Chủ Nhật, 29/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nợ thuế: Doanh nghiệp trước rủi ro bị giải thể

LS. Nguyễn Nhật Dương(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hiện nay, pháp luật đã quy định một số biện pháp chế tài mà các cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng đối với doanh nghiệp nợ thuế. Những chế tài này ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí khiến doanh nghiệp bị buộc phải giải thể. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến rủi ro của doanh nghiệp nợ thuế buộc phải giải thể nếu bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Cơ quan thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh là hai trong số những cơ quan nhà nước quản lý liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong một số trường hợp, hai cơ quan này sẽ phối hợp với nhau trong quản lý doanh nghiệp mà việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do nợ thuế là một trong số đó.

Biện pháp cưỡng chế “mạnh tay”, có điều kiện

Theo quy định tại khoản 1 điều 125 Luật Quản lý thuế 2019, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, bên cạnh những biện pháp khác như: (i) Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác, phong tỏa tài khoản; (ii) Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; (iii) Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; (iv) Ngừng sử dụng hóa đơn; (v) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; và (vi) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ.

Biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được xem là nặng nề nhất với doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục giải thể bắt buộc theo quy định tại điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020. Tuy nhiên, điểm a khoản 1 điều 37 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế đã quy định biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được thực hiện khi cơ quan quản lý thuế không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế còn lại đã được nêu ở trên hoặc đã áp dụng các biện pháp trên nhưng vẫn không thu đủ tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 điều 125 Luật Quản lý thuế(1).

Như vậy để áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ít nhất cơ quan thuế đã phải áp dụng các biện pháp như ngừng sử dụng hóa đơn; hoặc kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; hoặc thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ.

Từ cơ sở trên, doanh nghiệp có thể kiểm tra tình trạng giải quyết nợ thuế của doanh nghiệp, có nguy cơ bị áp các biện pháp cưỡng chế nào, có nguy bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không, từ đó đưa ra quyết định tiếp theo cho phù hợp.

Góc nhìn từ thực tế

Trên thực tế, không hiếm các trường hợp doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do nợ thuế.

Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Đức Vân (mã số doanh nghiệp: 5800591858) đã bị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào ngày 27-4-2018 theo yêu cầu của Chi cục thuế huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng với lý do nợ thuế(2). Cũng trong ngày này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cũng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Ngọc Đăng Châu (mã số doanh nghiệp: 5801063882) và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Trần Tiến Bảo Lộc với cùng lý do trên.

Mặc dù việc thu hồi này của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra từ năm 2018, quy định pháp luật tại thời điểm đó (Luật Quản lý thuế 2006, sửa đổi, bổ sung 2012 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp) và hiện nay (Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP) là tương đồng đối với trường hợp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Mới đây, Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 19-4-2024 về việc đề nghị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Quảng Thành (Mã số doanh nghiệp: 4300332483) với lý do Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định, nhưng công ty này vẫn còn nợ tiền thuế quá hạn phải thực hiện cưỡng chế là: 791.368.738 đồng. Tuy hiện tại chưa có thông tin về việc liệu rằng doanh nghiệp này đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay chưa nhưng đến ngày 24-4-2024, Cục thuế tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp tục có thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Bùi Văn Trí, là người đại diện theo pháp luật của Công ty Quảng Thành nói trên(3).

Như đã đề cập ở trên, việc xem xét liệu rằng cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế về thuế khác đối với doanh nghiệp trước khi yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hay chưa là rất quan trọng, bởi lẽ đây là điều kiện để cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Minh chứng cho việc này là vào ngày 15-12-2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã có công văn gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, trong đó có đề cập đến yêu cầu của Cục thuế tỉnh Lâm Đồng về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp nợ thuế(4). Theo đó, cơ quan này viện dẫn quy định tại điểm a khoản 1 điều 37 Nghị định 126/2020/NĐ-CP như tác giả đã đề cập để làm cơ sở cho việc chưa thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với lý do cơ quan thuế chưa áp dụng các biện pháp cưỡng chế về thuế còn lại.

Tác giả cho rằng ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đưa ra trong công văn này là phù hợp với quy định của pháp luật, bởi lẽ việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp phải giải thể bắt buộc. Về mục đích của hoạt động cưỡng chế về thuế, biện pháp này gần như không có giá trị để thu hồi số tiền thuế mà doanh nghiệp nợ. Do đó, không phải hiển nhiên mà cơ quan lập pháp đã quy định đây là biện pháp cuối cùng mà cơ quan thuế có thể áp dụng khi không thể áp dụng hoặc đã áp dụng các biện pháp có mức độ tác động đến doanh nghiệp thấp hơn trước đó mà không có hiệu quả.

Tóm lại, doanh nghiệp bị nợ thuế cần lưu ý đến rủi ro bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bởi việc này hoàn toàn có cơ sở pháp lý và đã xảy ra khá nhiều trên thực tế. Doanh nghiệp cũng cần nắm rõ về điều kiện, trình tự mà cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đặc biệt là việc rà soát, kiểm tra liệu rằng doanh nghiệp của mình đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế về thuế khác hay chưa để có những hành động phù hợp, tránh rơi vào tình trạng phải giải thể bắt buộc vì nợ thuế.

(*) Công ty Luật TNHH HM&P

(1) Khoản 3 điều 125 Luật Quản lý thuế quy định đối với các biện pháp cưỡng chế (i) Ngừng sử dụng hóa đơn; (ii) Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; (iii) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; và (iv) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trường hợp không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trước thì cơ quan quản lý thuế chuyển sang áp dụng biện pháp cưỡng chế sau.

(2) https://lamdong.gov.vn/sites/doanhnghiep/tonghop/thu-hoi-giay-phep-kddt/Shared%20Documents/Bao%20Lam%202.PDF, truy cập ngày 29-7-2024.

(3) https://quangngai.gdt.gov.vn/wps/wcm/connect/d27a672d-ea78-40e6-bbde-1d129983c26b/2169.pdf?MOD=AJPERES&CACHEID=ROOTWORKSPACEd27a672d-ea78-40e6-bbde-1d129983c26b, truy cập ngày 29-7-2024.

(4) https://media.lamdong.gov.vn/media/1b7ef207-807b-443f-8739-dbd08072eb87, truy cập ngày 29-7-2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới