(KTSG Online) - Nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6-2024 tăng gần 5% so với cuối năm ngoái. Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu và nợ xấu bán cho VAMC thì tỷ lệ lên đến 6,9%.
- Chuyên gia IFC: thị trường mua bán nợ xấu vẫn thiếu chiều sâu và thanh khoản
- Kịch bản nào để ứng xử với nợ xấu?
Hiện nay, các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, nhất là trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực đồng thời phần lớn các nội dung của Nghị quyết 42 không được luật hóa trong Luật Các tổ chức tín dụng 2024 vừa được ban hành.
TTXVN dẫn thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, nợ xấu đang có xu hướng tăng. Dù được giãn, hoãn nợ theo Thông tư 02/2023 của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 6-2024 vẫn tăng gần 5% so với cuối năm 2023.
Nếu bao gồm nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thì con số tỷ lệ nợ xấu lên đến khoảng 6,9%. Một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy nợ xấu cũng tăng lên đáng kể.
Việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN thêm 6 tháng cho phép giữ nguyên nhóm nợ đến cuối năm 2024. Tuy nhiên, khi hết thời hạn này, nợ xấu của ngân hàng cũng sẽ trở lại nếu khách hàng không trả được nợ.
Nợ xấu trở thành thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của toàn nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp đảm bảo chất lượng tín dụng trong thời gian tới cũng như trích lập dự phòng nợ xấu để đảm bảo an toàn cho ngân hàng.
Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng. Đến nay, tất cả các ngân hàng thương mại, kể cả những ngân hàng được cho là nhỏ, được giám sát tăng cường, ngân hàng đang kiểm soát đặc biệt cũng đã được phê duyệt đề án tái cơ cấu. Ba ngân hàng “0 đồng” đã hoàn thành định giá và đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt những khâu cuối cùng.