(KTSG) - Mùa thi THPT Quốc gia cận kề, cũng là lúc các thí sinh đang chạy nước rút trong việc ôn bài để vượt qua kỳ thi quan trọng này. Không chỉ các thí sinh mà phụ huynh cũng căng thẳng và lo lắng cho con em mình. Nhiều cha mẹ lo lắng việc thi cử của con nên ra sức động viên, chia sẻ. Tuy nhiên cũng không ít phụ huynh muốn con phải đậu bằng mọi giá, bất chấp đưa ra nhiều hình thức “kỷ luật thép” đối với con. Điều này hoàn toàn không nên.
- Thi tốt nghiệp THPT 2023: Hơn 55% thí sinh chuộng bài thi Khoa học xã hội
- Sửa quy chế thi tốt nghiệp THPT 2023: Không được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi
Nên cho con học tập trong sự hứng thú. Tức là khi con có tinh thần thoải mái, thấy thích thú với bài học, bài tập đó thì trẻ sẽ tự khắc chăm chú vào việc học. Đến khi thấy mệt mỏi, căng thẳng thì để con nghỉ ngơi lấy lại tinh thần. Không gian trong nhà cũng hết sức quan trọng, việc ồn ào, náo nhiệt cũng sẽ ảnh hưởng đến việc học của con. Nếu như con thấy thích thú khi học trên võng sau hè, học trên sân thượng hay những nơi thấy thật thoải mái thì hãy tôn trọng quyết định của con. Học ở đâu cũng được, miễn con thấy tiếp thu bài tốt là được.
Cần lưu ý, việc học tập theo sự hứng thú không có nghĩa là buông lỏng, để con tự do đến mức sinh lười, mà phải quy định rõ ràng mới được. Cần chia sẻ với con trong việc học bằng cách động viên cũng như trò chuyện cùng con, xem con như người bạn để hiểu rõ con đang cần gì, muốn gì… Từ đó biết được tâm tư, nguyện vọng, mặt khuyết, mặt ưu của con mà thay đổi việc giáo dục cho phù hợp.
Cha mẹ cũng cần lắng nghe mong muốn, ước nguyện của con để cùng con có sự thấu hiểu và cân bằng. Giúp con thấy và hiểu việc học là quan trọng để từ đó con bạn hiểu được việc học sẽ giúp ích gì cho bản thân, gia đình và xã hội trong tương lai. Có như vậy trẻ mới nỗ lực học tập để thực hiện được ước mơ của mình.
Tuy nhiên, cần cho con thấy giữa tri thức và sự thành công trong sự nghiệp là hai phạm trù hoàn toàn tách biệt. Không phải ai học hành cũng thành danh… nhưng việc học sẽ giúp ta trau dồi kiến thức, sống tốt, có cơ hội tiến thân hơn trên đường đời.
Nên có kế hoạch cho con học một cách khoa học thông qua việc lập thời khóa biểu hợp lý, không thức quá khuya hay bỏ ăn mà ảnh hưởng đến sức khỏe, kết hợp cho con giải trí nhẹ nhàng để việc học thư thái, dễ tiếp thu bài vở hơn. Đừng cấm trẻ sử dụng điện thoại di động, mà cần nhắc nhở con hạn chế nhắn tin, chú tâm vào việc học. Bởi con cũng cần liên lạc với bạn bè để trò chuyện cũng là điều tốt, ngoài việc thư giãn, còn là cách giúp con trao đổi bài vở, buôn chút chuyện vu vơ cho thoải mái.
Tuyệt đối không được “cấm túc” con vì con sẽ dễ “nổi loạn” hơn nếu cảm thấy việc học quá ngột ngạt bức bách. Không nên vì sĩ diện hão mà thúc ép, gò bó con trong việc học, xem con như một công cụ để cho mình nở mày nở mặt. Hãy cho trẻ học một cách tự nhiên (dù có đôi lúc khắt khe), không vướng bận những áp lực gì từ phía người lớn. Không nên bộc lộ cũng như cho thấy mình đang quan tâm, lo lắng cho con quá nhiều. Vì như thế sẽ dẫn đến chuyện vòi vĩnh, làm nũng, thậm chí còn bị đe dọa “con sẽ bỏ thi” nếu như phụ huynh không đáp ứng yêu cầu.