Thứ bảy, 10/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo lạm phát và đình trệ kinh tế

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nỗi lo lạm phát và đình trệ kinh tế

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào tình trạng lạm phát và đình trệ - Ảnh minh họa: LToàn

(TBKTSG Online) - Sau khi bạn đọc Cảnh Thái có ý kiến không quá sớm để lo giảm phát phản hồi bài viết của TS. Vũ Thành Tự Anh "Quá sớm để lo giảm phát" đăng trên TBKTSG số ra ngày 30-10-2008, TS. Tự Anh đã có bài viết trao đổi lại. TBKTSG Online xin giới thiệu bài viết này.

Trước tiên, tôi xin cảm ơn độc giả Cảnh Thái đã có ý kiến trao đổi về bài viết của tôi nhan đề "Quá sớm để lo giảm phát" đăng trên TBKTSG số ra ngày 30-10-2008. Để việc thảo luận được thuận lợi, trước tiên cần thống nhất với nhau về một số khái niệm cơ bản.

Đầu tiên là khái niệm giảm phát (deflation). Theo định nghĩa chính thống, giảm phát là tình trạng giảm giá phổ biến trong nền kinh tế. Như tôi đã trình bày trong bài “Quá sớm để lo giảm phát”, nếu chấp nhận định nghĩa này về giảm phát thì căn cứ vào những gì đã và đang xảy ra thì chúng ta chưa có đủ cơ sở để khẳng định rằng nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải tình trạng giảm phát.

Khái niệm quan trọng thứ hai là đình trệ (stagnation). Đình trệ xảy ra khi nền kinh tế tăng trưởng chậm trong một thời gian dài. Nhìn chung, không có một định nghĩa nhất định thế nào là “chậm” và thế nào là “thời gian dài". Ở một số nền kinh tế phát triển, nếu mức tăng trưởng GDP hàng năm thấp hơn 2-3% thì nền kinh tế bị coi là đình trệ.

Tuy nhiên, với một nền kinh tế có lịch sử và tiềm năng tăng trưởng cao như Việt Nam, mức tăng trưởng GDP 5-6%/năm cũng đã đủ thấp để có thể được coi là đình trệ, nhất là khi Việt Nam phải giữ một tốc độ tăng trưởng tương đối cao để có thể tạo đủ việc làm cho 1,7 triệu lao động mới hàng năm.

Tác giả Cảnh Thái cho rằng “giảm phát chỉ là một "hệ quả" của đình trệ sản xuất kinh doanh, trong khi các dấu hiệu đình trệ sản xuất kinh doanh đã lộ diện rõ ràng.” Ý kiến về nền kinh tế giảm phát và đình trệ này có thể được biểu diễn bằng đồ thị tổng cung – tổng cầu như trong Hình 1. Sự đình trệ trong sản xuất kinh doanh được thể hiện bằng việc đường tổng cung dịch chuyển sang phải nhưng không đáng kể. Khi ấy, giảm phát chỉ có thể là kết quả của việc tổng cầu sụt giảm.

Hình 1: Giảm phát và đình trệ.
Hình 2: Lạm phát và đình trệ

Ghi chú:

- P, Q là mức giá và sản lượng chung của nền kinh tế

- S và D là tổng cung và tổng cầu

- Chữ số 07 là năm 2007, 08 là năm 2008

 

 

 

Tuy nhiên, những số liệu thống kê hiện có cho thấy Hình 2 mới mô tả đúng hiện trạng của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể là nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2008 tuy vẫn tăng trưởng trên dưới 6,5% nhưng tốc độ tăng trưởng đã chậm hẳn lại so với năm 2007, tức là đã xuất hiện những dấu hiệu của sự đình trệ. Đồng thời lạm phát đo bằng CPI vẫn cao hơn 20%.

Để mô tả nền kinh tế vừa lạm phát vừa đình trệ như thế này, các nhà kinh tế học dùng thuật ngữ “stagflation = stagnation + inflation”.

