Thứ ba, 26/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nở rộ dịch vụ cho vay dựa vào tài sản thế chấp tiền kỹ thuật số

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các dịch vụ cho vay dựa vào tài sản thế chấp là tiền kỹ thuật số đang phát triển ở Mỹ, cho phép những người sở hữu tiền kỹ thuật số vay tiền để mua nhà, mua xe và gia tăng đặt cược vào tiền kỹ thuật số.

Kris Kostadinov, một nhà đầu tư tiền ảo ở Mỹ, suýt bị bán giải chấp khi giá đồng eth lao dốc trong mùa hè vừa qua do vay tiền để đầu tư. Ảnh: WSJ

Dùng tiền kỹ thuật số để vay tiền mua nhà

Trong 10 năm qua, thị trường tiền kỹ thuật số đã phát triển tương tự như các hệ thống tài chính truyền thống, với sự ra đời của các sàn giao dịch, nhà kiến tạo thị trường và các tổ chức cho vay giúp nhà đầu tư chuyển tiền kỹ thuật số thành đô la Mỹ.

Michael Anderson, 30 tuổi, một nhà đầu tư tiền kỹ thuật số chuyên nghiệp, từng đào bitcoin trong căn phòng ký túc xá vào thời sinh viên, rồi sau đó, bỏ một công việc văn phòng để đầu tư vào các dự án tiền kỹ thuật số. Khi mua ngôi nhà đầu tiên ở  TP. San Francisco (Mỹ) trong năm nay, anh không vay ngân hàng, thay vào đó, anh thế chấp tiền kỹ thuật số để vay từ các công ty cho vay phi ngân hàng và các nền tảng cho vay tự động vận hành dựa trên nền tảng blockchain.

Giống như ngân hàng, các tổ chức cho vay này cũng nhận tiền gửi nhưng không phải là các đồng tiền pháp định mà là tiền kỹ thuật số. Các khoản tiền gửi này, có lãi suất cao hơn mức lãi suất trung bình, có thể được sử dụng như tài sản thế chấp để vay tiền. Người vay có thể nhận tiền vay bằng đồng đô la Mỹ hoặc các tiền tệ truyền thống khác hoặc các đồng tiền kỹ thuật số ổn định (stablecoins).

Anderson bắt đầu đầu tư vào tiền kỹ thuật số vào những năm thị trường này mới hình thành. Sau khi phát hiện một bất động sản chào bán có giá hấp dẫn ở San Francisco, anh đã ngã giá và được chấp nhận.

Để huy động nguồn tài chính mua nhà, anh đăng nhập vào một ứng dụng của nền tảng Maker Protocol và thế chấp một phần tiền kỹ thuật số eth của anh để vay một số tiền kỹ thuật số ổn định có tên gọi “dai”, với lãi suất 0,5%. Khoản vay được rót vào ví điện tử của anh ngay lập tức.

Anh đã chuyển số dai này sang một đồng tiền kỹ thuật số ổn định khác, có tên gọi USD Coin, rồi sau đó sử dụng sàn giao dịch Coinbase để chuyển USD coin thành đô la Mỹ. Anh cho biết đã thế chấp số eth có giá trị cao gấp 2,5 lần giá trị khoản vay để giảm nguy cơ bán giải chấp.

Maker Protocol là một nền tảng tài chính phi tập trung (DeFi), có nghĩa là quá trình giải ngân khoản vay được tự động hóa và những bên vay và cho vay không cần phải nêu danh tính. Các tổ chức cho vay dựa vào tiền kỹ thuật số khác như Nexo, BlockFi và Celsius đều vận hành có sự can thiệp của con người đồng thời thu thập thông tin nhận dạng của khách hàng.

Tăng trưởng nhanh chóng

Mảng kinh doanh cho vay dựa vào tiền kỹ thuật số đang tăng trưởng nhanh chóng. Theo hãng nghiên cứu tiền kỹ thuật số Messari, một trong những tổ chức cho vay dựa vào tài sản thế chấp tiền kỹ thuật số đang có số dư nợ cho vay đối với các khách hàng cá nhân và tổ chức vay lên đến 25 tỉ đô la Mỹ, tăng mạnh so với con số 1,4 tỉ đô cách đây 1 năm.

Những người gửi tiền kỹ thuật số vào nền tảng cho vay Celsius Network, có trụ sở ở London (Anh) hưởng mức lãi suất lên đến 6,2% cho mỗi bitcoin. Trong khi đó, những người vay tiền bằng cách thế chấp bitcoin từ công ty này trả lãi suất dao động từ 0-8,95% mỗi năm. Alex Mashinsky , Giám đốc điều hành Celsius Network cho biết một số nguồn vốn mà Celsius Network huy động được đến từ các quỹ phòng hộ đang “khát” lợi tức trong thế giới lợi suất trái phiếu chính phủ giảm xuống các mức thấp kỷ lục.

Ông khuyên khách hàng vay tiền để trả các khoản nợ sinh viên, thẻ tín dụng và để có chi phí tổ chức đám cưới.

Nhiều người sử dụng các khoản vay thế chấp tiền kỹ thuật số với mục đích giống như cách mà họ vay margin chứng khoán, tức tiếp tục mua các đồng tiền kỹ thuật số để tận dụng đà tăng giá của chúng. Chẳng hạn như đồng tiền kỹ thuật số eth, có vốn hóa lớn thứ 2 trên thị trường tiền kỹ thuật số, chỉ sau bitcoin, đã tăng giá gần 10 lần trong năm qua.

