Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nợ công năm 2021 dự kiến hơn 3,7 triệu tỉ đồng

Hoàng Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nợ công năm 2021 dự kiến ở mức 3,708 triệu tỉ đồng - bằng 43,7% GDP và thấp hơn nhiều so với mức trần dưới 60% GDP được Quốc hội phê chuẩn, theo Bộ Tài chính.

Nợ công năm 2021 trong ngưỡng an toàn

Báo cáo Quốc hội về tình hình nợ công năm 2021, Bộ Tài chính cho biết nợ công khoảng 3,708 triệu tỉ đồng, bằng 43,7% GDP. Nợ Chính phủ khoảng 3,351 triệu tỉ đồng, bằng 39,5% GDP. Còn nợ nước ngoài quốc gia khoảng 3,297 triệu tỉ đồng, bằng 38,8% GDP.

Về nghĩa vụ trả nợ năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bằng khoảng 24,8% thu ngân sách nhà nước. Còn nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm trả nợ gốc ngắn hạn) bằng 5,8% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.

Những chỉ tiêu này, theo Bộ Tài chính, được tính toán trên cơ sở ước dư nợ công bằng khoảng 55,9% GDP tính tới cuối năm 2020. Còn kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt khoảng 313 tỉ đô la Mỹ trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất sớm được khôi phục trở lại trong quí 4-2021.

Cũng theo cơ quan này, việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ năm 2021 - bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại - được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn, giúp các chỉ tiêu an toàn nợ nằm trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn.

TT Chỉ tiêu Mục tiêu
giai đoạn
20
21-2025
Ước thực hiện 2021 Đánh giá
1. Nợ công / GDP ≤ 60% 43,7% Đạt
2. Nợ Chính phủ / GDP ≤ 50% 39,5% Đạt
3. Nợ nước ngoài của quốc gia / GDP ≤ 50% 38,8% Đạt
4. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ / Thu NSNN ≤ 25% 24,8% Đạt
5. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (1)/ Kim ngạch xuất khẩu HH&DV < 25% 5,8% Đạt
6. Kỳ hạn phát hành TPCP bình quân (năm) 9-11 năm Khoảng
12,5 năm
Vượt

(1) Không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng.

Nhưng chỉ tiêu an toàn nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia năm 2021 có thể chịu ảnh hưởng nếu tăng trưởng GDP năm nay không đạt mức dự báo, qua đó tác động đến bội chi ngân sách nhà nước.

Trước đó, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng giai đoạn năm trước trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Rủi ro đảo nợ của Chính phủ có thể gia tăng

Về tình hình thực hiện nghĩa vụ trả nợ 9 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính cho biết tổng trả nợ của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2021 là 289.328 tỉ đồng, tương ứng 73,3% kế hoạch cả năm theo Quyết định số 856 của Thủ tướng. Trong đó, trả nợ trực tiếp khoảng 270.793 tỉ đồng, trả nợ cho vay lại khoảng 18.534 tỉ đồng.

Tổng trả nợ của Chính phủ năm 2021 dự kiến khoảng 365.932 tỉ đồng, tương ứng 92,8% kế hoạch do việc chủ động giãn 22.000 tỉ đồng khoản trả nợ gốc trong nước sang năm 2022 và xu hướng lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ giảm. Trong đó, trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 338.415 tỉ đồng – bằng 92,4% kế hoạch, trả nợ nước ngoài của các dự án cho vay lại 27.517 tỉ đồng - bằng 97,3%.

Việc thanh toán các các khoản nợ gốc, lãi của Chính phủ, theo Bộ Tài chính, được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, dự kiến không quá 25% thu ngân sách nhà nước theo mức trần Quốc hội cho phép.

Việc trả nợ các khoản vay của Chính phủ được tổ chức thực hiện chặt chẽ và đảm bảo đúng hạn. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Nhưng cơ quan này cũng cảnh báo rủi ro đảo nợ của Chính phủ có thể gia tăng trước áp lực huy động vốn tăng nhanh. Dự kiến cả năm 2021, Chính phủ sẽ huy động gần 514.300 tỉ đồng, bằng 82,4% kế hoạch. Gần 88% trong số này từ vốn trong nước, còn lại là từ vốn vay ODA, ưu đãi.

Theo đó, rủi ro này sẽ gia tăng nếu huy động vốn vay của Chính phủ vượt quá khả năng hấp thu vốn của thị trường trong nước. Để đảm bảo đủ nguồn huy động, Chính phủ có thể phải huy động thêm các nguồn vay trong nước có kỳ hạn ngắn hơn so với giai đoạn 2016-2020, gồm tăng vay từ nguồn ngân quỹ nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2-3 năm.

Điều này, theo Bộ Tài chính, khiến các chỉ tiêu về nghĩa vụ trả nợ có khả năng tăng cao do các khoản vay này sẽ đáo hạn ngay trong giai đoạn 2022-2025.

Với rủi ro này, việc huy động vốn vay với kỳ hạn ngắn cần được kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh rủi ro đảo nợ liên tục, theo Bộ Tài chính. Ngoài ra, cần đảm bảo chỉ tiêu kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân giai đoạn 2021-2025 từ 9-11 năm, cũng như chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% so với tổng thu được Quốc hội phê duyệt.

Cơ quan này cũng lưu ý mặt bằng lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ có thể tăng, làm tăng chi phí huy động vốn của Chính phủ trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định và xu hướng gia tăng lạm phát do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Tốc độ vay nợ nước ngoài có khả năng vượt hạn mức

Về nợ nước ngoài của quốc gia, vay và trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng (TCTD) theo phương thức tự vay, tự trả dự báo tăng mạnh trong năm 2021.

Cụ thể, mức rút vốn ròng trung, dài hạn cả năm dự kiến ở mức 6.346 triệu đô la. Con số này chưa bao gồm các khoản vay nước ngoài mới phát sinh đăng ký và rút vốn trong quí 4-2021

Còn tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn dự kiến ở mức 25% một năm, vượt hạn mức được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 856 là 18-20%.

Theo Bộ Tài chính, có 4 nguyên nhân chính khiến giá trị các khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh tăng mạnh trong năm 2021.

Thứ nhất, nhu cầu vay nước ngoài nhằm đáp ứng nguồn vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gia tăng trong bối cảnh lãi suất toàn cầu giảm mạnh. Điều này, theo Bộ Tài chính, phù hợp với chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và hỗ trợ nhập khẩu hàng hóa dịch vụ tăng cao trong bối cảnh điều kiện lãi suất toàn cầu giảm mạnh.

Thứ hai, các doanh nghiệp giãn tiến độ trả nợ vay nước ngoài sang các năm tiếp theo do khó khăn tài chính vì dịch bệnh làm số trả nợ giảm dẫn đến số rút vốn ròng tăng hơn mức dự báo.

Thứ ba, các TCTD đẩy mạnh vay nước ngoài để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh được giãn nợ theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Thứ tư, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan vào sự phát triển của thị trường Việt Nam. Điều này thể hiện qua nhu cầu mua trái phiếu quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam phát hành từ đầu năm đến nay tăng cao.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới