(KTSG Online) - Cuộc khảo sát mới nhất của Atradius cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thắt chặt thanh khoản do nợ khó đòi giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và nợ xấu ở mức cao.
Các tập đoàn bán lẻ Mỹ xoay xở xử lý “núi” hàng tồn kho
Hàng dệt may Việt Nam gặp khó vì người Mỹ giảm chi tiêu
Cụ thể, theo khảo sát, có đến gần một nửa (48%) tổng giá trị doanh số bán hàng B2B bằng tín dụng vẫn chưa được thanh toán vào ngày đáo hạn và nợ xấu lên đến 6% tổng số hóa đơn của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tuy nhiên số doanh nghiệp tại Việt Nam thuê dịch vụ ngoài của công ty bảo hiểm tín dụng hoặc mua các giải pháp tài chính thương mại để bảo vệ mình trước rủi ro tín dụng thương mại lại thấp hơn doanh nghiệp ở các nước trong khu vực.
Đây là những điểm mấu chốt trong Báo cáo về Xu hướng thực tiễn thanh toán ở Việt Nam, được Atradius phát hành lần đầu tiên cho thị trường Việt Nam và được bà Vũ Thị Đức Hạnh, Giám đốc Quốc gia của Atradius Việt Nam, chia sẻ với báo chí vào chiều ngày 19-7.
Nghiên cứu dựa trên phỏng vấn trên web có máy tính hỗ trợ (CAWI) được thực hiện với 200 đầu mối liên hệ thích hợp quản lý các khoản phải thu tại Việt Nam trong quý 2 năm 2022, bởi CSA Research, một công ty nghiên cứu thị trường độc lập có trụ sở tại Mỹ.
200 công ty tham gia cuộc khảo sát đến từ năm ngành công nghiệp gồm nông sản và thực phẩm, hóa chất, thép/kim loại, hàng tiêu dùng lâu bền và dệt/may mặc.
Bán hàng trả chậm là phương thức phổ biến tại thị trường Việt Nam, với trọng tâm là khuyến khích duy trì kinh doanh với các khách hàng trung thành và tin cậy hiện có.
Tuy nhiên, khảo sát của Atradius cho thấy gần một nửa tổng giá trị doanh số bán hàng trả chậm B2B vẫn chưa được thanh toán vào ngày đáo hạn, dẫn đến nguy cơ rủi ro dòng tiền của doanh nghiệp.
Cụ thể, báo cáo cho thấy hơn một nửa (58%) tổng giá trị giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong những tháng qua được thực hiện bằng hình thức bán hàng trả chậm và có tới 48% các giao dịch này là hóa đơn quá hạn. Thêm vào đó, mức độ xoá nợ là 6% (con số này là 9% cho ngành thép/kim loại).
Theo Atradius, các doanh nghiệp Việt Nam đã thực hiện một loạt các hành động để giảm độ dài của thời hạn thu hồi tiền hàng tồn đọng (DSO), giúp cải thiện dòng tiền, bao gồm đàm phán các điều khoản thanh toán ngắn hơn với khách hàng, cung cấp chiết khấu để thanh toán hóa đơn nhanh hơn.
Do đó, sự cần thiết phải có chiến lược quản lý tín dụng chặt chẽ là nội dung chủ đạo suốt cuộc khảo sát. Khảo sát cũng cho thấy các công ty được thăm dò ý kiến tại thị trường Việt Nam đều kỳ vọng thực tiễn thanh toán của khách hàng B2B của họ sẽ được cải thiện trong 12 tháng tới.
Có 51% các công ty chọn lựa giải pháp tự quản lý rủi ro khách hàng ngay cả khi rủi ro của chiến lược này là tạo gánh nặng nguồn lực và không cho phép công ty sử dụng các nguồn tiền đó để mở rộng kinh doanh.
Mặt khác, 42% các công ty ở Việt Nam được hỏi thuê dịch vụ ngoài của một công ty bảo hiểm tín dụng hoặc mua các giải pháp tài chính thương mại cụ thể. Tỷ lệ này so với các nước khác là thấp hơn như Indonesia (56%), Singapore (45%), Ấn Độ (72%) hay Trung Quốc (45%),…
Theo nhà khảo sát, việc áp dụng các chiến lược và công cụ quản lý rủi ro tín dụng mạnh mẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ doanh nghiệp trước những khách hàng không trả được nợ. Chiến lược này cũng mang lại quyền truy cập vào thông tin rủi ro chuyên sâu của khách hàng tiềm năng và theo dõi thường xuyên thông tin thị trường.
"Một công cụ như bảo hiểm tín dụng thương mại có thể giúp các doanh nghiệp cải thiện DSO và giải phóng vốn lưu động", bà Đức Hạnh nói.
Báo cáo về Xu hướng Thực tiễn Thanh toán của Atradius là một khảo sát hàng năm về thực tiễn thanh toán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) ở các thị trường trên toàn thế giới, được thực hiện dựa trên cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các doanh nghiệp B2B trên khắp Châu Á, Úc, Châu Âu và Bắc Mỹ, để cung cấp thông tin chi tiết về xu hướng thực tiễn thanh toán của các khách hàng mà họ thực hiện giao thương cùng. Báo cáo ghi nhận phản hồi trực tiếp từ các doanh nghiệp ở một thị trường hoặc khu vực nhất định về cách họ quản lý rủi ro không thanh toán liên quan đến việc bán hàng trả chậm cho khách hàng B2B.Atradius là tập đoàn cung cấp bảo hiểm tín dụng thương mại, bảo lãnh,... với sự hiện diện chiến lược tại hơn 50 quốc gia.