Rủi ro tài sản tiền kỹ thuật số bị bán giải chấp

Antoni Trenchev, người đồng sáng lập và là đối tác quản lý ở Nexo Capital (Anh), một công ty cho vay dựa vào tiền kỹ thuật số khác ở London, nói:  “Ý tưởng của dịch vụ chúng tôi là giúp bạn chuyển một số tài sản số thành các lợi ích trong thế giới thực, vì vậy, bạn không thể đánh mất chúng”.

Tuy nhiên, chiến lược này cũng đối mặt với các rủi ro trong thế giới thực. Giống như vay tiền dựa vào tài sản ký quỹ là các chứng khoán truyền thống, các khoản vay dựa vào tiền kỹ thuật số bị giới hạn ở một tỷ lệ phần trăm nhất định so với giá trị tài sản thế chấp. Nếu giá trị tài sản thế chấp, chẳng hạn bitcoin, giảm giá mạnh, tổ chức cho vay có thể tiến hành bán giải chấp (margin call) và thu giữ hết giá trị tài sản của khách vay.

Nếu một tổ chức cho vay dựa vào tiền kỹ thuật số sụp đổ hay trở thành nạn nhân của một vụ tin tặc cướp tiền kỹ thuật số, không có quy định bảo hiểm nào của liên bang bảo đảm người gửi tiền được bồi thường.

Henderson Le, một nhà đầu tư tiền kỹ thuật số ở Los Angeles. đã tìm đến BlockFi khi anh cần vay số tiền có giá trị tương đương 50% giá trị danh mục tiền kỹ thuật số của anh. Mức lãi suất số tiền vay này khoảng 10%/năm.  Sau đó, anh gửi một phần số tiền vay này vào tài khoản có lãi suất ở BlockFi với mức lên đến 8%, giúp giảm đáng kể mức lãi vay mà anh phải trả.

Anh cũng sử dụng khoản vay để mua một chiếc xe điện Tesla mới, mua một cây bút Montblanc và mua thêm bitcoin. Nhiều người sử dụng khoản vay dựa vào tiền kỹ thuật số để tăng đặt cược vào tiền kỹ thuật số.

Hồi đầu năm nay, Kris Kostadinov, 27 tuổi, đã vay tiền kỹ thuật số ổn định tether (USDT), có trị giá 14.000 đô la Mỹ, từ nền tảng tài chính phi tập trung Aave. Anh đã sử dụng số tiền vay để mua bán đồng tiền kỹ thuật số eth và các NFT (các chứng chỉ dựa vào blockchain không thể thay đổi để xác thực tính chân thật của các tài sản số như tranh ảnh nghệ thuật)

Anh suýt bị bán giải chấp khi giá đồng eth lao dốc trong mùa hè vừa qua. Tuy nhiên, nhờ thị trường tiền kỹ thuật số phục hồi, giờ đây, giá trị khoản đầu tư tiền kỹ thuật số mà anh mua bằng tiền vay đã tăng lên mức 60.000 đô la.

“Nếu nằm yên trong tài khoản ngân hàng, tiền của tôi chỉ có giảm vì lạm phát bào mòn giá trị của chúng”, anh nói. Ông Craig Bickley, một kỹ sư điện 45 tuổi, gần đây đã vay tiền thông qua một nền tảng DeFi, có tên gọi Anchor Protocol, để có chi phí trang trải cho một dự án tạo phong cảnh ở ngôi nhà của ông ở Fort Worth, bang Texas.

Ông chỉ mới đầu tư tiền kỹ thuật số vào hồi đầu năm nay và đã sử dụng Anchor Protocol để tiến hành một loạt giao dịch gửi tiền, vay tiền và đầu tư. Nếu tỉnh giấc vào nửa đêm, ông sẽ kiểm tra giá tiền kỹ thuật số trên điện thoại để bảo đảm rằng ông không đối mặt với nguy cơ bán giải chấp. Khi thị trường tiền kỹ thuật số lao dốc vào hôm 7-9, anh dành suốt cả ngày hôm đó để điều chỉnh các vị thế mua bán để tránh bị bán giải chấp.

Dịch vụ cho vay dựa vào tiền kỹ thuật số đang thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý. Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch MỸ (SEC) đang điều tra kế hoạch cho vay dựa tiền kỹ thuật số của Công ty Coinbase Global, sở hữu sàn giao dịch tiền kỹ thuật số lớn nhất Mỹ. SEC bắn tín hiệu cảnh báo sẽ kiện nếu công ty này quyết định triển khai chương trình cho vay.Hồi tháng 7, cơ quan quản lý chứng khoán của bang New Jersey ra lệnh cấm tổ chức cho vay dựa vào tiền kỹ thuật số BlockFi bán một chứng khoán chưa đăng ký dưới dạng tài khoản tiền kỹ thuật số có lãi suất, mà cho đến nay đã huy động được 14,7 tỉ đô la từ các nhà đầu tư trên toàn cầu. BlockFi cho biết đang thảo luận với các cơ quan quản lý và tin rằng dịch vụ của công ty này hợp pháp.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới