(KTSG Online) - Trong bối cảnh các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh thì sự dịch chuyển không chỉ là câu chuyện của làn sóng người rời khỏi TPHCM để về các tỉnh thành khác mà còn phản ánh thực trạng dòng người quay trở lại thành phố làm việc.
Nhu cầu đi lại giao thương giữa các địa phương cũng được đẩy mạnh hơn. Đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế từng bước phục hồi và TPHCM đang tìm cách thu hút lực lượng lao động trở lại ngày một nhanh hơn.
Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2021, TPHCM dự kiến cần thêm khoảng 60.000 lao động và đến quí 1-2022 cần khoảng 120.000-140.000 lao động. Về phương án thu hút lao động, lãnh đạo Sở cho biết hiện nay nhu cầu cần tuyển dụng lao động khá lớn bởi sự phục hồi của doanh nghiệp tăng lên theo từng ngày, từng tuần, từng tháng. Tuy nhiên, lượng lao động quay lại vẫn nhỏ giọt dù việc di chuyển liên tỉnh đã được nới lỏng hơn.
Để thu hút và hỗ trợ người lao động, thành phố có nhiều phương án cụ thể như tổ chức tiêm vaccine ngay khi người lao động vừa vào thành phố, khu vực giáp ranh, tại nhà máy hoặc nơi lưu trú. Người ở tỉnh cần hỗ trợ đi lại có thể liên hệ với sở lao động nơi mình sống, Sở Giao thông Vận tải và Bộ Tư lệnh TPHCM sẽ tổ chức đón.
Về việc làm của người lao động, ông Lâm cho biết, người lao động làm việc ở doanh nghiệp nào sẽ được đơn vị đó mời quay lại khi hoạt động trở lại. Nếu cần đào tạo, chuyển hướng làm việc hoặc thay đổi ngành nghề, ở thành phố có 398 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đăng tải thông tin rộng rãi trên website của Sở và hơn 100 trung tâm dịch vụ, giới thiệu việc làm để hỗ trợ lao động tìm việc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM cho rằng, vấn đề lao động chỉ là khó khăn trước mắt của TPHCM bởi khi tình hình dịch bệnh ổn định người lao động sẽ trở lại nhiều hơn. Tuy nhiên để đẩy nhanh quá trình này trung tâm đã triển khai kế hoạch với tên gọi "combo việc làm 3 trong 1" giúp lao động hồi hương muốn quay lại thành phố. Theo đó, từ 1-10 đến 30-11 người lao động khi liên hệ Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM sẽ được hỗ trợ “nhà trọ 0 đồng - test nhanh miễn phí - có việc làm ngay”.
Lao động khó khăn chỗ ở được trung tâm giới thiệu đến các nhà trọ tại 21 quận, huyện, thành phố Thủ Đức ở miễn phí ít nhất tháng đầu tiên. Nếu chủ doanh nghiệp muốn nhân viên có kết quả xét nghiệm âm tính trong ngày phỏng vấn hoặc nhận việc, trung tâm sẽ test nhanh miễn phí tại địa chỉ 1A Nguyễn Văn Lượng, phường 6, quận Gò Vấp. Thông qua trung tâm, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 50.000 vị trí nên người thất nghiệp sẽ được giới thiệu việc làm ngay.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động đưa lao động trở lại như xe đưa đón tận nơi... Nhiều tỉnh thành cũng cho biết không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu việc làm, do đó trong 1-2 tuần tới sẽ kết nối đưa người lao động quay lại TPHCM.
"Hiện có 2 trung tâm dịch vụ việc làm ở quận Bình Thạnh, các cơ quan này có địa chỉ người lao động và doanh nghiệp cần tìm việc và tìm người. Trung tâm giới thiệu việc làm sẽ là đầu mối kết nối 2 bên, nếu phù hợp nhu cầu sẽ giới thiệu để doanh nghiệp phỏng vấn. người lao động có thể liên hệ online trước các trung tâm việc làm này để cơ quan này tìm, kết nối các việc làm phù hợp", ông Cường nói.
Hiện UBND TPHCM đã có văn bản 3231 về phương thức đưa đón vận chuyển công nhân quay lại thành phố, do đó thời gian tới, số lao động trở lại làm việc sẽ tăng lên và tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ khả quan hơn. Theo đó, người lao động là người mắc Covid-19 và đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm vaccine ít nhất 1 mũi, đối với vaccine tiêm 2 mũi thì được quay lại thành phố.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, khi thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách đã có hơn 600.000 người lao động về quê tránh dịch, trong đó có 300.000 công nhân. Sau nửa tháng, các doanh nghiệp hoạt động trở lại đã có hơn 140.000 người quay lại. Riêng về nhu cầu tuyển mới, từ đây đến cuối năm, thành phố có đến 60.000 vị trí việc làm chờ người lao động.
Bên cạnh tuyên dương thành tích các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân đội, công an… Nhà nước cần thiết phải có giải thưởng vinh danh xứng đáng những doanh nghiệp có thành tích bảo vệ người lao động khỏi mất việc, mất thu nhập, mất phúc lợi xã hội trong thời kỳ đại dịch. Tuyến đầu mà không có tuyến sau thì cũng thất bại. Cả hai tuyến phải cùng nhau mạnh mẽ thì cả nước mới an toàn và phát triển bền vững được.
TPHM phải có kịch bản chung sống với thực trạng thiếu hụt người lao động sau Covid. Đây cũng là cơ hội tái cơ cấu nhân lực và nguồn lực phát triển kinh tế. Thành phố sẽ không còn thu hút nhà máy xí nghiệp cần nhiều lao động giản đơn nữa mà thay vào đó phải chuyển đổi sang ngành nghề kỹ thuật chất lượng cao. Định hướng này sẽ kéo theo nhiều thay đổi lớn trong chiến lược cơ cấu lại mô hình kinh tế của thành phố trong vài chục năm đến, vì vậy cần phải có giải pháp ngay từ bây giờ.