Nói một cách vắn tắt, có ba nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng lạm phát và đình trệ ở Việt Nam trong năm 2008. Nguyên nhân đầu tiên là do chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức và quá nhanh, đặc biệt là tốc độ gia tăng tín dụng chóng mặt vào những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008 để đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư chứng khoán và bất động sản. Tương tự như vậy, chính sách tài khóa bị nới lỏng quá mức, đặc biệt là những khoản đầu tư công và đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước vốn rất kém hiệu quả [1]. Thứ ba, cú sốc về giá dầu mỏ và lương thực cũng làm gia tăng sức ép lạm phát một cách đáng kể.

Cần nhấn mạnh rằng “đơn thuốc” cho tình trạng lạm phát và đình trệ (Hình 2) rất khác so với tình trạng giảm phát và đình trệ (Hình 1). Để đối phó với tình trạng giảm phát và đình trệ thì Chính phủ có thể phải kích cầu và nới lỏng chính sách tiền tệ - và đây cũng là những chính sách đang được một số người đề xuất. Nhưng để đối phó với tình trạng lạm phát và đình trệ thì các biện pháp kích cầu và nới lỏng chính sách tiền tệ không những chưa chắc giải quyết được tình trạng đình trệ mà còn có thể phản tác dụng trong nỗ lực chống lạm phát.

Chính sách của Chính phủ khi nền kinh tế đình trệ và lạm phát nên như thế nào? Về mặt lý thuyết, đầu tiên là cần phải tìm cách dịch chuyển đường tổng cung sang bên phải – tức là tăng cường năng lực tạo ra giá trị gia tăng cho khu vực sản xuất. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi khu vực doanh nghiệp được tăng cường năng lực cạnh tranh và vốn được phân bổ tới các doanh nghiệp hiệu quả nhất.

Đồng thời, nguồn vốn của quốc gia không thể được tiếp tục rót vào các dự án đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả vì làm thế sẽ lấy đi cơ hội của khu vực doanh nghiệp dân doanh, đồng thời lại tiếp tục đổ thêm dầu vào ngọn lửa lạm phát; mà nếu không giảm được lạm phát thì cũng không có cơ sở bền vững để hạ lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại.

Cần lưu ý thêm là trong điều kiện vừa lạm phát vừa đình trệ, Chính phủ phải hết sức thận trọng đối với những chính sách tác động đến tổng cầu vì nếu làm tăng tổng cầu thì mặc dù có thể giải quyết phần nào tình trạng đình trệ nhưng có thể lại làm tăng lạm phát; trái lại, nếu làm tổng cầu giảm thì có thể hạ nhiệt lạm phát nhưng lại làm nền kinh tế lún sâu vào đình trệ hơn nữa.

Có nhiều lý do - cả bên trong và bên ngoài - để lo lắng cho kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2008 và cả năm 2009. Trong bối cảnh khó khăn và bất ổn như hiện nay, bắt mạch đúng hiện trạng của nền kinh tế để từ đó xác lập đúng các ưu tiên và biện pháp chính sách là nhiệm vụ có tính sống còn.

Trong khuôn khổ bài trao đổi nhỏ này, chúng tôi mới chỉ có điều kiện thảo luận thêm về những lý do tại sao việc lo ngại về giảm phát ở Việt Nam (và những chính sách tương ứng) là thiếu cơ sở, đồng thời khẳng định rằng sự lo lắng nên dành cho tình trạng lạm phát và đình trệ. Chúng tôi hy vọng có dịp trở lại thảo luận về những điều thực sự đáng lo ngại của nền kinh tế Việt Nam trong một bài viết khác.

[1] Xem thêm một số báo cáo của ĐH Harvard và Trường Fulbright tại địa chỉ www.fetp.edu.vn.

VŨ THÀNH TỰ ANH - Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới