Thứ năm, 12/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Nợ xấu các ngân hàng sắp đạt đỉnh?

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau giai đoạn tăng mạnh trong năm 2023 và nửa đầu năm nay, nợ xấu của toàn ngành trong quí 3 vừa qua vẫn đi lên, nhưng tốc độ tăng có dấu hiệu chậm lại. Trước đó, nhiều dự báo của giới phân tích cho rằng nợ xấu có thể đạt đỉnh trong quí 3, chậm nhất cũng chỉ trong quí 4 năm nay.

Nợ xấu quí 3-2024 của VPBank giảm 1.180 tỉ đồng, tương đương giảm 3,7% so với quí 2-2024.
Ảnh: LÊ VŨ

Nợ xấu quí 3-2024 chững lại

Nợ xấu của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quí 3-2024 ở mức gần 259.000 tỉ đồng, tăng 56.400 tỉ đồng, tương đương 27,8% so với đầu năm. Trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành vẫn trong xu hướng đi lên, một số tổ chức tín dụng ghi nhận nợ xấu giảm trong quí 3 vừa qua.

Cụ thể, 10 ngân hàng có nợ xấu đi xuống so với quí 2 với tổng mức giảm 7.120 tỉ đồng. Ngân hàng Quốc dân (NCB) giảm 2.940 tỉ đồng, tương đương giảm 13%; VietinBank giảm 1.420 tỉ đồng, tương đương giảm 5,8%; VPBank giảm 1.180 tỉ đồng, tương đương giảm 3,7%.

Ở chiều ngược lại, 19 ngân hàng có nợ xấu tiếp tục tăng trong quí 3 với tổng mức tăng 20.150 tỉ đồng.

Xét trên tỷ lệ nợ xấu, có 13 ngân hàng giảm so với quí trước, lớn nhất là NCB, Bản Việt, VietA Bank, ABBank và VPBank. Dù vậy, vẫn còn 11 ngân hàng để tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% tính đến ngày 30-9, tăng thêm một ngân hàng so với quí 2 và thêm bốn ngân hàng so với đầu năm. Tính chung trên 29 ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu là 2,28%, tăng 0,29% so với đầu năm và tăng 0,04% so với quí trước.

Ngoài yếu tố nợ xấu tuyệt đối giảm, dư nợ cho vay tại một số ngân hàng tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn cũng góp phần kéo giảm được tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng này. Đơn cử như KienLong Bank và SeABank có nợ xấu tuyệt đối tăng tương ứng là 22 tỉ đồng và 135 tỉ đồng so với quí 2, nhưng dư nợ cho vay tăng mạnh hơn lần lượt là 2.300 tỉ đồng và 10.900 tỉ đồng. Điều này giúp tỷ lệ nợ xấu giảm 0,04% so với quí trước.

Với lợi nhuận duy trì đà tăng trưởng tích cực, trong đó không ít ngân hàng ghi nhận lãi lớn nhờ vào quy mô tín dụng tăng mạnh và chi phí vốn đầu vào thấp hơn so với cùng kỳ, các ngân hàng cũng tích cực sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho các khoản nợ xấu, giúp giảm sức ép cho phần nợ xấu nội bảng trên bảng cân đối kế toán.

Như vậy, sau giai đoạn tăng mạnh trong năm 2023 và nửa đầu năm nay, nợ xấu của toàn ngành trong quí 3 dù tiếp tục đi lên nhưng tốc độ có dấu hiệu chậm lại. Trước đó, nhiều dự báo của giới phân tích cho rằng nợ xấu có thể đạt đỉnh trong quí 3 hoặc nếu chậm nhất cũng chỉ trong quí 4 năm nay.

Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 9-2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành (bao gồm các ngân hàng yếu kém) ở mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, chủ yếu do quy mô dư nợ toàn ngành tiếp tục mở rộng từ đầu năm đến nay. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đến ngày 30-9 đạt 9% so với đầu năm, tương đương đã có thêm hơn 1,22 triệu tỉ đồng được cho vay trong nền kinh tế.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành ngân hàng mới đây, Công ty Chứng khoán SSI dự báo tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng sẽ giảm còn 1,89% trong quí 4. Điều này dựa trên cơ sở quí 4 thường là thời điểm các ngân hàng mở rộng tăng trưởng tín dụng, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu. Trước đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng kỳ vọng bức tranh nợ xấu sẽ có tín hiệu khả quan từ quí cuối năm nhờ hoạt động kinh tế khởi sắc và thị trường bất động sản phục hồi dần cùng chính sách tín dụng thận trọng hơn.

Yếu tố tác động và xu hướng sắp tới

Kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ trong quí 3 vừa qua, với GDP tăng mạnh 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Các điều kiện sản xuất kinh doanh được mở rộng, đơn hàng xuất khẩu được nối trở lại giúp hoạt động của các doanh nghiệp phục hồi ổn định. Năng lực tài chính được cải thiện đáng kể đã góp phần tác động tích cực và kìm hãm tốc độ tăng của nợ xấu trong những tháng gần đây.

Bên cạnh đó, sau một thời gian thực hiện, làn sóng phải chuyển nhóm nợ hàng loạt theo nhóm nợ cao nhất của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cũng đã đến ngưỡng nên không còn tác động quá lớn đến nợ xấu của nhiều ngân hàng như giai đoạn trước.

Thông tư 06 của NHNN ban hành và có hiệu lực từ ngày 18-6-2024, cho phép các tổ chức tín dụng kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ cho khách hàng đến hết năm 2024. Điều này cũng đã tạo điều kiện cho các ngân hàng tái cơ cấu kỳ hạn trả nợ cho các khách hàng đủ điều kiện, góp phần giảm áp lực lên việc phải chuyển nhóm nợ của khách hàng khi đến hạn.

Với lợi nhuận duy trì đà tăng trưởng tích cực, trong đó không ít ngân hàng ghi nhận lãi lớn nhờ vào quy mô tín dụng tăng mạnh và chi phí vốn đầu vào thấp hơn so với cùng kỳ, các ngân hàng cũng tích cực sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro cho các khoản nợ xấu, giúp giảm sức ép cho phần nợ xấu nội bảng trên bảng cân đối kế toán.

Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới xu hướng nợ xấu trong thời gian tới. Trước hết, các khoản nợ tái cơ cấu khi hết thời hạn có thể chuyển thành nợ xấu bất cứ lúc nào. Theo NHNN, lũy kế đến ngày 31-8-2024, tổng giá trị nợ gốc và lãi được các tổ chức tín dụng cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là gần 250.000 tỉ đồng. Cũng tại thời điểm này, cả nước có gần 227.000 khách hàng đang còn dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với giá trị hơn 126.000 tỉ đồng, tương đương gần 1% tổng dư nợ tín dụng của toàn ngành. Điều này đồng nghĩa với 124.000 tỉ đồng nợ tái cơ cấu đã được xử lý trong thời gian qua.

Ngoài ra, những ảnh hưởng từ cơn bão Yagi nói riêng và các cơn bão gần đây nói chung sẽ khiến hoạt động kinh doanh của nhiều khách hàng khó khăn hơn. Theo cập nhật gần nhất từ NHNN, toàn hệ thống đã ghi nhận khoảng 192.000 tỉ đồng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, tăng mạnh 27.000 tỉ đồng so với con số ước tính hồi cuối tháng 9-2024. Các khoản nợ này đang được các ngân hàng tái cơ cấu theo định hướng đến hết năm 2025, điều này cũng đồng nghĩa với rủi ro nợ xấu tiềm ẩn trong tương lai sẽ tăng lên.

Trong khi đó, việc xử lý nợ của các ngân hàng sẽ tiếp tục gặp thách thức lớn, khi quyền thu giữ tài sản bảo đảm nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã không còn khi Nghị quyết 42 của Quốc hội đã hết hiệu lực và Luật các tổ chức tín dụng mới không có quy định. Cần lưu ý rằng, nội dung này của Nghị quyết 42 là một trong những giải pháp đột phá giúp nhiều ngân hàng đẩy nhanh được tiến độ xử lý nợ xấu trong những năm trước đây.

Trong buổi trả lời chất vấn Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN cho biết cơ quan này đã có khuôn khổ pháp lý đối với các công ty mua bán nợ để có thể tham gia xử lý nợ xấu. Trong trường hợp nợ xấu tăng cao, NHNN sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp để vừa tháo gỡ khó khăn vừa giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Cùng với đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng phấn đấu tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho doanh nghiệp và người dân.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới