Nigeria muốn trồng lúa như ĐBSCL
GS. Võ Tòng Xuân
(TBKTSG) - Bang Kogi, Nigeria (Tây Phi Châu), quyết tâm xóa đói giảm nghèo cho nông dân bằng cách áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tác giả thảo luận ngoài đồng với một số viên chức bang Kogi. Nigeria. |
Cũng như nhiều chuyên viên Việt Nam khác, tôi đã sử dụng mấy ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ để sang bang Kogi, Nigeria, theo lời mời của ông Idris I. Wada, Thống đốc tiểu bang, để tư vấn về chương trình cải cách nông nghiệp - vấn đề cơ bản cho công cuộc xóa đói giảm nghèo mà ông từng công bố với người dân Kogi.
Bang Kogi là một trong 36 bang của Liên bang Nigeria, có 2,3 triệu dân sống trên diện tích gần 3,2 triệu héc ta (so với ĐBSCL có 18 triệu dân sống trên 3,9 triệu héc ta). Liên bang Nigeria là quốc gia đông dân nhất châu Phi với 174 triệu người (năm 2013) sống trên 924.000 cây số vuông (gần gấp ba lần Việt Nam).
Đây là nơi có cả hai con sông lớn nhất phía Tây châu Phi giao nhau tại thủ phủ Lokoja, là sông Niger và sông Benue. Nhờ hai con sông này mà Kogi có được vùng đất màu mỡ, những cánh đồng ngập phù sa hai bên bờ, được hình thành qua quá trình hàng triệu năm bồi đắp và xói mòn. Còn lại phần lớn đất đai của Kogi nói riêng và cả châu Phi nói chung là đất xám và đồi núi bạc màu.
Ấn tượng sân bay Abuja
Sau 20 giờ ngồi trên ba chuyến bay với hai lần quá cảnh tại Bangkok và Addis Ababa, tôi đến sân bay Abuja ở thủ đô Nigeria vào chiều mùng 1 Tết, trong bụng rất hồi hộp vì những lần trước đến qua ngã sân bay Lagos rất khổ sở do thủ tục nhập cảnh quá rườm rà và chậm chạp. Nhưng trái lại, tại sân bay mới này, nhân viên kiểm soát xuất nhập cảnh rất nhanh nhẹn và vui vẻ “mừng giáo sư đến thăm Abuja!”. Qua hàng rào hải quan cũng nhẹ nhàng, thấy tôi khai ở mục “nghề nghiệp” là giáo sư, nhân viên khoát tay mời qua. Bên ngoài, ông Bộ trưởng nông nghiệp của bang Kogi - Tiến sĩ Olufemi Bolarin, và Giáo sư A.D. Akpa (điều phối viên chương trình lúa) đang chờ đón để đưa về bang Kogi.
Quốc lộ mới được sửa lại với tám làn đường rộng thênh thang, xe nào cũng chạy trên 100 cây số/giờ, bắt buộc phải nịt dây an toàn cho cả người ngồi sau. Hai bên đường đất đai phần lớn là đồi núi, rừng khộp tái sinh nghèo nàn, còn lại những cây cổ thụ thấp mà người dân dùng làm cây che bóng mát trước sân nhà. Hai bên đường, dân bày bán sản phẩm địa phương như bột bắp, bột khoai mì, than củi, cam, điều (đào) để nguyên hột, đậu phộng, cá khô xông khói. Một hiện tượng ở Nigeria rất giống Việt Nam là rác. Đi đâu cũng thấy rác, dọc đường phố, xa lộ hay ven bờ sông, bọc nylon quăng khắp nơi, rất dơ.
Lao động Trung Quốc tới đây khá nhiều. Họ đi thành từng nhóm, làm công nhân xây dựng, công nhân khai quặng mỏ, bán hàng “made in China” cho các công ty của Trung Quốc. Mấy bạn Phi bảo rằng công ty Trung Quốc ký hợp đồng giá thấp hơn các nước khác nên thường họ trúng thầu. Các công ty bán hàng “made in China” thường được nhà nước khuyến khích khi sang châu Phi đầu tư nên họ sang nhiều. Đi các nước châu Phi khác tôi cũng thấy hoạt động thương mại của Trung Quốc rất sôi nổi.
Chương trình lúa gạo gia tốc
Chính phủ Nigeria quyết tâm tự túc về gạo nên cấm nhập gạo từ năm 2015. Dân Phi đã chuyển sang ăn cơm thay vì ăn củ (khoai mỡ, khoai mì, khoai lang), hoặc bắp nên chính quyền bang Kogi muốn đẩy nhanh phong trào sản xuất lúa.
Thống đốc Idris Wada đã công bố một chương trình lúa gạo gia tốc (Accelerated rice production program) nên rất muốn đầu tư cho cây lúa ở đồng bằng sông Niger như ĐBSCL. Vì vậy, đây là chuyến đi tiền trạm chuẩn bị cho sự hợp tác sau này.
