(KTSG Online) - Năm giờ chiều hôm qua, thứ Ba 23 tháng 5, báo mạng Dân Trí đăng tin với nhan đề “Toàn quốc hết sạch vaccine 5 trong 1 từ tháng 2, sắp cạn nhiều vaccine khác”(1).
Bài báo dẫn lời Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thuộc Bộ Y tế cho biết “toàn quốc đã hết sạch vaccine 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B) từ tháng 2”(2).
Bài báo nói thêm nhiều loại vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng cũng đang cạn dần. Riêng vaccine DPT bắt đầu hết, trong khi vaccine BCG phòng lao, vaccine sởi, rubella còn có thể dùng đến tháng 7-8.
Nhiều người đọc – nhất là phụ huynh có con nhỏ – chắc hẳn một lần nữa không khỏi giật mình với thông tin này. Báo giới và dư luận đã nhiều lần lên tiếng báo động chuyện thiếu thuốc, thiếu dụng cụ - thiết bị y tế, nói chung. Vaccine cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, tin một loại vaccine rất cần thiết cho trẻ em đã hết từ tháng 2 cộng với nhiều vaccine quan trọng cho sức khỏe trẻ em khác cũng sắp cạn kiệt chẳng khác nào giọt nước làm “tràn ly nỗi lo” của nhiều phụ huynh.
Theo bài báo, lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay chương trình tiêm chủng mở rộng đã tổng hợp nhu cầu vaccine của các tỉnh để gửi lên cấp trên, và Bộ Y tế đang rất nỗ lực để sắp tới trình Chính phủ về kế hoạch được phép cung ứng vaccine theo hình thức tập trung.
Vẫn biết trong cơn đại dịch Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam, chuyện thiếu thuốc, thiếu vaccine không phải là hiếm. Người dân phải cùng nhau chịu đựng vấn đề bất khả kháng này.
Tuy nhiên, đến nay y tế thế giới đã tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu với con virus corona SARS-CoV-2 và nghe đâu Việt Nam cũng đang chuẩn bị làm điều tương tự. Do vậy, vin vào những lý do thời đại dịch để nói rằng thiếu vaccine vẫn là chuyện bất khả kháng thì rất khó thuyết phục.
Người viết không tìm thấy trong bài báo đã dẫn lý do rõ ràng giải thích nguyên nhân vẫn thiếu hụt các loại vaccine kể trên. Tuy nhiên, một số thông tin trong bài cũng phần nào cho thấy bóng dáng của nguyên nhân đằng sau. Và đó cũng không có gì mới: vướng mắc trong vấn đề đầu thầu và giá các loại vaccine!
Và đây cũng hoàn toàn không mới. Vấn đề này đã được đề cập đến nhiều lần từ lâu, cũng được hứa là sẽ giải quyết. Nhưng căn cứ vào diễn biến mới nhất của tin về vaccine 5 trong 1, vấn đề vẫn còn đó.
Xin kể một chuyện khác, tuy không liên quan trực tiếp nhưng chúng ta vẫn nên tự soi mình.
Cũng vào ngày hôm qua, báo chí dẫn nguồn Bộ Y tế cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tìm nguồn hỗ trợ khẩn cấp thuốc giải độc tố botulinum cho Việt Nam(3). Đây là hình thức ngộ độc do nhiễm độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum. Tuy hiếm gặp, loại ngộ độc từ thực phẩm kém chất lượng bảo quản không tốt này rất nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân.
Điều không may là loại bệnh hiếm đó lại gây ra sáu ca ngộ độc ở TPHCM, từ ngày 13-5 đến nay. Trong sáu ca này, ngoài ba anh em ruột được chia nhau hai liều giải độc duy nhất còn sót lại ở Việt Nam, các bệnh nhân còn lại đang được điều trị cầm cự vì thuốc đã hết(4).
Việt Nam đang tìm sự giúp đỡ của WHO và các nơi khác. Từ vài tin liên quan, người viết ước đoán rằng chỉ trên dưới một tuần lễ, WHO đã có phúc đáp cho biết họ đang tìm nguồn cung cấp. Hiện nay, vẫn chưa rõ đến bao giờ họ mới tìm được thuốc cho trường hợp khẩn cấp tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự phúc đáp nhanh đó cũng cho thấy tinh thần khẩn trương của WHO, một tổ chức quốc tế mà Việt Nam là một trong số gần 200 thành viên.
Câu chuyện này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, hiếm gặp không có nghĩa là không xảy ra. Do vậy, phải có biện pháp ứng phó từ trước mới mong kịp trở tay khi biến cố ập đến.
Trở lại với Việt Nam, dù chúng ta rất “nỗ lực” – kéo dài từ tháng 2 đến nay, chắc cũng đã gần bốn tháng – câu trả lời cho việc cung ứng các loại vaccine trẻ em đã hay sắp cạn kiệt vẫn chưa rõ ràng.
Thêm nữa, không như thuốc giải độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum rất hiếm gặp, các bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng phổ biến hơn nhiều. Người dân nói chung và phụ huynh nói riêng rất mong câu trả lời từ phía người có trách nhiệm về vấn đề này.
-----------------
(4)https://dantri.com.vn/suc-khoe/khong-loai-tru-co-ca-ngo-doc-botulinum-moi-khan-xin-nhap-thuoc-8000-usd-20230523150310472.htm
Không phải là “toàn quốc” hết vaccin. Việc này chỉ xảy ra ở khu vực công thôi. Còn khu vực tư, may mắn thay, vẫn vận hành bình thường. Tiền trao đủ, có vaccin chích.
Đã đến lúc nên quy định về thời gian để thực hiện 1 nghị định, 1 thông tư, 1 văn bản…, có như vậy người dân mới được hưởng lợi từ chế độ, chính sách ưu việt của nhà nước.