Thứ sáu, 15/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Nỗi lo nhập khẩu lạm phát

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Năm 2021 kết thúc với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Tổng cục Thống kê cũng cho biết lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020.

Đây là một tin đáng mừng vì đa phần các nước trên thế giới đang lo ngại lạm phát cao quay trở lại, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế, việc làm và lãi suất trong những năm sắp tới. Lạm phát năm 2021 ở Mỹ đạt mức 7%, ở Anh là 5,1%, thậm chí lên đến 10,7% ở Brazil, 36,08% ở Thổ Nhĩ Kỳ và được dự báo sẽ tăng chóng mặt đến 54,8% trong năm 2022 ở Argentina...

Trong khi đó, nền kinh tế của nước ta là một nền kinh tế mở, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 668,5 tỉ đô la, tức bằng 230% GDP - giá hàng hóa cao ở nước ngoài trước sau gì cũng làm hàng nhập khẩu tăng giá. Đồng thời hàng xuất khẩu bán được giá cao hơn cũng làm giá cả trong nước tăng theo. Thực chất mức tăng 26,5% của kim ngạch nhập khẩu có thể đến từ tăng giá chứ không hoàn toàn do tăng khối lượng. Trước mắt giá nhập khẩu nhiên liệu tăng làm giá xăng dầu trong nước nhiều lần tăng theo.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thuộc Liên hiệp quốc (FAO), giá lương thực đang tăng mạnh, tính đến thời điểm tháng 5-2021 đã tăng 40% trong vòng 12 tháng trước đó. Dự báo giá lương thực thế giới vẫn giữ đà tăng này chứ không dịu lại.

Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ định hướng cho các chính sách kinh tế lớn phải nhắm tới mục tiêu kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng nằm trong chừng mực chấp nhận được, không để lạm phát cao ảnh hưởng đến thu nhập thực của người dân cũng như các cân đối kinh tế vĩ mô. Với các nước lãi suất là vũ khí để chống lạm phát, như Mỹ đang lăm le nâng lãi suất trong tháng 3, cắt giảm các gói hỗ trợ phát triển kinh tế, cắt giảm việc tung tiền giá rẻ cho nền kinh tế.

Vì thế chủ trương giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 với đa số các mặt hàng đang áp dụng thuế suất 10% là một cách giảm nhẹ áp lực tăng giá, nhất là ở các mặt hàng thiết yếu. Ngược lại, việc hỗ trợ 2% lãi suất/năm cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có các khoản vay ở ngân hàng thương mại lại có tác dụng tương tự giảm lãi suất nói chung, nghĩa là đi ngược với nỗ lực kềm chế lạm phát bằng công cụ tiền tệ. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần có những chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ cho nông dân và nông nghiệp, giúp họ vượt qua những khó khăn như giá phân bón đang tăng mạnh để từ đó có thể bình ổn giá cả lương thực, thực phẩm ngay từ điểm xuất phát.

Trong một tổng hợp của Bloomberg ghi nhận các dự báo gần đây của các chuyên gia kinh tế, Việt Nam và Indonesia được cho là sẽ có mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khá cao ở châu Á do áp lực từ chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa thiết yếu, cụ thể CPI ở Việt Nam sẽ tăng 3,45% trong năm 2022. Dù mức dự báo này cao là do dựa vào mức xuất phát điểm rất thấp của năm 2021 và vẫn còn thấp hơn so với mục tiêu dưới 4%, chúng ta cũng cần tham khảo để lường trước những thay đổi chính sách cần thiết. Chọn lựa chính sách, do đó, sẽ là ưu tiên cho chính sách nào vừa có tác dụng kềm chế lạm phát lại hỗ trợ phục hồi kinh tế và tạm thời gác lại những chính sách tuy sẽ tốt cho phát triển nhưng có tiềm ẩn rủi ro lạm phát.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới