Tản văn: Nancy, chốn cũ - người xưa
Nhà văn Mạc Can. Ảnh: PĐQ |
(TBKTSG Online) - Với tôi, cái tên Nancy luôn gợi trong lòng tôi cảm giác khó giải thích. Một lý do khác thường, và cũng có phần trữ tình lãng mạn, khi tôi khoảng chừng mười lăm mười sáu tuổi, tôi liền có một... mối tình cỏn con.
Tôi yêu Sài Gòn nhộn nhịp hiếu khách. Sài Gòn thời tôi còn nhỏ, rồi lớn lên, với tôi có rất nhiều chuyện vui buồn, cho tới ngày hôm nay, những hình cảnh cũ của thành phố thân yêu này, vẫn còn mãi trong lòng tôi. Có thể nói giờ đây mỗi khi ngang qua một đường phố nào đó của Sài Gòn, tôi như chợt nghe từ góc phố, hè đường, vang lên tiếng gọi tên tôi, thì thầm nói lại với tôi nhiều kỷ niệm êm đềm. Trong số những nơi gợi kỷ niệm khó quên là khu chợ Nancy.
Nancy có lẽ là do người Pháp đặt, và tôi cứ nghĩ đó là tên của một người phụ nữ. Hồi đó từ nhà của ông nội tôi ở gần nhà thờ Chợ Quán, đường Trần Bình Trọng. Tôi thích thang lang tới rạp chiếu bóng Văn Cầm, gần ngã tư Nancy. Ngã tư này là làn ranh tự nhiên giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, ngoài các loại xe cộ, trên con đường dài mà tôi nhớ lại, còn có chiếc tàu điện ngộ nghĩnh. Chính chiếc tàu điện nầy làm cho đường phố vui thêm. Bọn trẻ con như tôi thường chạy theo, nhảy lên chiếc xe giống như trong phim hoạt hình, hay là để những chiếc nút khoẻn trên đường ray cho tàu điện cán dẹp để con nít bọn tôi chơi trò thảy đáo.
Nancy đúng là tên một phụ nữ. Hình như là người ta dùng tên phụ nữ, để cho khu xóm có lúc dữ dằn này dịu dàng hơn. Cũng như tên của những cơn bão lớn, tàn phá kinh hoàng nhất, thường mang tên phụ nữ. Có người nói rằng vùng Nancy vào thời trước khi có khu chợ, nó là một nghĩa địa hoang vu, cỏ xanh ngập tràn. Lần hồi nhiều người tới cư ngụ, hình thành những dãy phố trệt, đặc biệt là dãy phố toàn là người Chà cư ngụ, trong đó có ông thầy bói râu ria, làm cho trứng gà biết đứng, và chai nước thấy hình phù thủy.
Rồi thì Nancy có thêm đường nhựa và bến xe kéo. Chiếc xe kéo, phương tiện chuyên chở thô sơ, mà nhà văn Nguyễn Công Hoan mô tả trong một tác phẩm chua xót của ông là Ngựa Người. Về ngoại cảnh thì phía bờ sông ghe thương hồ tấp nập, ngoài ra sau đó còn có ga tàu điện cùng tên là Nancy, bên cạnh nơi sau này là nhà đèn Chợ Quán, một ga khác không xa ga Nancy có tên gọi là ga Aras, biểu tượng ngộ nghĩnh của ga này là một con Bồ Cào, chính danh là con cào cào hay lẫn khuất trong vùng cỏ xanh chăng.
"Tôi không biết người ta sẽ đặt tên cho cây cầu là gì. Nhưng tôi, với một chút hoài cảm về những địa danh cũ của Sài Gòn và là tên của người-con-gái-ngày-xưa, tôi sẽ gọi tên cầu là Nancy". |
Người cố cựu còn kể rằng, có một thanh niên nhà nghèo, một hôm đang đi trong vùng cỏ nhiều con cào cào khu nghĩa địa, bỗng nghe tiếng súng nổ, anh phải ẩn nhanh vào lùm cỏ cao. Thì ra, lúc đó một kẻ trộm đang bị những người lính Pháp rượt đuổi, kẻ trộm này hốt hoảng liệng một cái túi vải phi tang, lính Pháp rượt đuổi theo kẻ trộm, có lẽ là đã bắn chết hắn, trong khi người thanh niên nhà nghèo nọ, tò mò lượm lên chiếc bao vải, và anh phát hiện trong chiếc bao đầy vàng.
Người thanh niên này mở một lò đúc, trở nên giàu có hơn người, để rồi hàng năm, khu chợ NanCy diễn ra một đám giỗ, nhân đó phát chẩn cho những người nghèo. Nancy còn là nơi cư ngụ của dân anh chị tứ chiếng giang hồ, xa hơn nó còn có khu “bọt đền", tức khu mãi dâm dành cho sĩ quan và lính Pháp. Vào thời tôi còn là một đứa con nít, tôi thường thấy những người lính Pháp và những cô gái son phấn trong vùng Nancy. Còn tất cả các giai thoại trên là do tôi nghe kể lại.
Với tôi, cái tên Nancy luôn gợi trong lòng tôi cảm giác khó giải thích. Một lý do khác thường, và cũng có phần trữ tình lãng mạn, khi tôi khoảng chừng mười lăm mười sáu tuổi, tôi liền có một... mối tình cỏn con.
Gia đình tôi có quen với một người đàn bà đẹp, mà cô con gái chừng mười bốn mười lăm tuổi của bà... cũng đẹp. Nhà hai mẹ con bà ở cuối chợ Nancy. Từ nhà tôi tới chợ Nancy không xa, mẹ tôi thường sai tôi đạp xe tới chợ để mua ít đường, chút nước mắm, hay là trái ớt, hoặc túi hạt tiêu... Những người lớn của hai gia đình đã giao kèo với nhau trong nụ cười, khi nào hai đứa tôi trưởng thành thì kết đôi vợ chồng. Cô gái ấy tên gì, tôi cũng không nhớ, nhưng tôi gọi cô bé là Nancy.
Nhưng lúc lớn lên, chúng tôi không gặp nhau. Cho tới bây giờ, khi đã là một ông già, lúc nào đi qua khu Nancy tôi đều mỉm cười nhớ tới cô bé xinh đẹp ngày nào. Hôm nay Nancy ở phương trời nào, nào tôi có biết; có khi em đã là bà nội, hay bà ngoại rồi.
Nancy trong mắt tôi là một địa danh. Nhưng trong lòng dạ tôi, đó là tên người tình đầu tiên, một mối tình thời mới biết yêu ngây thơ dễ thương. Như trên có viết, mỗi khi qua con đường này, đâu đó trong trái tim tôi, mãi còn lắng nghe tiếng Nancy dịu dàng gọi. Xao xuyến và nhớ thương làm sao.
Sắp tới, chợ Nancy sẽ không còn. Quang cảnh trở nên thông thoáng hơn. Rồi sẽ có cây cầu mới, lưu thông tiện lợi qua bên kia sông. Tôi không biết người ta sẽ đặt tên cho cây cầu là gì. Nhưng tôi, với một chút hoài cảm về những địa danh cũ của Sài Gòn và là tên của người-con-gái-ngày-xưa, tôi sẽ gọi tên cầu là Nancy.
MẠC CAN