người đọc sách báo bị bắt buộc phải vừa viết sai lại vừa đọc sai, chứ nếu viết theo nguyên dạng, ít ra ta cũng còn có được một mặt chắc chắn đúng” (không biết GS nói đến “nguyên dạng” nào, nguyên dạng tiếng Anh hay nguyên dạng tên gốc? Nếu là nguyên dạng tiếng Anh thì kết luận trên không đúng, vì người Anh cũng bị bắt buộc vừa viết sai lại vừa đọc sai, còn nếu nguyên dạng tên gốc thì không khả thi). Tại sao người Anh, người Pháp, người Đức… cứ điềm nhiên để sự không chính xác kéo dài bao đời nay mà hình như họ chẳng lớn tiếng chê bai phiên âm tiếng nước họ như chúng ta?
Một ý kiến khác cho rằng tiếng Việt đẻ ra nhiều phiên bản, như Lexus thì thành Lét-xù, Lét-sớt, Lét-sút. Tất nhiên phải bỏ những phiên âm sai do trình độ kém (bạn Đoàn Tiểu Long nói rất chí lý rằng làm sai không phải là lý do để bỏ không làm nữa), nhưng vẫn có thể chấp nhận vài biến thể (do quan điểm phiên: hoàn toàn theo âm; một phần theo âm, một phần theo chữ; cách phiên đã quen theo tiếng Pháp chẳng hạn), và chuyện này thì bất cứ thứ tiếng nào cũng có chứ chẳng riêng tiếng Việt.
Bạn có biết lãnh đạo nước Li-bi là Mu-am-ma/Mô-ha-mét Ca-đa-phi được phiên mấy kiểu sang tiếng Anh không? Tên Mu-am-ma/Mô-ha-mét của ông ít nhất có các dạng Moamer, Muammar, Muammer, còn Ca-đa-phi được phiên là Kadhafi, Gadhafi, Khadafi, al-Khadafy, al-Gaddafi, al-Qadhdhāfī. Lét-xù, Lét-sớt, Lét-sút đã thấm gì! Hay như vua Thái Lan cũng có 2 cách phiên: Bhumibol Adulyadej và Phumiphon Adunyadet.
Khẳng định của bạn Thư Hoài rằng tiếng Việt không đủ chữ cái để phiên âm tên riêng đã bị bạn Đoàn Tiểu Long bác bỏ một phần. Tôi chỉ xin bổ sung bằng cách lật ngược vấn đề: tiếng Anh và các thứ tiếng khác có đủ chữ cái để phiên âm tên riêng không? Câu trả lời cũng lại là không. Một ví dụ điển hình: tiếng Anh, Pháp thiếu âm “ư”, do đó âm này hoặc bị phiên thành “y” (như trường hợp đối với tiếng Nga), hoặc thành “u” (như trường hợp đối với tiếng Nhật và tiếng Việt): Xôn-gie-nít-xưn (hay Xôn-gie-nhít-xưn) thành Solzhenitsyn (tiếng Anh) hay Soljenitsyne (tiếng Pháp); Cô-i-dư-mi thành Koizumi. Chưa kể chuyện không có thanh điệu cũng gây lầm lẫn: Trần Văn Lắm hay Trần Văn Lâm khi sang tiếng Anh là như nhau, và liệu điều này có diễn ra với một ngôn ngữ có thanh điệu nào khác?
Một khía cạnh nữa là việc chuyển tự (transliteration) có đơn giản, dễ dàng và nhất quán như kỳ vọng, còn phiên âm thì gây khó khăn cho người đọc như nhiều ý kiến khẳng định?
Tôi hiểu chuyển tự ở đây là theo quy tắc được áp dụng trong các ngôn ngữ, chứ không phải cách chuyển tự cực đoan mà bạn Đoàn Tiểu Long hình như muốn “chọc” bạn Thư Hoài qua ví dụ Shakespeare. Thế nhưng muốn chứng minh hay biện luận, ít ra thì bạn phải thử nghiệm: nói một số tên riêng tiếng Anh, rồi thử làm một cuộc điều tra nho nhỏ đối với nam, phụ, lão, ấu, thuộc nhiều tầng lớp, nông thôn có, thành thị có, xem viết ra nguyên dạng có thật dễ hay không.