Xe vừa đến làng Ejebe, có khoảng 20 nông dân ra đón. Anh Chủ tịch Hội Nông dân chỉ tôi xem đất đang được cày bằng máy cày Ford mà anh đã mượn ở làng kế bên. Anh ấy mong làng của anh cũng được mua một máy cày như vậy vì bây giờ ai cũng biết giá trị của cơ giới hóa khâu làm đất. Tôi nói với họ là ở Việt Nam, nông dân cũng cơ giới hóa rất nhiều khâu, nhất là làm đất, tưới nước, thu hoạch, nhưng cũng nhận thức là phải có giống lúa mới, phải biết bón phân và bảo vệ thực vật mới có sản lượng cao. Họ hỏi: “Làm sao để được như vậy?”. Tôi nhìn ông Bộ trưởng Nông nghiệp Bolarin rồi nói với họ: “Với quyết tâm của ngài Thống đốc Wada, ông Bolarin và tôi sẽ giúp bà con ở đây thỏa nguyện vọng!”.
Chúng tôi đi tiếp đến làng Evolujebe. Tôi được anh Chủ tịch Hội Nông dân dẫn đi xem trạm bơm thủy lợi với bốn máy bơm cỡ 60 mã lực đang nằm im từ nhiều năm nay. Ngoài đồng ruộng, các kênh mương đều bị bỏ phế, bể bờ hết cả. Anh chủ tịch hội cho biết khu thủy lợi này có lẽ đã được xây dựng từ năm 1973 nhưng nông dân không sử dụng từ bấy đến giờ vì không biết cách dùng nước thủy lợi, nên chỉ chờ mưa mới cấy lúa. Họ hỏi tôi có thể hướng dẫn trồng lúa có nước tưới như ở Việt Nam không?
Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục về khảo sát nông thôn. Đến làng Oforachi, Icheke, lại được xem một trạm bơm bị bỏ hoang và cả hệ thống kênh mương sạt lở khô rang. Đi dọc theo bãi bồi và các cánh đồng ngập của con sông Niger, tôi thấy đất cát mịn nhấp nhô đan xen với đầm lầy, vũng ao lớn nhỏ. Một vị cán bộ cấp cao của Cao ủy Nông nghiệp đang tổ chức cày xới nhiều đám đồi cao thấp để cấy lúa theo kỹ thuật SRI (hệ thống thâm canh lúa) mà một tổ chức của Đại học Cornell (Hoa Kỳ) đã giới thiệu. Bây giờ đang mùa nắng, lúa cấy xuống đất khô rang, phải bơm nước từ các ao lên tưới, nhưng tưới bao nhiêu nước bị thấm hết bấy nhiêu. Trồng lúa trong mùa khô kiểu này phải tưới rất vất vả và rất tốn nước, nhưng chỉ giúp cho cỏ mọc lấn át lúa Farrow 44 (giống lúa đang thịnh hành ở đây).
Ngày kế, tôi đi khảo sát tiếp các vùng Bassa, Koton Karfe bằng phẳng cạnh sông, có thể triển khai hệ thống thủy lợi. Ngày mùng 5 Tết tôi đến trường Đại học bang Kogi (Kogi State University - KSU) và thuyết trình với các trưởng bộ môn của khoa Nông nghiệp về quá trình phát triển cây lúa của ĐBSCL, từ thiếu ăn cho đến có dư xuất khẩu, trong đó, sự đóng góp của thầy trò ngành nông nghiệp của Đại học Cần Thơ đã giúp cho nông dân kỹ thuật sản xuất rất kịp thời. Trường KSU đề nghị tôi giúp phát triển môn “Khoa học và kỹ thuật cây lúa” để đưa vào chương trình đào tạo chính thức. Ông Bolarin hứa sẽ xin kinh phí để thực hiện việc hợp tác này.
Nông dân ở châu Phi nói chung, ở xứ Nigeria này nói riêng, phần lớn rất nghèo. Các nước giàu Âu, Mỹ, Nhật, hoặc các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Quỹ Rockefeller, Ford, Bill Gates... hàng năm đều viện trợ hàng tỉ đô la cho châu Phi nhưng dân nghèo vẫn hoàn nghèo, vẫn tiếp tục thiếu ăn. Một chuyên gia kinh tế người Zambia, Tiến sĩ Dambisa Moyo, trong cuốn Dead Aid (Viện trợ chết) rất nổi tiếng của bà có nói đến chuyện tiền viện trợ nhiều nhưng người dân châu Phi vẫn nghèo đói triền miên. Thực tế là các công ty xuyên quốc gia, viên chức của các tổ chức quốc tế, các quỹ từ thiện, chuyên viên thực hiện các dự án và viên chức nhà nước địa phương được hưởng lợi. Hiếm có chuyện chuyên viên giúp nông dân biết kỹ thuật mới trên đồng ruộng một cách cụ thể, tận tường. Cảnh hệ thống thủy lợi xây xong rồi bị bỏ hoang bởi thế không là chuyện lạ, và tôi đã từng thấy tại Cameroun, Sierra Leone, Liberia, Sudan, Mozambique, Angola trong những chuyến công tác trước. Nhưng việc khôi phục hệ thống thủy lợi cho dân sử dụng phải có quyết tâm của chính quyền địa phương. Lần này, trước quyết tâm của ông Thống đốc tiểu bang, tôi rất hy vọng sẽ có sự chuyển biến.
Sau năm ngày “ăn Tết” tại Kogi, trước khi trở về Việt Nam, tôi đã đến báo cáo với ông Thống đốc Idris Wada rằng tôi tin tưởng với sự quyết tâm của ông Thống đốc và sự nỗ lực của ngành nông nghiệp bang Kogi, tôi có thể huy động chuyên viên và nông dân nhiều kinh nghiệm của ĐBSCL sang giúp. Bang Kogi sẽ được áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa của ĐBSCL một cách đồng bộ theo chuỗi giá trị.