Tôi không cần thử nghiệm đã có thể kết luận là không dễ, bằng phản chứng.
Cái sự đơn giản, dễ dàng kia chỉ có được khi bạn có trong tay văn bản tiếng Anh và dịch nó sang tiếng Việt, rồi để nguyên tên riêng. Một từ khá thông dụng là Ha-vớt, nhưng trên sách báo và mạng bị viết sai khá phổ biến: Havard (đúng ra là Harvard). Một từ rất hay bị phát âm sai trên ti-vi là Macedonia, thường được đọc là Mác-xê-đô-ni-a (trong khi nếu có phiên âm, người ta sẽ đọc đúng: Ma-xê-đô-ni-a).
Một lần khác, tôi thấy 2 phát thanh viên đọc địa danh Gibraltar, người trước vừa đọc Ghi-bran-ta, thì người sau tường thuật theo hình ảnh lại đọc là Gi-bran-ta. Phát thanh viên có bằng cấp, ngoại ngữ đã vậy thì làm sao những tầng lớp khác tránh được lầm lẫn.
Hay như nhiều dịch giả tiếng Pháp, Đức, Nga, Hán không có thời gian, phương tiện, công sức để tra cứu xem một tên riêng trong các thứ tiếng đó sang tiếng Anh là gì, hoặc khi cố gắng làm việc đó thì thường dẫn đến kết quả đáng buồn là sai. Nếu đọc truyện dịch từ tiếng Nga, bạn sẽ bắt gặp những tên riêng Anh dù khá thông dụng nhưng chẳng ra Việt, càng không ra Anh: Đjon (John), Đjonx (Jones), Braun (Brown).
Trong cuốn Tiếng chim hót trong bụi mận gai, một cố dịch giả nổi tiếng đã phiên địa danh Queensland qua tiếng Nga thành Kvinxlenđ. Những thành phần có học vấn khá, biết ngoại ngữ mà còn sai như thế thì không thể nói rằng để nguyên dạng là dễ đối với quần chúng. Kết quả là, như chúng ta chứng kiến, sách dịch từ tiếng nào thì để nguyên tiếng nước ấy, và tiếng Việt trở thành “mớ hổ lốn” đựng những tên riêng kiểu đó (Algeria và Algérie, Morocco và Maroc).
Một anh bạn tôi là tiến sĩ ở Tiệp cũ có nói, nếu cho anh ấy viết chữ Sếch-xpia bằng tiếng Anh thì chưa chắc anh ấy đã viết đúng (ngay trong bài trao đổi của bạn Đoàn Tiểu Long, từ Shakespeare bị viết sai thành Shakespear là một minh chứng).
Vả lại, trong một số ngôn ngữ có vài cách chuyển tự được áp dụng. Lấy ví dụ trong tiếng Nga (nhất là trong giới hàn lâm), Высшая школа (tên NXB) được chuyển tự thành Vysšaja škola, trong khi sang tiếng Anh là Vysshaya shkola. Hay như trong tiếng Triều Tiên (Hàn Quốc) các nàng Dae Chang Gum, Dae Jang Geum hay Tae Chang-gǔm chỉ là một, Pusan cũng chính là Busan… Tôi cũng không hiểu sao họ Lý (Hàn Quốc) thường được phiên chuyển thành Lee (như Lee Myung-bak), nhưng đôi khi lại chuyển thành Rhee (như Lý Thừa Vãn thành Syngman Rhee)?
Cũng chính vì kiểu chuyển tự “khác thường” của Nga mà hồi xưa, đồng hồ Полёт (nghĩa là “chuyến bay”, nếu phiên theo kiểu Anh là Polyot) được viết trên mặt kính là Poljot, để rồi được người Việt Nam đọc là Pôn-dốt, khác hẳn tên gốc. Vậy thì chuyển tự cũng có ba bảy đường.
Vả lại, người Pháp, người Đức đâu có áp dụng cách phiên tên riêng kiểu Anh, mà dùng lối phiên của họ: Pushkin thành Pouchkine (kiểu Pháp) hay Puschkin (kiểu Đức), vậy thì tại sao chúng ta cứ phải lụy tiếng Anh?
Còn một số điều bất tiện khác của giữ nguyên dạng tiếng Anh so với phiên âm: viết một đường đọc một nẻo, có những chữ cái thừa so với tên gốc. My-an-ma nếu chuyển tự chính xác chỉ là Myan-ma, nhưng sang tiếng Anh phải đèo thêm chữ “r” ở cuối, chỉ cốt để nó được đọc chính xác là “ma” chứ không phải “mơ”: Myanmar. Hay ông Ban Ki Mun, việc gì cứ phải viết Ban Ki-moon, vừa nhiều chữ cái hơn vừa dễ đọc sai hơn?
Trước đây, trên tạp chí Tia sáng còn có một bài báo cực đoan hơn, cổ súy cho việc dùng chữ cái La-tinh (pinyin) cho tên riêng Trung Quốc. Tác giả bài viết không hiểu rằng làm như thế “để hội nhập quốc tế” thì vấp phải những nhược điểm lớn sau đây:
a) mất đi nghĩa của tên riêng: khi viết Bắc Kinh, người ta hiểu đây là kinh đô phía bắc, so với Nam Kinh, mà nếu viết Beijing và Nanjing thì không lột tả được;
b) gây thêm sự lộn xộn do trùng tên: Lu Xun có thể là Lỗ Tấn, cũng có thể là Lục Tốn, Pingxiang có thể là Bằng Tường (ở Quảng Tây), hoặc Bình Hương (ở Giang Tây);
c) khó đọc khó nhớ vì trúc trắc và không có liên hệ ngữ nghĩa, không gợi cảm xúc, mà cái mục đích đặt ra cũng ít khi đạt được (đã có bài phản bác, tôi không nhắc lại).
Cố GS Cao Xuân Hạo đã tự mâu thuẫn khi viết rằng luận điểm viết tên riêng nước ngoài theo nguyên dạng La-tinh làm cho quần chúng không đọc được là “không dựa trên một quá trình nghiên cứu nào, trên một cuộc thử nghiệm nào: nó chỉ dựa trên một sự khinh miệt đáng lấy làm lạ đối với cái “quần chúng” mà người ta làm ra vẻ quý trọng”.
Nếu chưa có nghiên cứu hay thử nghiệm, làm sao GS kết luận được rằng “nó chỉ dựa trên một sự khinh miệt quần chúng” mà không phải ngược lại?
Tôi có thể thay đổi lời GS ngược lại vì có bằng chứng phản chứng ở trên: luận điểm dùng nguyên dạng La-tinh “không dựa trên một quá trình nghiên cứu nào, trên một cuộc thử nghiệm nào: nó chỉ dựa trên một ảo tưởng đáng lấy làm lạ đối với cái “quần chúng” mà người ta làm ra vẻ quý trọng”.
Tôi không phản đối hoàn toàn cách viết nguyên tiếng Anh có khi vì lý do thuận tiện, không cần động não, và nó cũng có một số ưu điểm, nhưng cần cân nhắc tùy đối tượng nhắm đến, và phải đưa lên bàn cân xét ưu nhược một cách công bằng của hai phương pháp bằng lối tư duy thật sự khoa học, chứ không phải lối nói đầy cảm tính của một số ý kiến.
Ngay cả khi đã chọn cách viết nguyên dạng tiếng Anh, thì cần phải tạo địa vị hợp pháp cho nó trong tiếng Việt nữa, chứ không chỉ đơn giản cứ viết là viết.
Trong mọi ngôn ngữ (có lẽ chỉ trừ tiếng Việt) mọi từ dù là tên riêng hay tên chung, đều được phát âm theo quy tắc của tiếng nước đó (trừ một vài ngoại lệ dùng tiếng nước ngoài, châm ngôn La-tinh in nghiêng).
Học sinh phổ thông Việt Nam chỉ được dạy bảng chữ cái tiếng Việt cùng với các quy tắc phát âm, ghép vần của tiếng Việt. Vậy là phải bổ sung thêm chữ cái, hướng dẫn mọi quy tắc phát âm của tiếng Anh, mà điều này theo tôi vừa bất tiện, vừa tạo nên một sự lộn xộn lớn, vừa không khả thi. Chỉ mới như hiện nay mà đã có những trường hợp đọc và viết lẫn lộn giữa “d” và “đ” rồi (ví dụ tháng Ramadan nhiều khi được đọc là Ra-ma-dan, mà đúng ra là Ra-ma-đan).